Đầu tư tiền tỉ chơi chim “độc”
Vài năm gần đây, bên cạnh các tay chơi chim nức tiếng Hà thành như Tú “lốp” (Lý Hùng Tú, Hai Bà Trưng, Hà Nội), Hà hàng Rươi (Hoàn Kiếm)… giới chơi chim còn biết đến “đại gia” Chương Talor, ông chủ thương hiệu nhà may Chương.
 |
Ông Chương giới thiệu về bạch khuyên giá 250 triệu đồng nhập từ Indonesia.
|
Vào cuộc chơi được gần 10 năm, tuy nhiên vài năm gần đây, với niềm đam mê ngày một lớn, Chương Talor bắt đầu thú sưu tập chim lạ, hiếm, độc. Giữa thời buổi kinh tế khó khăn, Chương Talor không ngại bỏ ra vài tỷ đầu tư cho bộ sưu tập chim quý của mình.
Hiện đại gia này đang sở hữu hơn 20 con chim, đa số là thuộc loại chim độc, giá “khủng”, từ vài nghìn đến vài chục nghìn đô la. Từ hoàng khuyên đấu, chào mào đấu cho đến bạch khuyên Indonesia, chào mào bạch, sáo bạch, chích chòe...
Chương Talor cho biết, ông “cưng” nhất là chú chim khuyên mắt đỏ và bạch khuyên được nhập ngoại với mức giá “cắt cổ” và ông cũng đã không ngần ngại đầu tư “ngôi nhà” cho chim lên đến gần trăm triệu đồng. Chiếc lồng được đặt hàng từ Trung Quốc, với đường nét chạm khắc rất cầu kỳ, tinh xảo...
“Tôi đã phải cất công săn lùng và theo đuổi mới sở hữu được con khuyên mắt đỏ, với mức giá 250 triệu đồng. Đây là loại khuyên đột biến gen, nổi bật với đôi mắt đỏ, bộ lông vàng, chân và mỏ hồng rất quý hiếm”, ông Chương hào hứng chia sẻ.
Thú chơi chỉ dành cho "đại gia"?
Có mặt tại quán café ven hồ Thiền Quang (Hà Nội) vào một buổi sáng, hiện ra trước mắt tôi là hàng trăm con chim đang thi nhau hót trong những chiếc lồng treo sát nhau với những ánh mắt chăm chú của các ông chủ chim. Nhìn lướt qua là hiểu họ đam mê đến nhường nào thú chơi này.
Từ giới kinh doanh tự do cho đến dân văn phòng, công chức… khi được hỏi vì sao lại chơi chim đều cho rằng vì đam mê. Khi đam mê gặp được “phong trào” thì họ kết nối rất nhanh và có mặt tại các buổi giao lưu, các chương trình thi đấu...
Nói về duyên cớ đến với thú chơi chim, ông Chương chia sẻ: “Tôi chơi chim là do đam mê ngay từ nhỏ, nhưng vài năm trở lại đây mới có thời gian để chơi. Càng chơi càng đam mê và đầu tư không tiếc tiền. Giống như những cô gái đẹp, những chú chim có sức hút lạ kỳ, nhìn không chán. Sau những căng thẳng, mệt mỏi của công việc, ngắm nhìn những chú chim là mọi thứ tan biến hết. Tuy nhiên, để chơi chim cũng cần phải có kinh tế”.
Chia sẻ với phóng viên, ông Phạm Minh Quân (Hai Bà Trưng), một người chơi chim nổi tiếng cho biết: Vì đam mê, ban đầu chúng tôi chỉ đi tìm mua chim chơi, sau rồi giao lưu, thi đấu từ phạm vi câu lạc bộ, cho đến quận, thành phố, tỉnh. Các cuộc thi này diễn ra hàng tuần ở khắp nơi.
Hiện tính riêng Hà Nội đã có hơn chục câu lạc bộ (CLB) chơi chim, nổi lên như CLB chim Tuổi trẻ, CLB chim Hale, CLB khuyên Nguyễn Phong Sắc, CLB khuyên Trần Hữu Tước… Nhiều người chơi chim nổi tiếng đã không tiếc tiền đầu tư mua chim hiếm độc…, số tiền đầu tư lên đến hàng tỷ đồng...
 |
Một tụ điểm chơi chim bên hồ Thiền Quang.
|
Cũng theo ông Quân, để mua một con chim bình thường về nuôi thì giá chỉ vài trăm nghìn hay đến vài triệu, nhưng để đầu tư chim thi đấu thì phải mất vài chục triệu. Đó là còn chưa kể đến những loài chim độc, quý giá tới vài chục nghìn đô la.
Bên cạnh đó, công cuộc chăm sóc chim cũng không hề đơn giản, ngược lại rất cầu kỳ, tỉ mỉ, công phu và tốn kém, nhất là đối với chim thi đấu. Trong giới chơi chim vẫn thường ví von “chăm chim còn hơn chăm trẻ”, ăn, ngủ, tắm phải tuyệt đối đúng giờ nếu không chim sẽ bệnh, chết. Ngoài ra còn thức ăn, đồ uống phải đầu tư khá nhiều tiền.
“Mỗi tháng, riêng đồ ăn cho bộ sưu tập chim của tôi đã lên đến hàng chục triệu. Chưa kể đến chi phí phải thuê 2 người giúp việc chăm chim hàng ngày”, ông Chương chia sẻ.
Nghệ sỹ Hồng Kỳ (Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam) là người đầu tiên xây dựng phong trào chơi chim cảnh ở các quán cà phê của Hà Nội. Bây giờ, phong trào này đã lan rộng trên các phố Nguyễn Du, Tăng Bạt Hổ, các tụ điểm quanh Hồ Thiền Quang, Cung Thiếu nhi... Nghệ sỹ Hồng Kỳ cũng là người xây dựng quy chế của các cuộc thi chim vành khuyên hiện nay.
|