Theo phản ánh của hàng trăm hộ gia đình tại phố Đào Tấn, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội đã nhiều ngày nay nước sinh hoạt bị mất mà không được phía công ty cung cấp nước thông báo trước. Ngay cả khi nước bị cắt và người dân đã phản ánh lên Công ty, nhưng đơn vị này vẫn “im hơi lặng tiếng” về nguyên nhân, phương án khắc phục, cũng như thời hiệu nước được cung cấp trở lại.
|
Bể nước dự trữ của một số hộ dân tại Ngõ 101, Đào Tấn trong tình trạng cạn đến đáy và không bảo đảm chất lượng để làm nước sinh hoạt. Ảnh: H.Q
|
Chị Nguyễn Thị Liên (số nhà 24, ngõ 101, Đào Tấn) cho biết: cả khu bị mất nước 4 ngày liên tục (từ ngày 25-28/9), sang ngày thứ 5 (29/9) thì có được một ít nước, song hoàn toàn không đủ so với nhu cầu sử dụng.
“Tôi đã phải dậy từ 3h sáng để lấy nước, nhưng nước cho cũng chỉ nhỏ giọt; trong khi đó, chúng tôi không hề nhận được bất kỳ thông báo nào từ Công ty nước sạch Ba Đình”, chị Liên nói.
Theo thông tin của những hộ gia đình tại đây, sau khi bị cắt nước, các hộ dân trong ngõ 101 liên tục gọi điện tới Công ty nước sạch Ba Đình để phản ánh, tuy nhiên câu trả lời nhận được vẫn là: hiện đang nâng cấp, sửa chữa đường ống nước, hoặc do sự cố, áp lực chưa đủ để bơm nước, kèm theo lời hứa hẹn sẽ cấp lại nước sớm nhất có thể. Và đến thời điểm cuối ngày 30/9, sau những lời hứa hẹn, các hộ dân vẫn phải sống trong cảnh không có nước sạch sinh hoạt.
Những hộ gia đình ở đây, cũng có người đã gọi điện, rồi lên tận Nhà máy nước để phản ánh, nhưng cũng chỉ nhận được câu trả lời, sẽ sớm khắc phục.
“Thiếu nước sinh hoạt, gia đình tôi phải đi xin nước ở những nhà có bể nước ngầm dự trữ,… Đã mấy ngày liền không có nước để tắm, quần áo chất hàng đống không có nước giặt. Mọi người trong gia đình tôi phải đi tắm nhờ nhà người thân ở những khu vực khác”, một hộ dân bức xúc.
Theo quan sát trực tiếp của phóng viên khi tiếp cận hiện trường, trong những ngày qua, để tận dụng nước một cách tối đa, nước vo gạo được được người dân để lại rửa rau; bát đũa thì để cả ngày, rửa một lần; hoặc chỉ dám ăn những loại củ quả ít phải rửa hơn để tiết kiệm nước.
Cũng theo thông tin của chị Liên cung cấp, mấy ngày mất nước vừa qua, Công ty nước sạch cũng chở 2 téc nước xuống để khắc phục tình trạng trên, nhưng nếu so với nhu cầu dùng nước sinh hoạt bình thường của các hộ dân thì quá ít ỏi.
Chị Dung (số nhà 20, Đào Tấn) cũng cho biết: “Nhà tôi dù chỉ có 4 người, song mất nước mọi sinh hoạt trong gia đình đều bị đảo lộn. Nhà có bể nước ngầm, nhưng do bể lâu ngày không sử dụng nên cũng không được sạch”.
Bởi vậy, “hàng ngày để có nước ăn, tôi phải sang hàng xóm xin một vài xô nước, hoặc ăn bún đậu, hoặc ăn bánh mỳ để không phải sử dụng tới nước. Có ngày, bí quá gia đình cũng đã phải mua nước bình ở ngoài, 25 ngàn đồng/bình, nhưng cũng không xuể, lại tốn kém”, chị Dung cho hay.
 |
Nước vo gạo từ trưa để lại tối rửa rau - Đây là cách người dân ở ngay trung tâm của Quận Ba Đình, Hà Nội đối phó với vấn nạn mất nước những ngày qua.
|
Cùng chung cảnh khổ cực vì mất nước sạch như bà Liên, chị Dung, nhưng gia đình anh Trương Văn Dũng (43 tuổi, ở số nhà 28, ngõ 101, phường Ngọc Khánh) lại chọn cách khác: “cả nhà kéo nhau đi ăn cơm quán”.
Anh Dũng còn cho biết cụ thể hơn, từ hôm mất nước sạch đến nay, gia đình anh có điện lên phía Công ty cấp nước sạch Ba Đình và họ cho biết là có sự cố do áp lực chưa đủ để bơm nước. Nhiều người đến trực tiếp công ty phản ánh, nhưng không có thông báo cụ thể là khi nào có nước trở lại.
Có mặt tại khu phố, phóng viên TBTCVN cũng đã gọi điện theo số máy bàn của Công ty nước sạch Ba Đình (lúc 15h38', ngày 30/9)) và nhận được câu trả lời của nhân viên là do sự cố bất ngờ, không kịp thông báo. Đồng thời, nhân viên này cũng thông báo cho phóng viên là tới 17h 30 ngày 30/9 sẽ có nước bình thường trở lại. Tuy nhiên, đến thời điểm nói trên, hiện tại nước vẫn chảy nhỏ giọt, và đặc biệt là nguồn nước thì rất bẩn, chưa hộ gia đình nào dám sử dụng nguồn nước này để nấu ăn hay tắm giặt.
Tiếp tục bám sát sự việc, phóng viên tiếp tục kiểm chứng “lời hứa” 17h 30 phút của nhân viên Công ty nước sạch Ba Đình. Theo đó, vào thời điểm 21h30 phút (nghĩa là sau 4 tiếng đồng hồ), anh Cường (một hộ dân trong khu) vẫn thông báo: “Nước chảy rất bé và bẩn như than bùn”./.