“Điểm sáng” lại bị lãng quên
Một thống kê mới đây cho thấy cả nước hiện có trên 500 nghìn DNNVV, chiếm tới 98% số lượng doanh nghiệp (DN) với số vốn đăng ký lên gần 2.300 nghìn tỷ đồng (tương đương 121 tỷ USD). Vì phát triển nhanh, nên mọi yếu tố và điều kiện sản xuất kinh doanh của DNNVV đang bất cập và gặp nhiều trắc trở.
Nhấn mạnh điều này, TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Chủ tịch Hiệp hội DNVVN cho rằng, sự cản trở chính là do trình độ hiểu biết luật lệ, nắm bắt thông tin trong sản xuất kinh doanh hạn chế, chưa có kinh nghiệm trên thương trường trong hội nhập.
Đặc biệt là vấn đề về vốn trong sản xuất kinh doanh. Vốn cố định và lưu động rất nhỏ bé không tăng kịp với quá trình phát triển sản xuất kinh doanh nên phải phụ thuộc nhiều vào vốn vay tín dụng bên ngoài.
Khả năng bổ sung các nguồn vốn ngoài ngân hàng như tự huy động vốn qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu, huy động qua thị trường chứng khoán… chưa được là bao vì thiếu điều kiện, trình độ hiểu biết và kinh nghiệm.
Chính vì vậy, việc vay vốn tín dụng qua hệ thống ngân hàng là kênh chủ yếu mà nhiều DN đang tập trung khai thác, nhưng số DN tiếp cận được nguồn vốn này không phải thuận lợi hoàn toàn và rộng khắp, vì một số DN không đủ điều kiện pháp lý do ngân hàng quy định, một số không đủ kiến thức và trình độ chuyên môn triển khai và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này.
Vốn phải đến đúng đối tượng
Thực tế, đã có những DN lớn vay tới gấp 10 lần vốn tự có, vay tại nhiều ngân hàng khác nhau. Trong khi đó, nợ xấu lại tập trung nhiều ở những DN này. Điều này cho thấy, trong quá trình tái cấu trúc cần xem xét quy mô DN. Quy mô các DN bị nhỏ đi, nhất là quy mô lao động nhưng quy mô vốn lại tăng.
Bà Hằng cho hay, thực chất lạm phát trong 10 năm qua đã tăng 100%, song quy mô vốn trung bình của DN tăng gấp đôi, nên bản chất mức tăng không nhiều, cho thấy “cơ thể” DN mỏng manh, dễ tổn thương, càng đòi hỏi cân nhắc, có quyết định đúng để đảm bảo sự tồn tại của DN.
TS. Cao Sỹ Kiêm cho rằng, để DNNVV phát huy hết tiềm năng và thế mạnh của mình thì cần phải thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ, thường xuyên và lâu dài một số giải pháp: Trước hết là tạo môi trường pháp lý toàn diện, đồng bộ phù hợp với điều kiện và thực trạng đang chuyển biến của nền kinh tế đất nước, vừa phù hợp với thông lệ và quy định quốc tế. Thứ nữa là đảm bảo những yếu tố công khai, minh bạch, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
Đặc biệt, là giải pháp giải quyết vấn đề vốn cho các DNNVV. Về lâu dài phải nâng cấp hoạt động đáp ứng nhu cầu của thị trường tài chính và tiền tệ, nhất là thị trường vốn tín dụng. Trong đó, vai trò của NHNN và các tổ chức tín dụng có ý nghĩa quyết định trong việc xây dựng chính sách và cơ chế - công cụ chỉ đạo và thực thi chính sách tiền tệ nhất là những vấn đề thường xuyên nổi lên như: Vốn trung, dài hạn; vấn đề lãi suất - tỷ giá, cũng như chất lượng và hiệu quả hoạt động của thị trường liên ngân hàng cả nội tệ và ngoại tệ.