Giá dầu ăn nhập khẩu chưa có biến động
Theo Bộ Công Thương, trong những năm gần đây, lượng dầu ăn nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh khiến thị phần của sản phẩm sản xuất trong nước bị thu hẹp, DN lao đao. Nguyên nhân là do việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với mặt hàng dầu thực vật nhập khẩu từ các nước Asean.
Từ ngày 7/9/2013, Việt Nam chính thức áp dụng biện pháp tự vệ lên mặt hàng dầu thực vật nhập khẩu, gồm dầu nành tinh luyện và dầu cọ tinh. Mức thuế khởi đầu 5% được áp từ năm 2013 và sẽ giảm dần xuống mức 2% vào năm 2017.
Sau gần 6 năm gia nhập WTO thì đây là lần đầu tiên Việt Nam áp thuế tự vệ. Động thái này được đánh giá là tích cực từ chính phủ để bảo vệ sản xuất trong nước.
Khảo sát của phóng viên tại thị trường Hà Nội, giá dầu ăn nhập khẩu bán lẻ hiện chưa có biến động. Giá dầu ăn nhập khẩu dao động từ 38.000 - 45.000 đồng/lít, như: dầu Sailing boat, Fimifie của Malaysia, Knife của Singapore, Omely, Tropical của Indonesia, Cook của Thái Lan…
 |
Thị phần dầu ăn sản xuất trong nước đã bị thu hẹp bởi dầu nhập khẩu.Ảnh: HT
|
Giá bán lẻ của các loại dầu ăn nhập khẩu tương đương hoặc thấp hơn không đáng kể so với giá dầu ăn được sản xuất trong nước, nhưng vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng bởi chất lượng tốt.
Theo các đại lý, trong thời gian tới nếu áp thuế cho dầu nhập ngoại thì sẽ có nguy cơ giá dầu ngoại sẽ tăng cao hơn dầu nội.
Đây là cơ hội cho các DN sản xuất dầu ăn trong nước. Song cơ hội có được tận dụng hay không lại hoàn toàn trông chờ vào sự vươn lên của DN nội. Nếu tận dụng được cơ hội sẽ là điều đáng mừng, nhưng ngược lại, bất lợi cũng có thể thuộc về người tiêu dùng.
Không thể cậy mãi vào "áo giáp"...
Việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với dầu thực vật nhập khẩu được xem là khởi đầu việc các doanh nghiệp trong nước chủ động đối phó với hàng nhập khẩu cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, thuế tự vệ có thực sự là phép “nhiệm màu" để “cứu” các DN trong nước hay không?
Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá rằng, áp thuế tự vệ cho hàng nhập khẩu chỉ có tác dụng đối với DN trong một thời hạn nhất định để doanh nghiệp có thêm thời gian tăng cường năng lực. Quan trọng nhất là DN phải đổi mới khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm để sau khi Chính phủ dỡ bỏ các biện pháp tự vệ thì DN có thể tự đứng vững cạnh tranh được.
Thực tế cho thấy, việc dầu ăn phải “mượn” tới biện pháp tự vệ là do sự thiếu chủ động của các DN sản xuất trong nước. Nhiều mặt hàng nhập khẩu nói chung và dầu ăn nói riêng với giá rẻ sẽ tràn ngập thị trường trong nước theo lộ trình đã cam kết khi Việt Nam gia nhập các hiệp định đối tác song phương và đa phương là điều các DN trong nước phải lường trước để đối phó.
Nhưng, ngành dầu thực vật Việt Nam sau gần 6 năm gia nhập WTO vẫn đang phụ thuộc tới 90% nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các nước như Malaysia, Indonesia,… Đây là nguyên nhân chính khiến dầu ăn trong nước không thể "đọ” được với dầu nhập khẩu. Với thực tế này, khoảng thời gian áp thuế tự vệ chưa chắc đã làm thay đổi được cục diện thị trường.
Xu hướng hàng hóa nhập khẩu tràn vào thị trường trong nước sẽ tiếp tục tăng lên. Không chỉ có ngành dầu ăn gặp khó khăn mà những ngành sản xuất khác cũng đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Vì vậy, để không lặp lại “kịch bản” của dầu ăn các DN cần chủ động có phương án thích hợp để tăng sức cạnh tranh. Bởi việc áp dụng biện pháp tự vệ cũng không hề đơn giản.
Đại diện của Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương cho rằng, không phải hoàn cảnh nào cũng áp dụng biện pháp bảo vệ sản xuất trong nước. Trong một số trường hợp nếu chúng ta không thảo luận được với các đối tác nước ngoài thì có thể bị trả đũa. Vì thế, trường hợp thật cần thiết, cân nhắc lợi ích của doanh nghiệp, người tiêu dùng cũng như trong quan hệ thương mại quốc tế thì Chính phủ mới xem xét áp thuế tự vệ.
Được biết, hiện nay, Cục Quản lý cạnh tranh cũng đang trong thời hạn xem xét các đơn của DN sản xuất thép trong nước yêu cầu áp dụng biện pháp phòng vệ chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Indonesia. |