Ấy là những ngày tôi chuyển “trận địa” làm báo. Ấy là những ngày thật rộn ràng, sôi động của Tòa soạn để cho hệ thống báo chí cả nước nói chung, báo chí kinh tế nói riêng có thêm một tiếng nói mới, một tờ báo mới – Tờ Thời báo Tài chính Việt Nam.
Ngày ấy, nói là Tòa soạn, nhưng chưa có được sự chuyên biệt, đầy đủ như ngày hôm nay. Cả Tòa soạn chỉ có khoảng chục người – cỡ một tiểu đội. Tôi vẫn quen gọi như thế, bởi có tới một nửa Tòa soạn từng là lính. Hoặc như anh Đào Hùng, người trực tiếp phụ trách Tòa soạn cũng chẳng khác người lính, từng là cán bộ trong Đoàn chuyên gia Campuchia một thời gian khó.
Mà chẳng cứ “lính gốc”, những người làm báo đều mang đậm chất lính - kỷ luật, sẵn sàng; và trong nhiều trường hợp còn có cả sự dũng cảm. Đó có lẽ là chất keo gắn bó chúng tôi làm nên tờ báo, ra số báo đầu tiên ấn tượng, góp phần phát triển tờ báo như ngày hôm nay. Còn nhớ, để xuất bản được số báo đầu tiên và tiếp nối trong một thời dài sau đó, chúng tôi đã phải làm thực sự như những người lính làm báo ở mặt trận. Tất cả “cán”, “binh” đều ra trận.
Ngày ấy, Thời báo Tài chính Việt Nam do một Thứ trưởng Bộ kiêm Tổng biên tập. Anh Đào Hùng, Phó Tổng biển tập, phụ trách Tòa soạn. Anh Đinh Bá Đào (bút danh Đinh Hải) từ Báo Nhân dân sang làm Thư ký Tòa soạn. Tôi ở Báo Quân đội Nhân dân sang, phụ trách biên tập. Nói là thế thôi chứ mọi người phải kiêm nhiện nhiều, làm tất cả mọi việc, chẳng kể ngày nghỉ.
![Tran Duc Khang]()
Nhà báo Trần Đức Khang, nguyên Phó TBT TBTCVN trong một chuyến đi công tác tại Hàn Quốc.
Anh Đào làm Thư ký Tòa soạn, lo “bộ mặt” của tờ báo, nhưng cũng trực tiếp viết bài, đọc bài. Ngày đó và nhiều năm sau này anh vẫn là người giữ “ông Chổm” – một chuyên mục của báo. Còn tôi thì lo phần chính luận trên báo. Cả tôi, anh Đào, anh Thanh, anh Sơn, chị Kim Thanh, vừa làm biên tập, vừa viết bài, kiêm cả sửa “mo” và nhiều việc không tên nữa. Anh Quang, anh Cao làm “hậu cần”, kiêm luôn cả phát hành, quảng cáo… Chị Thanh Hà, một trong những gương mặt nữ trẻ nhất, có mặt ở Tòa soạn sớm nhất lúc bấy giờ, vừa làm đánh máy, văn thư, vừa làm thủ quỹ và trả tiền nhuận bút…
Để ra được số báo đầu tiên chúng tôi phải chuẩn bị ra cả “số mo” (số 0); đồng thời “lót ổ” nhiều tin, bài, gối cho các số kế tiếp. Rất nhiều ngày chúng tôi phải làm “quá giang”, làm cả ngày nghỉ, ăn ở ngay tại Tòa soạn. Thật ra trụ sở Tòa soạn chật chội lắm. Bộ chỉ bố trí cho ở một phòng vài chục mét vuông. Nơi chị Hà đánh máy kiêm đủ thứ, phải ở tạm ô sép dưới cầu thang. Mặc dù thời gian đầu chỉ ra tuần một số, nhưng ai cũng lo nếu không chuẩn bị “chân hàng” tốt sẽ dễ bị đứt quãng.
Tôi và anh Đào, những người từng làm báo ngày nhưng vẫn lo. Hai chúng tôi thường bảo nhau, chúng mình đã từng làm báo, đi nhiều, quen rồi, nhưng với tài chính lại là người “ngoại đạo” . Về đây cùng làm, cùng lo, cố giữ cho báo “chạy đều” , kẻo mang tiếng người ta xin mình về để xây dựng nên “thời báo” từ ngày đầu. Còn nhớ, sau đó, Bộ trưởng Hồ Tế là người rất quan tâm đến tờ báo, cả nội dung và tên gọi cũng đã nhắc nhở: Thời báo là phải thời sự, chuẩn xác, kịp thời …
|
Cố GS.TSKH Tào Hữu Phùng Thứ trưởng Bộ Tài chính, Tổng biên tập TBTCVN (bìa phải) duyệt số báo đầu tiên ra ngày 2/9/1993.
|
Sức cố gắng của cả Tòa soạn đạt được thành công ngoài sự mong đợi. Số báo đầu tiên đã phát hành đúng dịp kỷ niệm Quốc khánh 2-9 và mừng Ngày Truyền thống ngành Tài chính (28-8). Cả Tòa soạn vui mừng. Tôi, anh Đào, anh Sơn, anh Quang, chị Hà chia nhau mang số báo đầu tiên của ngành được phát hành đến lãnh đạo và các cơ quan trong bộ.
Trước đó, dưới sự chù trì của lãnh đạo Bộ, một hội nghị về hỗ trợ, phát hành, tạo điều kiện đưa báo về cơ sở cũng đã được tổ chức tại Tam Đảo - Vĩnh Phúc với sự tham gia của đơn vị phát hành và nhiều cơ quan, đơn vị trong ngành. Nhờ đó, tờ báo có cơ hội đến với công chúng nhanh hơn, nhiều hơn. Sau khi tờ báo được phát hành rộng rãi trong và ngoài ngành, Tòa soạn đã nhận được nhiều sự động viên, khích lệ và chúc mừng của bạn đọc cùng đồng nghiệp. Đó là niềm hạnh phúc lớn của những người làm báo như chúng tôi ngày ấy.
Ngày ấy, tuy chưa xa, nhưng dường như “đãi ngộ” vẫn chưa phải là một động lực. Nhiều người về báo, ở đất Tài chính thật đấy, nhưng lương thấp, nhuận bút thấp. Thấp nhưng chẳng ai nghĩ, ai biết mình là thấp. Như tôi và cả anh Mão nữa, mãi sau này mới hiểu, là sỹ quan quân đội, đã từng làm báo chuyển sang mà vẫn phải chịu “đánh” tụt xuống hai bậc lương cho “phù hợp với mặt bằng chung” … Làm báo ngày ấy , dường như trách nhiệm, danh dự là động lực của tôi, của cả Tòa soạn.