Vậy là, tờ báo đã bước sang tuổi hai mươi. Đối với đời người, đây là độ tuổi tràn đầy khát vọng và sinh lực. Có lẽ, với cái thước đo thời gian này, tờ báo cũng không là ngoại lệ.
Điều may mắn hơn, nó đang được kế thừa và tiếp nối. Bây giờ nghĩ lại, về cái mốc điểm tờ báo ra đời (ngày 2/9/1993) thật không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nếu không tính niên đại thì ngày 2/9 chính là ngày khai sinh của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và cũng là ngày tờ Thời báo Tài chính Việt Nam hòa nhập vào làng báo chí - truyền thông nước nhà. Chọn đúng ngày quốc khánh để tờ báo ngành trình làng, phải nói là có biết bao nhiêu gửi gắm và trông đợi của Ban cán sự Bộ Tài chính thời bấy giờ đã tin cậy và hy vọng trao gửi vào cơ quan ngôn luận của mình.

Hoàng Trần Cương (Nguyên Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam)
Hai mươi năm là dài hay ngắn? thông thường theo ước lệ, cứ mỗi 25 năm là được tính cho một thế hệ. Với chặng đường đã qua, phải nói là thế hệ ban đầu của Thời báo Tài chính Việt Nam đã hoàn thành phần việc của mình. Hoàn thành một cách khá vất vả nhưng cũng đầy nghị lực và bản lĩnh, trong giai đoạn “vạn sự khởi đầu nan”.
Tuy chưa phải là một tờ báo lớn, nhưng ngay từ khi xuất hiện và nối tiếp cho đến ngày nay, tờ báo luôn là người bạn đồng hành của các doanh nghiệp, doanh nhân và mọi thành phần, tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tài chính kinh doanh… là một đơn vị sự nghiệp có thu, tự đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động, cùng với đà tăng trưởng của nền kinh tế thời bấy giờ, tờ báo ngày càng xác định được vị thế của mình.
Một không khí làm báo say mê và hào hứng tràn ngập Tòa soạn những ngày đầu tiên ấy. Những chuỗi bài điều tra nảy lửa, những trang phóng sự thấm đẫm hơi thở cuộc sống nối tiếp nhau xuất hiện trên mặt báo, đã từng bước tạo nên bản sắc riêng của một tờ báo còn non trẻ nhưng giàu trách nhiệm và ý thức xây dựng một nền tài chính trong sạch, vững mạnh. Không ngại va chạm không “dĩ hòa vi quý”.
Nhớ lại những tháng năm ấy, nhiều lúc bỗng thấy nao lòng. Lớp lãnh đạo đầu tiên - Ban Biên tập của tờ báo thời ấy cũng thật là “tiết kiệm”. Vỏn vẹn chỉ có hai người.
Cố GS-TSKH Thứ trưởng Tào Hữu Phùng là Tổng Biên tập kiêm nhiệm và Phó Tổng biên tập (sau này là Phó Tổng biên tập Thứ nhất) là đồng chí Đào Ngọc Hùng.
Xin được nghiêng mình thắp một nén hương để tưởng nhớ Anh Tào Hữu Phùng, người Tổng Biên tập của tờ báo thời kỳ trứng nước, đã hết lòng chăm bẵm và lo toan từng số báo; độ lượng, tin cậy và giàu lòng trắc ẩn, dìu dắt đội ngũ cán bộ, phóng viên, nhân viên từng bước trưởng thành. Thậm chí, nhiều khi tự mình anh đi “chạy” quảng cáo để có thêm nguồn tiền ăn trưa cho cơ quan.
Xin được lưu giữ những ký ức tươi đẹp và đầy chất sĩ phu Bắc Hà của anh Đào Ngọc Hùng, tiếng là Phó Tổng biên tập nhưng lại đảm đương tròn trĩnh chức trách của một Tổng Biên tập kéo dài ngót nghét một thập kỷ, vừa vặn hai nhiệm kỳ đầy ắp buồn vui.
BÌNH LẶNG
Em ơi,
Hôm nay đất trời tươi tắn quá
Mưa như là của nả tự ngày xưa
Và nắng nữa
Nhạc của ngày mai đấy
Đã rắc vàng lai láng đó đây
Có nhiều nhặn gì đâu
Một ngày bình lặng
Một đêm không trằn trọc hoang mang
Một sớm mai mở toang cửa đón gió lùa tươi mát
Một chiều hôm ngắm mây trắng qua làng.
Em ơi em,
Niềm tin yêu thật giản đơn bình dị
Trăng mọc soi đêm
Gió tụ mở ngày
Không còn trẻ bởi anh từng có thời say đắm
Xanh như là sắc cỏ của hôm nay…
Xin được nhớ về những cán bộ, phóng viên, biên tập viên của “cái thủa ban đầu lưu luyến ấy”, ngày ngày lọ mọ túm tụm nhau trong hai căn phòng nhỏ và một cái buồng “xép” của tòa nhà bê tông màu xám tro ở số 8 Phan Huy Chú, để duyệt bài, vào trang và xếp quảng cáo cho từng số báo.
Họ đều là những nhà báo chuyên nghiệp, những biên tập viên giàu kinh nghiệm, những sinh viên báo chí xuất sắc mới ra trường được chiêu mộ về dưới ngọn cờ của Thời báo Tài chính Việt Nam.
Đó là những anh Đinh Bá Đào (Báo Nhân dân) Trần Đức Khang (Báo QĐND); Nguyễn Hữu Mão (Báo Tuổi trẻ Thủ đô); Phạm Doãn Quân, Đặng Đức Long, Đinh Thị Bạch Hường (Phân viện Báo chí); Trần Thị Kim Thanh (Đài TNVN), Vũ Duy Cao, Trần Duy Thanh và nhiều anh chị em khác nữa...
Thời ấy, tờ báo thực sự là một gia đình lớn. Nó như một khối nam châm cuốn hút tâm huyết và nỗi say mê của mỗi người, trong vòng quay không phải lúc nào cũng yên ả. Mệt mà vui. Vất vả mà hồ hởi. Đó là tâm trạng mãi còn tươi rói trong ký ức của mỗi chúng tôi. Trong giai đoạn đầu của mình, tổ chức bộ máy của tòa soạn cũng thật gọn nhẹ. Ngoài Ban Biên tập, tờ báo chỉ có 3 ban (Ban báo, Ban Thư ký Tòa soạn, Ban Trị sự) và Chi nhánh đặt tại TP. Hồ Chí Minh.
Thời báo Tài chính ban đầu phát hành mỗi tuần một kỳ rồi nâng dần lên tuần 3 kỳ như hiện nay. Và các phụ trương “Con thoi thị trường sau này đổi tên là “Tài chính Thị trường” - nay đã ngừng xuất bản; Đặc san Thời báo Tài chính hàng tháng; Thời báo Tài chính Việt Nam - bản Tiếng Anh lần lượt ra mắt bạn đọc.
Thế mà, chớp mắt đã hai mươi năm. Hai mươi năm biết bao nhiêu buồn vui, cái buồn vui của tuổi trưởng thành. Bây giờ tờ báo đã có thêm một cơ sở đại diện ở Bắc Miền Trung - đặt tại TP. Vinh - Nghệ An. Thế là nhiều hay ít? Thế là nhanh hay chậm? Các cụ ta thường dạy: “Quy hồ tinh bất quý hồ đa” và “Dục tốc bất đạt”. Thà chậm mà chắc, thà ít mà tinh, còn hơn nhanh nhiều mà… lỗ vốn.
Kỷ niệm “nhị thập niên” Thời báo, không hiểu sao tôi bất chợt nhớ đến… những chân trời. Những chân trời của tuổi hai mươi cũng tràn sức trẻ. Những chân trời không chỉ mướt xanh màu hy vọng, mà ở đó như còn lưu đọng nỗi khát khao của những thế hệ đi trước, về biết bao điều dở dang chưa chạm đích.
Trong sức vóc tuổi hai mươi, hình như bây giờ, Thời báo Tài chính Việt Nam đã và đang được Bộ Tài chính (cộng với sự tự khẳng định bản lĩnh của riêng mình) tạo lập thêm nhiều chân trời mới.
Mong sao sớm có một ngày cả cơ ngơi này, tự mình đủ sức để mà bay…/.