10/20 năm…
Thấm thoắt đã gần 12 năm tôi trải nghề báo, kể từ thời điểm mới chập chững bước một chân vào nghề. Không ít điều “hỉ, nộ, ái, ố” lận vào đời tôi. Không dám cho mình là có kinh nghiệm nhiều như các bậc tiền nhân đi trước nhưng với chừng đó thời gian cũng đủ để cho tôi “mở mắt” và suy ngẫm. Thiết nghĩ nếu là người non gan, chắc ít ai dám dấn thân vào nghề báo, bởi mỗi bài viết, phóng viên đã phải vượt qua rất nhiều rào cản, khó khăn, hiểm nguy từ khâu nghĩ đề tài, săn tin, “săn người”… cho tới khâu hoàn thiện bài viết, chưa kể là tâm lý còn bị ảnh hưởng bởi những chuyện nhỏ nhặt trong đời sống, nếu tinh thần không vững có lẽ còn bị bệnh trầm cảm nặng!
Tôi nghiệm ra rằng, khó biết chừng nào nếu chúng ta không có sự đam mê và lòng nhiệt huyết với nghề. Trong hằng hà sa số chuyện trong buổi đầu dấn thân vào nghề báo, chập chững viết lách đó, nhớ có lần viết đề tài ký chân dung một phụ nữ “đảm việc nước, giỏi việc nhà”, tôi tìm tới người phụ nữ đó trong giông tố, mưa như trút, sấm chớp ầm ầm, ướp nhẹp, chiếc xe đạp thời “napoleong” mượn của bà chị lại bị hỏng, khổ hết nói nổi…cuối cùng là hoàn thiện bài viết trong bệnh viện (bài viết chỉ được 60 nghìn đồng nhuận bút, không đủ tiền mua thuốc uống…!?). Hay như một lần thực hiện bài viết thể loại phóng sự điều tra, xuống cơ sở lân la hỏi han, bị “đối tượng”, gọi người hành hung, “phù” may quá chạy kịp. “Hú hồn hú vía” cũng đủ tư liệu để dựng thành một bài phản ánh nhỏ, đủ tiền xăng, xe (!?).
Có lần đi làm điều tra chiếc xe máy cà tàng của tôi bị lột sạch dần phụ kiện. Nghĩ cũng buồn cười, lắm kiểu khủng bố những lời hăm dọa đến khủng khiếp đối với “trái tim” non nớt mới trải nghề như tôi. Hăm dọa không xong “chúng” quay sang mua chuộc, “khủng bố điện thoại” suốt hàng vài tuần trời, khiến tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Tôi vẫn tiếp tục chạy đôn, chạy đáo, nghiên cứu, tìm tòi tư liệu, gặp luật sư này, luật sư kia để làm rõ đúng, sai sự việc… và cứ như vậy mất gần một tháng trời tôi mới có thể hoàn thành được loạt bài phóng sự điều tra 3 kỳ…
“Nghiệp báo” đeo đẳng
“Con ạ, nghề báo không những khổ cực, hiểm nguy mà còn “bạc” nữa, thôi chuyển nghề đi con”! Biết rằng lời mẹ nói là vì quá thương con, tôi nói “con chỉ làm làm phóng viên xoàng thôi, không đi săn tin “nóng” nguy hiểm đâu”, nhưng “bệnh đâu, tật đấy”, tôi lại tiếp tục thực hiện thêm nhiều đề tài khác sau khi được nhận chính thức vào Thời báo, trong đó nhớ nhất có một vụ việc khiến mẹ tôi “cấm vận” không cho tôi tiếp tục đi làm ở Thời báo, nếu không hứa là không làm thể loại phóng sự, điều tra nữa. Đó là vụ việc liên quan đến một ông giám đốc không thực hiện đúng việc trả lương, thưởng ngoài giờ cho cán bộ công nhân viên chức theo như quy định….
“Để có thể trụ vững và sống được với nghề báo đòi hỏi bản thân không chỉ có tư tưởng chính trị vững vàng mà còn phải tỉnh táo, biết cách bảo vệ mình, bảo vệ nhân vật và không được hiếu thắng”, của các bậc tiền bối đi trước nói quả không ngoa! Kể từ thời điểm đó, chữ “bạc” như mẹ tôi nói đã dần ngấm vào trong tôi theo nghĩa đan xen của những “mảnh ghép” hiện thực tiếp theo. Than ôi cho đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa dứt được nghiệp làm báo, cho dù mảng miếng đang theo dõi hiện tại cũng không kém phần gai góc và nhạy cảm nhất trong xã hội. Tâm nghề khó dứt! không thể rời xa. Con xin lỗi mẹ! “Nghề báo” vẫn cứ đeo đẳng con, mẹ ạ!./.