Vẫn tiềm ẩn yếu tố tăng giá
Theo báo cáo của Vụ Thị trường trong nước, diễn biến giá cả trong thời gian vừa qua đang diễn biến theo chiều hướng khá thuận lợi. Giá gạo XK sau nhiều tháng xuống thấp thì nay đang tăng trở lại, khiến cho tình hình sản xuất lúa gạo phần nào được cải thiện. Bên cạnh đó, tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng khá thuận lợi.
Về công tác chuẩn bị hành hóa cho dịp Tết, theo báo cáo của Tổ điều hành - Vụ Thị trường trong nước thì các địa phương thực hiện khá nghiêm túc. Để tăng cường công tác bình ổ giá (BOG) từ nay đến cuối năm, ông Võ Văn Quyền cho biết, trong tuần này Bộ Công thương sẽ có chỉ thị, chỉ đạo các địa phương triển khai và báo cáo tình hình chuẩn bị hàng hóa dịp Tết.
 |
Diễn biến giá cả tương đối ổn định trong thời gian vừa qua. Ảnh: MN. |
“Ghi nhận ban đầu là các trọng điểm lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và một số địa phương khác như: Đồng Nai, Cần Thơ… công tác BOG thực hiện khá tốt. Theo báo cáo của các địa phương, đến nay có 11 tỉnh triển khai chương trình BOG với tổng số tiền là 850 tỷ đồng (không kể TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ - hai tỉnh này đã thực hiện kết nối DN với tín dụng ưu đãi của ngân hàng, không sử dụng vốn ngân sách)”, ông Quyền nói.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì cũng đang tiềm ẩn những khó khăn, có thể ảnh hưởng xấu đến thị trường những tháng cuối năm, đó là tình hình con giống, nhất là lợn thịt, con giống gia cầm đang có chiều hướng khan hiếm do dịch bệnh. Điều này đã được Bộ NN&PTNT trước và có những biện pháp khắc phục như: khả năng tái đàn đang được Bộ triển khai ở các địa phương.
Trước câu hỏi rằng chương trình bình ổn chiếm bao nhiêu phần trăm? Khả năng tác động như thế nào? Ông Quyền cho biết: “Chương trình bình ổn thực hiện vào thời điểm khi khả năng tăng cầu đột biến. Khi đột biến thì khả năng đáp ứng của DN khó, vì thế nhà nước chỉ hỗ trợ một phần khó khăn của DN. Nó như một công cụ, biện pháp để bình ổn giá”.
Điều hành giá linh hoạt
300 doanh nghiệp tham gia Hội chợ bình ổn giá
"Ngày 7/11, Bộ Công thương sẽ chủ trì, phối hợp với TP.Hồ Chí Minh tổ chức hội chợ, chắp nối cung-cầu tại TP.Hồ Chí Minh. Đến nay đã có hơn 300 DN của hơn 30 tỉnh thành sản xuất, phân phối tham gia tại Hội nghị bình ổn giá. Đây sự kiện để chắp nối cung cầu, tạo ra chuỗi sản xuất – phân phối – BOG, đồng thời cũng hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ông Võ Văn Quyền cho biết.
Liên quan đến giá gas trong thời gian qua liên tục tăng, mặc dù các DN sản xuất gas trong nước đã sản xuất được 70% nhu cầu, nhưng giá vẫn tăng, giảm phụ thuộc vào giá thế giới, ông Quyền cho biết, giá gas hiện nay đã được điều chỉnh theo cơ chế thị trường. Do đó, việc tăng-giảm là bình thường.
“Hằng năm chúng ta tiêu thụ từ 1,2-1,4 triệu tấn, tăng bình quân của giá gas khoảng trên dưới 12%, trong đó sản xuất đảm bảo được 50%, còn lại là phải NK. Hiện nay có khoảng 100 DN sản xuất, kinh doanh, phân phối đầu nguồn. Theo Luật giá thì đây là mặt hàng bình ổn, vì vậy các DN phải kê khai và đăng ký giá để cơ quan quản lý điều chỉnh. Còn lại về cơ bản do thị trường điều chỉnh. Do đó giá thế giới tăng thì giá trong nước tăng và ngược lại”, ông Quyền nói.
Trước câu hỏi của báo chí về giá xăng dầu thế giới xuống thì Bộ Công thương có động thái gì không? Ông Quyền nhấn mạnh: Việc điều chỉnh giá xăng dầu hiện nay vẫn theo Nghị định 84. Hiện nay giá có xuống nhưng chưa đủ để giảm giá theo quy định. Theo cập nhật đến 4/11 thì giá dao động rất nhỏ so với giá cơ sở.
“Hiện nay khả năng điều chỉnh giá là không nhiều. Tuy nhiên, bất cứ lúc nào nếu có thể giảm giá thì sẽ giảm giá ngay, còn nếu không thì cố gắng giữ hoặc có tăng thì mức tăng không lớn. Đây là nguyên tắc điều hành của Liên bộ Tài chính - Công thương", ông Quyền khẳng định.