Qua khảo sát của phóng viên, hàng ngày Siêu thị Big C Thăng Long (Trần Duy Hưng, Hà Nội) thu hút khá đông lượng khách mua rau tươi. Nhìn vào gian hàng bày bán rau củ mới thấy khó chứng minh đây là sản phẩm Vietgap. Các loại rau củ được bọc trong bao nilong hoặc buộc dây nilong có ghi tên nhà cung cấp, địa chỉ nhưng không có ngày sản xuất, hạn sử dụng và số chứng nhận Vietgap.
Chẳng hạn như mặt hàng cải ngọt đang bán tại Big C Thăng Long. Mặt hàng này được buộc dây nilong và ghi nguồn gốc là: HTX sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng; địa chỉ: Thôn Quan Âm – xã Bắc Hồng – huyện Đông Anh – Hà Nội; Còn mặt hàng ngọn su su cũng để trong bao nilong và cũng ghi trên nhãn mạc chỉ vẻn vẹn nội dung: nhà cung cấp: Công ty TNHH XNK Phúc Dương; địa chỉ 72/5/115 Nguyễn Lương Bằng – Đống Đa – Hà Nội…
Mặt hàng rau – củ - quả tươi thường phải có thời hạn sử dụng, cụ thể, song cách ghi như vậy làm cho người tiêu dùng chẳng biết rau này mới sản xuất, hay là hàng tồn đã lâu ngày. Cũng chính vì lẽ đó, làm cho người tiêu nảy sinh nghi ngờ và nghĩ rằng, vì lợi nhuận, nhà cung cấp có thể nếu trộn lẫn rau an toàn và rau không an toàn… Bởi giá rau – củ - quả sạch thường cao hơn nhiều lần rau thường bán ngoài các chợ cóc.
Cũng qua khảo sát của phóng viên, Metro cũng là siêu thị lớn bày bán nhiều sản phẩm rau an toàn Vietgap. Mặt hàng rau xanh được không ít khách hàng chọn lựa cho giỏ hàng của mình. Mặt hàng này tại đây cũng được ghi rõ nguồn gốc sản xuất và được ghi mác bên ngoài: “sản phẩm Vietgap”.
Tại Metro Thăng Long (Hà Nội), một số mặt hàng như: cải bẹ xanh cuốn an toàn – nhà cung cấp: Võ Tiến Huy, địa chỉ: 625 Định An – Hiệp An – Đức Trọng – Lâm Đồng; hành Paro Đà Lạt an toàn – nhà cung cấp: Nguyễn Ngọc Minh, địa chỉ: 72B 30 Sư Vạn Hạnh – Phường 8 – Đà Lạt – Lâm Đồng; khoai tây Đà Lạt loại 1 an toàn – nhà cung cấp: Nguyễn Thị Hiền – địa chỉ: 129 Hai Bà Trưng – Phường 6 – Đà Lạt – Lâm Đồng….
Nhưng “thượng đế” khi mua hàng cũng chỉ biết được các thông tin đó và tin: đó là rau an toàn, mà không biết được: ngày sản xuất, hạn sử dụng, số chứng nhận Vietgap. Người tiêu dùng vẫn chỉ đo lường chất lượng sản phẩm bằng niềm tin: tin vào siêu thị, tin vào giác quan chọn lựa.
Tại siêu thị là vậy, nhưng còn rất nhiều các cửa hàng đang đăng biển rau an toàn như: cửa hàng rau quả thực phẩm an toàn – 122 Đội Cấn – Ba Đình – Hà Nội, cửa hàng Công Đoan – 25 ngõ 92 Nguyễn Sơn – Long Biên – Hà Nội, cửa hàng rau Hương Cảnh số 1 Việt Nam 85A Lê Lợi – Hà Đông – Hà Nội. Nhưng liệu rau củ được bày bán và giao buôn có phải là rau an toàn?
Khi được hỏi chủ các cửa hàng đều khẳng định nhãn mác bao bì chỉ là hình thức bên ngoài, cửa hàng mở ra lấy uy tín của khách là chính, ăn vào mới kiểm chứng được.
 |
Nhiều cửa hàng bán rau sạch cũng chỉ yếu mang lại "niềm tin" cho người tiêu dùng bằng việc bày biện sản phẩm ngăn nắp, "bắt mắt", chứ không có việc ghi nhãn mác về các tiêu chuẩn chất lượng cụ thể về sản phẩm như thế nào?! Ảnh: T.H
|
Mục sở thị tại cửa hàng rau quả thực phẩm an toàn 122 Đội Cấn: rau cải, rau muống được đặt trong rổ, không có bao nilong, tem mác ghi nơi sản xuất mà giá không hề rẻ: rau cải là 35.000/kg, rau muống là: 18.000/kg. Cà rốt để trong bao nilong có ghi bên ngoài là: HTX ngã ba Đầm – Vân Nội – Đông Anh – Hà Nội.
Bà chủ cửa hàng này cho biết: “Toàn bộ rau ở đây là rau sạch được lấy ở Vân Nội”. Như vậy có thể thấy: khách hàng mua rau chỉ biết tin vào cửa hàng, mua hàng cũng chỉ dựa vào niềm tin mà không có cách nào kiểm chứng là có đúng là sản phẩm sạch thật hay không.
Để nâng cao niềm tin của người tiêu dùng vào sản phẩm rau sạch theo tiêu chuẩn Vietgap, thì ngoài việc cần tuyên truyền thông tin cho người dân về cách nhận biết, với các thông số ghi trên nhãn mác đầy đủ… còn rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc, ban hành các tiêu chuẩn về rau an toàn, đồng thời tiến hành thanh kiểm tra đột xuất các siêu thị, cửa hàng nông sản – thực phẩm an toàn nhằm phát hiện, ngăn ngừa các hành vi sai phạm.
Có thể thấy rằng, mặt hàng rau – củ - quả gắn liền với đời sống hàng ngày của mọi người dân, chính vì vậy có thể coi đây là những mặt hàng có ảnh hưởng sâu rộng và trực tiếp với vẫn đề sức khỏe của người dân. Bên cạnh đó, về mặt chiến lược quốc gia, thì mặt hàng rau – củ - quả là một trong những sản phẩm nông nghiệp đang được nhà nước đặc biệt chú trọng, có nhiều chính sách ưu đãi để phát triển…
Theo đó, để vừa bảo vệ quyền lợi của người dân, vừa tạo điều kiện đưa thị trường rau – củ - quả của Việt Nam phát triển theo hướng bền vững, thì rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, từ cơ quan quản lý chuyên ngành nông nghiệp, quản lý thị trường… nhằm không những đảm bảo việc tuân thủ các qui định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa tạo điều kiện cho sự phát triển lành mạnh, bền vững của lĩnh vực sản xuất rau – củ - quả,… đặc biệt hơn nữa là đảm bảo quyền lợi và sức khỏe cho nhân dân./.