Nhiều doanh nghiệp lớn đã giảm giá
Theo đại diện Công ty cổ phần bến xe Hà Nội, những doanh nghiệp đăng ký giảm giá đều là những doanh nghiệp lớn, hoạt động chuyên nghiệp. Trong đó tại Bến xe Giáp Bát có 7 doanh nghiệp đăng ký giảm. Đó là: Công ty cổ phần Thủy bộ Yên Bái, DNTN Đông Lý, Công ty CP Hoàng Hà, Công ty CP xe khách Thái Bình, Xí nghiệp xe khách phía Nam, Công ty CP TM&DV Phúc Hưng, Công ty cổ phần vận tải Điện Biên, mức giảm dao động từ 4-11%.
Trong đó, mức giảm ít nhất (4%) thuộc về Công ty cổ phần vận tải ô tô Điện Biên với tuyến Điện Biên - Bến xe Giáp Bát, với giá vé cũ là là 375.000 đồng, còn giá vé sau giảm là 360.000 đồng. Còn mức giảm nhiều nhất (11%) thuộc về Xí nghiệp xe khách Nam chạy tuyến Giáp Bát - Lý Nhân với giá vé cũ là 50.000 đồng, còn giá vé sau giảm là 45.000 đồng.
Tại Bến xe Mỹ Đình, có 7 doanh nghiệp thông báo giảm giá cước. Đó là: Công ty cổ phần vận tải ô tô Phú Thọ, Công ty TNHH Hiển Vinh, Công ty cổ phần ô tô Điện Biên, Công ty cổ phần xe khách Hà Nội, Công ty cổ phần Thủy bộ Yên Bái, Công ty CP TM&DV Phúc Hưng, Xí nghiệp xe khách Nam Hà Nội với mức giảm dao động từ 3-10%.
Trong đó, mức giảm ít nhất (3%) thuộc về Công ty CP TM&DV Phúc Hưng chạy tuyến Cẩm Khê - Mỹ Đình với giá vé cũ là 57.000 đồng, còn giá vé sau giảm là 54.000 đồng. Còn mức giảm nhiều nhất (10%) thuộc về Công ty cổ phần Thủy bộ Yên Bái chạy tuyến Mỹ Đình - Yên Bái với mức giá vé cũ là 110.000 đồng còn giá vé sau giảm là 100.000 đồng.
Còn tại Bến xe Gia Lâm có 7 doanh nghiệp thông báo giảm giá cước. Đó là: Công ty CP tập đoàn VT Phượng Hoàng, Công ty CP xe khách Bắc Giang, HTX VT Đường bộ Quỹ Nhất, Công ty cổ phần Vinamotor, Công ty XK Thăng Long, Công ty cổ phần Thủy bộ Yên Bái, Công ty cổ phần vận tải ô tô Phú Thọ với mức giảm từ 3-10%.
Trong đó, mức giảm ít nhất (3%) thuộc về Công ty CP tập đoàn VT Phượng Hoàng chạy tuyến Gia Lâm - Triều Dương với giá vé cũ là 34.000 đồng, còn giá vé sau giảm là 33.000 đồng. Còn mức giảm nhiều nhất (10%) thuộc về Công ty cổ phần Thủy bộ Yên Bái chạy tuyến Gia Lâm - Yên Bái với mức giá vé cũ là 110.000 đồng còn giá vé sau giảm là 100.000 đồng.
Theo đại diện Công ty cổ phần bến xe Hà Nội, những doanh nghiệp đã đăng ký giảm giá ở trên đều đã nghiêm chỉnh chấp hành việc giảm giá theo thời hạn đã đăng ký, chậm nhất là ngày 3/12/2014.
Đại diện các bến xe này cũng cho biết, có những doanh nghiệp không giảm giá do trước đây, khi xăng tăng giá họ cũng không tăng mà giữ giá ổn định rất lâu.
Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa giảm giá
Cũng theo đại diện Công ty cổ phần bến xe Hà Nội những doanh nghiệp chưa giảm giá đa phần là những doanh nghiệp nhỏ, hình thức quản lý theo mức khoán hoặc xe của gia đình. Vì vậy, họ tự quản lý giá.
Ghi nhận của phóng viên tại 2 Bến xe Giáp Bát và Mỹ Đình, đến thời điểm này, một số hành khách được hỏi đều trả lời là giá cước vận tải trên những tuyến họ hay đi vẫn giữ nguyên giá cũ.
Tại Bến xe Mỹ Đình, hành khách Nguyễn Đức Luận (Thanh Ba - Phú Thọ) khẳng định đến thời điểm này giá cước của các nhà xe tư nhân ông hay đi vẫn chưa giảm.
“Tháng nào tôi cũng đi vài ba lần tuyến Thanh Ba - Mỹ Đình (Hà Nội) với giá vé 70.000 đồng, hôm nay tôi đi cũng với giá vé 70.000 đồng”, ông Luận cho biết. Ngoài ra, ông Luận cho biết thêm là những nhà xe ông đi, do thường là quen nên cũng không cần mua vé trước mà lên xe đưa tiền trực tiếp.
Tại Bến xe Giáp Bát, phóng viên cũng ghi nhận những ý kiến tương tự của hành khách phản ánh là giá cước vận tải chưa giảm.
Theo bác Nguyễn Thị Liên, quê Thanh Hóa, giá vé đi từ thành phố Thanh Hóa ra Bến xe Giáp Bát vẫn không thay đổi ở mức 85.0000 đồng như trước.
Bác Phạm Thị Nụ (60 tuổi, quê Hải Hậu, Nam Định) cho biết vé tuyến Hải Hậu, Nam Định -Bến xe Giáp Bát vẫn là 80.000 đồng, không thay đổi so với tháng trước.
"Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một thực tế rằng vận tải hành khách theo tuyến cố định phần lớn đều phục vụ người dân có thu nhập thấp, trung bình như: Nông dân, bộ đội, sinh viên, người về hưu, anh em, họ hàng, người quen có khi họ đi vài lần xong mới trả tiền, hay có những em sinh viên cứ đi đến cuối tháng bố, mẹ mới trả. Thêm vào đó thị trường vận tải hành khách cạnh tranh rất khốc liệt, giá vận tải từ trước đến nay đã tương đối hợp lý, trước đây mỗi khi xăng tăng giá, chúng tôi cũng không dám tăng giá cước vì tăng giá cước sẽ mất khách. Khi đó doanh thu sẽ bị sụt giảm mà mức tăng giá cước không bù đắp nổi. Vì vậy, bây giờ xăng có giảm giá, chúng tôi cũng khó giảm giá cước", chủ một nhà xe tư nhân tuyến huyện chia sẻ.
Ngoài ra, cũng theo đại diện Công ty cổ phần bến xe Hà Nội, chỉ những dịp Lễ, Tết khi nhu cầu đi, lại tăng đột biến thì có thể những lái, phụ xe lợi dụng để tăng giá vé, chứ không phải là chủ trương của doanh nghiệp. Những trường hợp này nếu bị phát hiện sẽ xử lý rất nghiêm./.