Tuy nhiên, việc xử lý các vi phạm còn chưa nghiêm, nhất là ở tuyến xã và tuyến huyện tỷ lệ cơ sở có vi phạm không bị xử lý chiếm 80%. Trong số các cơ sở vi phạm có những cơ sở cố tình sử dụng nguyên liệu thực phẩm không bảo đảm an toàn như: Sản phẩm động vật chết do bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, đã thối rữa hoặc sử dụng chất cấm, chất độc hại như Tinopal, Axit Maleic, Rhodamine B... để sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Bên cạnh đó một số cơ sở cố tình quảng cáo sai quy định, thậm chí quảng cáo thực phẩm có công hiệu thay thế thuốc chữa bệnh hoặc quảng cáo không đúng với nội dung đã đăng ký...gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Để tăng cường công tác bảo đảm ATTP, hôm nay, ngày 8/11, Ban Chỉ đạo liên ngành T.Ư về ATTP vừa ban hành văn bản số 17/BCĐTƯVSATTP đề nghị các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư chỉ đạo các sở, ngành hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát về ATTP.
Theo đó, các cơ quan chức năng cần chú trọng kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có dấu hiệu vi phạm các quy định về ATTP, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm được tiêu dùng nhiều trong các dịp lễ tết như: bánh, mứt, kẹo, bia rượu, nước giải khát, thịt, giò chả, thủy hải sản…, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, các làng nghề truyền thống.
Riêng đối với các tỉnh biên giới và khu vực lân cận với các tỉnh biên giới cần đặc biệt chú trọng kiểm tra, kiểm soát, xử lý các mặt hàng thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn ngốc, gia cầm nhập khẩu trái phép, không bảo đảm ATTP./.