Đây sẽ là một trong những công cụ quan trọng phục vụ quản lý chất lượng lương thực dự trữ quốc gia (DTQG).
PV: Xin ông cho biết, việc thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận sự phù hợp chất lượng thóc, gạo có vai trò quan trọng như thế nào, cũng như sự cần thiết phải có phòng thử nghiệm thóc, gạo?
Ông Lê Văn Dương: Quản lý chất lượng là một quá trình bao gồm: Từ xây dựng, ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đến đánh giá sự phù hợp. Đánh giá sự phù hợp là khâu cuối quy trình, bao gồm các hoạt động: Thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận sự phù hợp của sản phẩm, hàng hóa, quá trình sản xuất, cung ứng dịch vụ phù hợp với tiêu chuẩn công bố.
Hoạt động thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận sự phù hợp chất lượng mang tính khoa học và pháp lý. Do đó, phải có tổ chức có năng lực khoa học và pháp lý mới thực hiện được. Phòng Thử nghiệm là tổ chức đáp ứng yêu cầu về trang thiết bị, trình độ con người, hệ thống quản lý và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đánh giá, công nhận. Phòng Thử nghiệm là công cụ quan trọng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để thực hiện hoạt động thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận sự phù hợp của sản phẩm, hàng hóa.
PV: Thưa ông, trong tương lai, trung tâm có dự định sẽ mở rộng kiểm tra chất lượng nhiều mặt hàng DTQG?
Ông Lê Văn Dương: Để đủ điều kiện thực hiện hoạt động thử nghiệm chất lượng cho một sản phẩm hàng hóa, yêu cầu của Bộ Khoa học và Công nghệ rất khắt khe. Thời gian qua phòng thử nghiệm tập trung cho mặt hàng lương thực (thóc, gạo). Tuy nhiên danh mục hàng DTQG là rất nhiều. Do đó, trong thời gian tới sẽ phải tiếp tục mở rộng năng lực của phòng.
Trước mắt, phòng sẽ mở rộng năng lực thử nghiệm chất lượng cho các mặt hàng như: Muối ăn, phao áp cứu sinh, nhà bạt cứu sinh, xăng dầu DTQG. Cùng với việc mở rộng thử nghiệm các loại hàng hóa DTQG, Phòng Thử nghiệm cũng thực hiện hoạt động hiệu chuẩn, kiểm định các thiết bị đo lượng trong hoạt động DTQG.
PV: Để công tác quản lý chất lượng hàng DTQG ngày càng hoàn thiện và tạo điều kiện cho trung tâm tham gia hoạt động quản lý, nâng cao chất lượng bảo quản hàng dự trữ, theo ông, thời gian tới cần có giải pháp gì?
Ông Lê Văn Dương: Để công tác quản lý chất lượng hàng DTQG ngày càng hoàn thiện và tạo điều kiện cho trung tâm tham gia phục vụ hoạt động quản lý của tổng cục thì cần phải tiếp tục hoàn thiện quản lý chất lượng hàng DTQG với hai nội dung:
Đó là hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý chất lượng hàng DTQG. Hiện nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản chất lượng nói chung là tương đối đầy đủ và động bộ, vậy cần phải được quy định cụ thể trong hoạt động quản lý chất lượng hàng DTQG.
Nội dung thứ hai là áp dụng các phương pháp quản lý chất lượng tiên tiến. Như chúng ta biết trình độ quản lý nói chung và quản lý chất lượng nói riêng ngày càng được hoàn thiện. Quá trình phát triển của khoa học quản lý chất lượng từ: Kiểm tra chất lượng (phương thức truyền thống) → Kiểm soát chất lượng → Đảm bảo chất lượng → Kiểm soát chất lượng toàn diện (phương thức quản lý chất lượng tiên tiến). Việc thực hiện áp dụng các phương thức quản lý tiên tiến là phù hợp với xu thế quản lý chất lượng trên thế giới hiện nay.
Quy định của pháp luật nước ta hiện nay cũng như các phương thức quản lý chất lượng tiên tiến đều rất coi trọng hoạt động thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận sự phù hợp của sản phẩm, hàng hóa.
Việc hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý chất lượng hàng DTQG đồng bộ phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý chất lượng nói chung và áp dụng các phương thức quản lý chất lượng tiên tiến sẽ giúp công tác quản lý chất lượng hàng DTQG ngày càng hoàn thiện và đồng thời cũng là tạo điều kiện cho Phòng Thử nghiệm tham gia phục vụ hoạt động quản lý của Tổng cục DTNN.
PV: Xin cảm ơn ông!