 |
Ông Trần Nguyên Vũ - Nguyên Phó Cục trưởng Cục THTKTC |
Kể từ khi Thời báo Tài chính Việt Nam ra số đầu tiên, thấm thoắt đã 20 năm. Trong dịp kỷ niệm đặc biệt này, cùng với việc khai trương Thời báo Tài chính Việt Nam Điện tử, các cán bộ làm công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) ngành Tài chính chúng tôi lại bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm trong việc phối hợp với Thời báo Tài chính Việt Nam tuyên truyền phổ biến cho các dự án ứng dụng CNTT hiện đại hóa hoạt động tác nghiệp và quản lý của ngành Tài chính.
Nhìn lại quá trình ra đời và phát triển của hệ thống CNTT tài chính và sự ra đời của tờ báo của ngành, có nhiều nét tương đồng.
Trong lịch sử phát triển của ngành Tài chính, những năm cuối 80 và những năm đầu 90 của thế kỷ trước đánh dấu những cột mốc cực kỳ quan trọng của ngành. Đây là giai đoạn tái cơ cấu lại tổ chức, thiết kế lại các quy trình nghiệp vụ chính của ngành bao gồm các nội dung: Luật Ngân sách được sửa đổi, bảng mục lục ngân sách được nâng cấp; hệ thống Kho bạc Nhà nước ra đời để từ đây ngành Tài chính chủ động hoàn toàn trong quy trình quản lý và cấp phát vốn ngân sách nhà nước (NSNN); sáp nhập 3 cơ quan quản lý thu là Cục Thu quốc doanh, Cục Thu thuế công thương nghiệp và Cục Thu thuế nông nghiệp để ra đời Tổng cục Thuế, cơ quan quản lý thuế nội địa thống nhất của nhà nước đặt dưới sự quản lý của Bộ Tài chính.
Những đổi mới trong ngành Tài chính là cấp thiết để đáp ứng quá trình đổi mới của đất nước được khởi xướng từ năm 1986, được tiến hành đồng thời trên cả 3 nội dung: Hoàn chỉnh các quy trình nghiệp vụ; kiện toàn cơ cấu tổ chức và hiện đại hóa công tác xử lý thông tin.
Để thực hiện nội dung thứ 3, ngày 22/10/1989 Bộ Tài chính ra quyết định thành lập “Tổ nghiên cứu đề án tổ chức hệ thống tin học ngành Tài chính”, tiền thân của hệ thống CNTT của ngành hiện nay. Bốn năm sau, ngày 2/9/1993 Thời báo Tài chính Việt Nam ra số đầu tiên để tạo ra một kênh thông tin chính thống nhằm phổ biến, tuyên truyền cho các chủ trương chính sách và hoạt động của ngành Tài chính trong giai đoạn mới. Từ đó hệ thống CNTT của ngành đã song hành và có sự phối hợp rất hiệu quả với Thời báo Tài chính Việt Nam.
Cùng với sự đón nhận của bạn đọc trong và ngoài ngành, anh em cán bộ CNTT chúng tôi rất vui mừng vì từ nay có thêm một kênh thông tin hữu ích để chúng tôi tham khảo những vấn đề nghiệp vụ trong ngành được thể hiện qua các chuyên mục của tờ báo.
Còn nhớ, năm 2000, khi việc triển khai ứng dụng CNTT trong ngành Tài chính bước sang giai đoạn mới, các phóng viên trẻ, nhiệt tình của Thời báo như các anh Đậu Huy Sáu, anh Hồ Phú Hội... đã chủ động tìm gặp chúng tôi bàn việc xây dựng một chuyên mục về ứng dụng CNTT trên Thời báo. Chuyên mục ra đời đã giới thiệu nhiều dự án CNTT quan trọng của ngành giai đoạn này như dự án hạ tầng truyền thông thống nhất ngành tài chính, dự án hiện đại hóa công tác quản lý thuế, dự án thanh toán liên kho bạc… góp phần cho thành công của các dự án phức tạp giai đoạn này.
Năm 2002, khi Bộ Tài chính đã cho phép ra đời Tạp chí Tin học Tài chính, tiền thân của Tạp chí Tài chính điện tử ngày nay thì một lần nữa Thời báo Tài chính Việt Nam lại giúp đỡ chúng tôi rất hiệu quả bằng cách cử hẳn các cán bộ có kinh nghiệm sang biên chế tin học để xây dựng Tạp chí như chị Hường, chị Kim Hoa, anh Thanh… cho đến nay Tạp chí đã trở thành một thương hiệu không chỉ trong ngành mà giới CNTT cả nước cũng biết đến. Năm 2012 Tạp chí nằm trong 10 đơn vị báo chí được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Năm 2012, theo chỉ đạo của Bộ, Thời báo Tài chính Việt nam đã xây dựng đề án phát triển phiên bản điện tử của tờ báo. Một lần nữa Cục THTKTC lại được Bộ giao nhiệm vụ phối hợp giúp Thời báo Tài chính Việt Nam từ khâu phân tích thiết kế, tư vấn xây dựng hồ sơ kỹ thuật, mô hình tổ chức bộ máy, hạ tầng kỹ thuật, đường truyền, an toàn bảo mật….
Cho đến nay phiên bản thử nghiệm đang được phát trên Internet để hoàn chỉnh và đi vào hoạt động chính thức. Để báo điện tử đi vào hoạt động có hiệu quả, Cục THTKTC và Thời báo đã ký thỏa thuận hợp toàn diện, theo đó Cục THTKTC không chỉ hỗ trợ kỹ thuật để đảm bảo tờ báo điện tử hoạt động an toàn và hiệu quả, mà còn cung cấp kho dữ liệu tổng hợp của ngành để giúp thời báo điện tử có lượng thông tin dữ liệu phong phú, nhằm cung cấp thông tin có chất lượng cao cho người dân và doanh nghiệp.
Hai mươi năm song hành với Thời báo tài chính Việt Nam, các cán bộ CNTT chúng tôi và các phóng viên báo đã trở thành những người bạn thân thiết gắn bó. Hai đơn vị đã có nhiều phối hợp hiệu quả và đang tiếp tục đồng hành cùng nhau vì sự nghiệp chung của ngành Tài chính.
Với dấu ấn của “lứa tuổi” 20 và xuất bản thêm Thời báo Tài chính Việt Nam điện tử, tôi tin tưởng rằng Thời báo Tài chính Việt Nam sẽ là một kênh thông tin chính thống, nhanh nhạy và uy tín đối với công chúng trong nước và quốc tế./.