Nhiều địa điểm thực tế chưa được luật định
Điều 6 Luật Hải quan hiện hành quy định “Địa bàn hoạt động hải quan bao gồm các khu vực cửa khẩu đường bộ, ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng biển quốc tế, cảng sông quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế, các địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu, khu chế xuất, kho ngoại quan, kho bảo thuế, khu vực ưu đãi hải quan, bưu điện quốc tế, các địa điểm kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong lãnh thổ và trên vùng biển thực hiện quyền chủ quyền của Việt Nam, trụ sở doanh nghiệp khi tiến hành kiểm tra sau thông quan và các địa bàn hoạt động hải quan khác theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, trước những yêu cầu từ thực tế, quy định đã bộc lộ bất cập.

|
Mở rộng địa bàn hoạt động của hải quan cần tính đến khả năng đảm bảo nhân lực và vật lực Ảnh: PV
|
Thứ nhất, thủ tục hải quan được thực hiện tại trụ sở cơ quan hải quan, nhưng việc giám sát hải quan phải mở rộng các địa điểm khác. Một số ý kiến dẫn chứng: Các tuyến đường vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh đang chịu sự giám sát của hải quan, khu vực được phép lưu giữ hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan chưa được quy định thuộc địa bàn hoạt động hải quan.
Thứ hai, Thủ tướng Chính phủ cho phép một số mặt hàng được xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu phụ hoặc lối mở ở một số địa phương, ở những thời điểm nhất định (những nơi này cũng chưa được quy định là địa bàn hoạt động hải quan). Nhưng trên thực tế, khi có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, cơ quan hải quan phải bố trí lực lượng để làm thủ tục theo quy định.
Thứ ba, một số địa điểm lưu giữ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu như kho bảo quản hàng hóa chờ hoàn thành thủ tục hải quan, khu vực cách ly lưu giữ hàng hóa để thực hiện việc kiểm dịch, nơi tập kết hàng hóa chờ làm thủ tục xuất khẩu... chưa được quy định là địa bàn hoạt động hải quan.
Trọng trách lớn với hải quan
Tại Điều 7 dự thảo Luật Hải quan sửa đổi, mở rộng phạm vi địa bàn hoạt động của hải quan, bảo đảm tính linh hoạt trong tổ chức thực hiện.
Cụ thể, địa bàn hoạt động hải quan bao gồm: Các khu vực cửa khẩu đường bộ, ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng biển quốc tế, cảng sông quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế, các địa điểm làm thủ tục hải quan, khu chế xuất, kho ngoại quan, kho bảo thuế, khu vực ưu đãi hải quan, bưu điện quốc tế, trụ sở doanh nghiệp khi kiểm tra sau thông quan, địa điểm khác được phép xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh theo quy định của cơ quan có thẩm quyền, tuyến đường vận chuyển hàng hoá đang chịu sự giám sát hải quan, khu vực được phép lưu giữ hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan; các địa điểm kiểm tra hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu trong lãnh thổ và trên vùng biển thực hiện quyền chủ quyền của Việt Nam và các địa bàn khác theo quy định của pháp luật…
Để bảo đảm phù hợp với Luật Biển Việt Nam, tại Điều 7 dự thảo luật có bổ sung: “Tại vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, cơ quan hải quan thực hiện hoặc phối hợp thực hiện tuần tra, kiểm soát để ngăn ngừa, xử lý hành vi vi phạm pháp luật hải quan theo thẩm quyền và quy định của pháp luật”.
Bên cạnh đó, dự thảo luật bổ sung quy định tại Điều 93: “Trường hợp hàng hóa, phương tiện vận tải đang di chuyển ra ngoài địa bàn hoạt động hải quan mà cơ quan hải quan có căn cứ cho rằng có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, cơ quan hải quan được tiếp tục truy đuổi để áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật…”.
Như vậy, địa bàn hoạt động hải quan là khá rộng lớn, đòi hỏi năng lực kiểm tra kiểm soát rất cao. Có ý kiến cho rằng, việc mở rộng địa bàn hoạt động hải quan cần phải suy tính thấu đáo đến khả năng đảm bảo nhân lực và vật lực, khi trọng trách đặt lên “vai” ngành Hải quan là rất lớn, trước yêu cầu tăng cường hiệu quả hoạt động kiểm soát ở biên giới.