(TBTCVN) - Tuổi thanh xuân, tuổi 20 tràn đầy nhựa sống, nhưng với 20 năm của Thời báo Tài chính Việt Nam đã trải qua nhiều biến cố, thăng trầm. Không ai cũng biết, không đơn vị nào trong tòa soạn hiểu hết đến từng chân tơ kẽ tóc của từng giai đoạn “cơm gạo áo tiền” của Thời báo bằng các anh chị, em phục vụ chúng tôi, bởi họ được Tòa soạn giao cho những công việc: Lo toan hậu cần, công tác quản lý, phân phối những giá trị đã làm ra một cách hợp lý, hợp tình, hợp pháp… trong thời gian ấy có nhiều điều để chúng tôi trải lòng.
Tập thể cán bộ, nhân viên Phòng Trị sự
Thời kỳ hưng thịnh
Giai đoạn đầu mới thành lập, không khí làm việc sôi nổi, hào hứng bởi nhiều lý do, có thể khẳng định được rằng Bác Tào Hữu Phùng - cố Thứ trưởng làm Tổng biên tập, mọi sự khởi đầu đều trở nên thuận chèo, mát mái, như: Công tác thu thập thông tin, phát hành, khai thác quảng cáo, đầu tư ban đầu…
Thời kỳ đó thu nhập của cán bộ, phóng viên một tháng nhận 4 kỳ (chưa kể nhuận bút), ngót cả triệu bạc mà giá vàng bấy giờ chỉ 200.000 - 220.000 đ/chỉ. Lướt qua như vậy mới thấy đời sống của cán bộ, phóng viên, nhân viên lúc bấy giờ là tươm tất, không khí làm việc say sưa, không kể ngày đêm hay ngày nghỉ, không kể đường sá xa xôi mà phương tiện còn hạn chế. Mỗi lần đi công tác địa phương về, những cái nhìn, những nụ cười tươi tắn lắm của anh, chị em tác nghiệp ở xa trở về khi gặp nhau. Chỉ chừng ấy thôi là đủ để biết chuyến đi đã thành công đến nhường nào?
Với cán bộ phóng viên không khoán định mức tin, bài; cán bộ khai thác quảng cáo, phát hành không định mức doanh thu, nhưng ai cũng có bài hay, tin sốt dẻo, doanh số lớn. Còn chúng tôi những người phục vụ chỉ lo những việc hậu cần phục vụ cho cán bộ, phóng viên yên tâm tác nghiệp, cho công tác xuất bản được trơn tru, cho các khoản thu, chi đúng hạn. Những ngày ấy bây giờ vẫn thường xuyên được nhắc đến khi nhâm nhi chén chè, điếu thuốc của những người có mặt từ ngày đầu khởi sự với cái nhìn phảng phất, xa xăm về những gì đã có.
Những ngày gian khó, khó quên
Niềm vui, nỗi buồn qua đi, đều trở thành ký ức, đã là ký ức thì không thể nào quên. Đầu năm
Ông Nguyễn Tô Hải, Trưởng phòng Trị sự
2003 “tia ra” của báo đạt 12.000-13.000 bản/số, doanh thu từ tuyên truyền, quảng cáo chiếm trên 50% doanh số, con số thu được ổn định trong một thời gian dài đã làm yên tâm những người quản lý, thêm vào đó là những quy định mới của Nhà nước về quyền tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp, trong các quyền tự chủ đó có tự chủ về tài chính.
Không cần phải cân nhắc nhiều, Thời báo đã có một quyết định nhanh, xin Bộ thực hiện là đơn vị sự nghiệp có thu tự đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động.
Sự việc bắt đầu cho một giai đoạn mới, khi mà tình hình kinh tế toàn cầu bắt đầu chiều hướng suy thoái, hàng loạt các tập đoàn kinh tế lớn và một số nhà băng của đầu tàu kinh tế thế giới sụp đổ, kéo theo nhiều quốc gia bị ảnh hưởng với mức độ khác nhau, chúng ta cũng không còn ngoại lệ. Khi tình hình kinh tế khó khăn, mọi nơi, mọi thành phần đều phải cắt giảm chi tiêu, trong đó có cả món ăn tinh thần. Cũng từ đây tia ra của của báo bắt đầu sụt giảm, thu nhập của mọi người cũng theo chiều thuận, các khoản ngoài lương mất dần, nợ xấu bắt đầu xuất hiện.
Trong trong các món nợ để lại nhiều day dứt nhất cho chúng tôi, những người phục vụ, lo toan hậu cần, đó là nợ tiền in báo, nợ bảo hiểm xã hội, nợ nhuận bút. Câu chuyện nói ra đến khó tin, trong một tháng tòa soạn phải chạy đôn, chạy đáo để chuyển nhà in đến 3 lần, đến nhà in nào cũng bị từ chối, do nợ nhiều, nợ dai. Có một lãnh đạo, sáng ra tâm sự với chúng tôi: Tối qua, lúc nửa đêm đang ngủ có cuộc gọi “đến bao giờ anh trả hết tiền cho chúng tôi”, ông trả lời chúng tôi đang lo, sẽ sớm thôi, bà vợ của ông liền nổi đóa “ông làm ăn gì mà nửa đêm có người đòi nợ”, ông rầu rĩ buông một câu “nợ nhà in ấy mà” rồi nhắm nghiền mắt lại, tự hỏi mình đêm mai họ có còn gọi không nhỉ?
Có món nợ cười ra nước mắt, một cán bộ nghỉ hưu mà không có lương hưu 6 tháng do cơ quan chưa thanh toán bảo hiểm; món nợ mà hậu quả đến giờ chưa khắc phục xong, đó là nhuận bút, các cộng tác viên, chuyên gia, học giả… viết bài cả năm không thấy nhuận bút, cho dù nó là quá thấp, đến bây giờ đã có nhiều thay đổi, nhưng các cây viết là cộng tác viên còn dè dặt lắm khi Thời báo có lời mời.
Tâm tình của người phục vụ
Trong hai năm lại đây, tòa soạn đã thay da đổi thịt, trụ sở làm việc được cải tạo lại khang trang, sạch đẹp hơn, tiện nghi, thiết bị cho cán bộ, phóng viên được trang bị đầy đủ; diện mạo của tờ báo khởi sắc về nội dung và hình thức. Tòa soạn có thêm một ấn phẩm mới, Thời báo Tài chính Việt Nam điện tử, vui vì bạn đọc có thêm ấn phẩm Tài chính để đọc, thông tin nhiều hơn, nhanh hơn, vì thế mà công viêc bận rộn hơn, chắc rằng thu nhập sẽ tăng trong thời gian tới.
Anh em chúng tôi, những người phục vụ từ các anh thường trực, lái xe, kế toán, tổ chức, hành chính đến chị lao công đều có một phần nhỏ đóng góp vào sự thành công của ngày hôm nay. Cái nghề phục vụ là làm dâu trăm họ, thường công ít, tội nhiều, bởi công việc toàn không tên nếu có tên cũng không tiện kể. Chỉ tính sơ qua các loại văn bản ban hành hàng năm thôi, như: Các loại công văn, báo cáo, các loại quyết định, dự án, dự toán, biểu mẫu thông kê… thì số lượng trang viết lên tới cả ngàn trang A4, xấp xỉ 100 số báo tuần, một con số tương đối nhiều, anh em chúng tôi thường nói đùa với nhau, viết bài mà không có “nhuận cáo”.
Nói vậy thôi, nhân ngày vui Quốc khánh, ngày thành lập ngành, ngày sinh nhật tuổi 20 của báo và ngày khai trương báo điện tử, nàng “Dâu” có mấy lời bộc bạch với Liền anh, Liền chị phóng viên./.