Mức tăng đáng nể!
 |
Do mưa bão nhiều nên năng suất lúa ở nhiều địa phương giảm Ảnh: HG |
Theo ghi nhận của phóng viên, khoảng từ đầu tháng 9/2013, giá gạo trên thị trường trong nước bắt đầu có xu hướng tăng, sau nhiều tháng dài đứng giá. Giới kinh doanh thóc gạo nhận định, giá gạo sẽ còn tăng tiếp trong những tháng cuối năm.
Chẳng hạn như với loại gạo đang được người dân miền Bắc dùng phổ biến nhất hiện nay là gạo Bắc Hương (Hải Hậu - Nam Định, còn gọi là gạo Bắc hay Bắc Thơm), từ đầu năm cho đến tháng 8/2013, giá bán lẻ luôn dao động ở mức giá 14.000 - 14.500đ/kg. Bắt đầu từ tháng 9, giá gạo Bắc Hương nhúc nhắc lên 15.000đ - 15.500đ/kg; tháng 10 lên 16.000 - 17.000đ/kg, và hiện từ đầu tháng 11 đến nay được bán ở mức giá 17.500đ/kg. Như vậy, sau khoảng 3 tháng, giá gạo loại này đã tăng từ 14.000đ lên đến 17.500đ/kg - một mức tăng có thể được coi là đột biến!
Một chủ đại lý gạo chợ Thanh Xuân (Quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, so với đầu tháng 9, giá nhập gạo Bắc Hương và gạo PC (nhập từ nhà máy tại Ninh Bình) đã tăng thêm 1 triệu đồng/tấn, gạo Xi tăng hơn 500.000 đồng/tấn, Khang Dân tăng gần 500.000 đồng/tấn, gạo nếp tăng hơn 3 triệu đồng/tấn… Vì thế, giá hầu hết các loại gạo bán lẻ đều tăng thêm từ 3.000 - 4.000 đồng/kg.
Thông tin từ Hải Hậu, một vựa lúa lớn của miền Bắc cho biết, hiện tại giá thu mua thóc Bắc Hương tại đây đã lên tới 9.700đ/kg và còn có khả năng tăng lên nữa.
Giá gạo tăng vì sao?
Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, giá thóc gạo một tháng qua đã tăng, nguyên nhân chủ yếu do mưa bão.
Nguyên nhân gạo tăng giá không phải do tác động từ xuất khẩu - điều này đã được nhiều chuyên gia khẳng định, do năm nay lượng gạo chúng ta xuất khẩu còn thấp hơn năm ngoái.
Cũng dễ nhận thấy là, trên thực tế, loại gạo xuất khẩu chính ngạch của Việt Nam không phải là những loại gạo người dân trong nước ưa dùng như Bắc Hương, Tám Thơm, Khang Dân, gạo Xi…, nên thị trường gạo trong nước ít chịu ảnh hưởng từ xuất khẩu gạo.
Việc giá gạo lên cao được các chủ đại lý gạo giải thích do vụ mùa năm nay tại các tỉnh phía Bắc có năng suất không cao, một số nơi thậm chí còn mất mùa hoặc diện tích canh tác lúa bị thu hẹp, ngoài ra dự báo nguồn cung tại các tỉnh miền Trung sẽ thấp do ảnh hưởng của các đợt bão lũ liên tiếp vừa tràn qua…
Theo kinh nghiệm của các chủ đại lý gạo, giá gạo thời gian tới chỉ tăng thêm hoặc chững lại trong một thời gian chứ ít khi giảm xuống. Dự đoán này khá hợp lý, vì thông thường dịp cuối năm do nhu cầu tiêu thụ gạo (để làm bánh, sản xuất chế biến thực phẩm tăng…) và đây cũng là thời điểm mọi hàng hóa đều bị đẩy giá lên vào dịp Tết.
Thông tin từ một chủ vựa xay xát gạo ở Hải Hậu cho biết, có hiện tượng nguồn cung gạo Bắc Hương đang khan hiếm. Vụ thu hoạch lúa vừa qua, đối với Hải Hậu nói riêng và cả tỉnh Nam Định nói chung không lấy gì làm khả quan lắm. Do thời tiết mưa nhiều đúng vào thời kỳ lúa trổ bông, thêm vào đó là dịch rầy nâu và sâu đục thân hại lúa nên những ruộng nào thoát được mưa thì năng suất cũng thấp hơn mọi năm nhiều. Nhu cầu tăng cao trong khi nguồn cung sụt giảm vì mất mùa đã đẩy giá thu mua lúa lên cao. |