Nhớ về bài báo đầu tiên đăng trên Thời báo Tài chính Việt Nam
Ông Lê Tuấn - Cục TH&TKTC
Bắt đầu từ năm 1989 Bộ Tài chính đã đề xuất yêu cầu và mời các cơ quan, viện nghiên cứu trong nước có kinh nghiệm về ứng dụng công nghệ thông tin tư vấn. Kết quả, Bộ Tài chính đã có một Dự án ứng dụng Tin học vào công tác quản lý tài chính đệ trình Chính phủ (khi đó là Hội đồng Bộ trưởng). Tại Công văn số 1377/PPLT ngày 9/5/1990, Hội đồng Bộ trưởng đã chấp thuận và cho phép Bộ Tài chính tiến hành công việc tin học hóa theo dự án đã đệ trình. Chúng tôi xác định công cuộc ứng dụng tin học trong ngành Tài chính được chia thành nhiều giai đoạn.
Giai đoạn đầu tiên là “Tạo môi trường tin học” với mục tiêu đưa vào các hoạt động nghiệp vụ tài chính một môi trường làm việc mới, đó là các máy vi tính, máy in chạy cùng với một số ứng dụng đơn lẻ, cũng như xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên tin học đầu tiên của ngành.
Thời kỳ đó máy vi tính đang là vật hiếm, không phải phổ biến như bây giờ. Vì thế, để phổ cập được tin học, đưa tin học trở thành công cụ làm việc lại cần nhiều yếu tố - nhất là về tư tưởng, nhận thức.
Cũng do thích viết lách, cộng với sự hỗ trợ của anh em phóng viên TBTCVN, năm 1997 chúng tôi đã viết và đăng bài “Nỗ lực cho một hướng đi đúng” trên TBTCVN. Bài báo này là được coi tuyên ngôn đầu tiên của chúng tôi trên truyền thông đại chúng, với việc chính thức công bố: “Chiến lược phát triển ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của ngành Tài chính là tiến hành đồng thời ba nội dung: Hợp lý về tổ chức; Hiện đại về công nghệ; Hoàn thiện về chính sách”.
Sau này, với sự phối hợp và hỗ trợ của anh em phóng viên, nhiều bài viết về hoạt động CNTT của ngành Tài chính đã được đăng tải trên TBTCVN, góp phần hỗ trợ thúc đẩy hơn việc phát triển CNTT của ngành Tài chính.
Đến nay, tuy không có điều kiện thường xuyên viết bài cộng tác với TBTCVN, nhưng tôi vẫn là một độc giả thường xuyên và gắn bó qua quan hệ công việc với phóng viên của TBTCVN...
Nhân dịp 20 năm xuất bản số báo đầu tiên và khai trương TBTCVN điện tử, tôi luôn mong TBTCVN sẽ tiếp tục lớn mạnh, xứng đáng là một kênh thông tin hàng đầu! uy tín trong lĩnh vực tài chính – kinh tế.
Người bạn đồng hành của ngành thuế Vĩnh Long
Ông Huỳnh Văn Hải - Cục trưởng Cục thuế Vĩnh Long
Ngành Thuế Vĩnh Long (NTVL) ra đời từ ngày tái lập tỉnh cuối năm 1991, trong bối cảnh nguồn lực địa phương yếu, do chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp; nguồn thu thiếu bền vững. Trong giai đoạn khó khăn ấy, TBTCVN đến với chúng tôi như người bạn thân thiết, từ việc phản ánh hoạt động sản xuất, kinh doanh đến thực thi chính sách thuế, tài chính cả nước… đã giúp NTVL cập nhật thông tin, từng bước đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý.
Những năm 1999 - 2005, khi cả nước chuyển sang áp dụng Luật thuế GTGTvà thuế TNDN. Trong quá trình thực hiện mô hình quản lý mới, lực lượng cán bộ, công chức NTVL do còn thiếu kinh nghiệm chống gian lận thuế, chống doanh nghiệp “ma” và kiểm soát hoàn thuế GTGT… tại một vài thời điểm có biểu hiện lúng túng, chậm trễ trong xử lý một số vụ việc liên quan chính sách thuế. Đây là thời kỳ TBTCVN được xem là “điểm tựa”, giúp NTVL tiếp cận nhiều thông tin hữu ích như: ý kiến chuyên gia về các biện pháp quản lý thuế; mục trao đổi kinh nghiệm, nghiệp vụ của đồng nghiệp; phản ánh khách quan, trung thực những vụ việc tiêu cực, vi phạm chính sách pháp luật…
Từ năm 2007 đến nay, thực hiện cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, hệ thống pháp luật Việt Nam đã ra đời nhiều bộ luật mới, nhiều văn bản pháp luật sửa đổi, bổ sung những nội dung phù hợp các nguyên tắc, quy định của tổ chức thương mại thế giới, quy ước quốc tế, đòi hỏi công tác quản lý thuế cải cách mạnh mẽ về tổ chức và chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn mới. TBTCVN tiếp tục thể hiện là kênh thông tin quan trọng, uy tín đối với bạn đọc cả nước, kịp thời truyền tải chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật Nhà nước, chính sách Tài chính, Thuế… góp phần đưa các nội dung đó sớm đi vào cuộc sống.
Nhân kỷ niệm 20 năm ngày ra số báo đầu tiên (2-9/1933 - 2/9/2012), thay mặt NTLV, tôi xin chúc mừng toàn thể lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên, cán bộ, nhân viên TBTCVN dồi dào sức khỏe, tự tin vững bước, phát triển mạnh mẽ xứng đáng niềm tin, niềm tự hào của bạn đọc, lực lượng cán bộ, công chức ngành Tài chính! NTVL ghi nhận và đánh giá cao những đóp góp, hỗ trợ tích cực của đội ngũ phóng viên, biên tập viên TBTCVN thời gian qua và mong muốn tiếp tục hợp tác, phối hợp thông tin chính sách pháp luật và các hoạt động của NTVL trong thời gian tới!
Như trở về với người thân
Duy Tường - CTV
Là một cộng tác viên lâu năm của Thời báo Tài chính Việt Nam, Duy Tường xin được chúc mừng những thành quả đạt được của báo suốt chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển!
Đến với tòa soạn tôi như được trở về với những người thân, từ anh bảo vệ đến anh em cán bộ phóng viên quen biết đều có lời thăm hỏi: “Sao lâu không thấy bác/anh tới, tình hình sức khỏe thế nào”. Một câu hỏi bình thường, nhưng cũng thấy ấm lòng dù phải leo lên tầng 6 (trước đây chưa có cầu thang máy). Sau câu chào hỏi, mấy anh em ngồi bàn nước hàn huyên, tâm sự những chuyện vui, buồn trong nghề; những câu chuyện đùa hóm hỉnh “Thực tập sinh này đi lâu quá không biết dịp này về có ảnh và bài nhiều không?”. Tất nhiên tôi cũng cười và đáp lại: “Xin báo cáo có ảnh và tin bài cho báo đây, chỉ sợ không dùng được lần sau hổng đến nữa”. Có lẽ cách giao lưu vui vẻ như trên ít có báo nào có được, chính nó tạo ra sự thân mật giúp thêm sự nhiệt tình cộng tác của cộng tác viên. Tuy nhiên, nội dung của báo thường mang tính chuyên ngành, mà cộng tác viên là “phóng viên tự do” nên chỉ chọn được các trang chuyên mục mang tính văn hóa văn nghệ. Chuyên mục này thường dùng trong các số báo cuối tháng, các ngày lễ tết.
Điều đặc biệt hơn, trước đây mỗi lần đến tòa soạn tôi thường băn khoăn, tại sao trong ngành Tài chính mà tòa soạn lại “nghèo” đến thế? Bàn ghế làm việc cũ, hỏng, nhiều chủng loại, chỗ ngồi chật chội… Nay mọi thứ đã khác, trụ sở khang trang đẹp đẽ hơn, có cầu thang máy, phòng ốc làm việc chính quy hiện đại… với niềm tin báo sẽ ngày một phát triển hơn.
Để báo ngày càng hấp dẫn bạn đọc, tôi nghĩ cần có thêm các ấn phẩm cuối tuần hoặc giữa tuần với các chuyên đề phong phú hơn, ví dụ như: Tài chính có ảnh hưởng thế nào với cộng đồng xã hội; ngành Tài chính Việt Nam và thế giới; Một số hướng dẫn về văn bản liên quan với các ngành và nhân dân; Văn học, nghệ thuật; Những tập đoàn tài chính phát triển hoặc các vụ việc lớn xảy ra trên thế giới và Việt Nam; Thị trường chứng khoán…
Có được các chuyên mục hay, chắc chắn tòa soạn sẽ có được nhiều cộng tác viên tâm đắc, các dịch giả, các nhà báo, nhà văn, những người làm nghệ thuật cung cấp thông tin bài vở… đưa các ấn phẩm ra các sạp báo để công chúng dễ dàng đón nhận thông tin một cách nhanh nhất.