Các ý kiến đóng góp từ phía các bộ, ngành, ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố về cơ bản là đồng thuận, song cũng có một số đề nghị cân nhắc một số điểm cụ thể.
Có nên cho xăng dầu chứa chung bồn?
Điểm quan trọng trong dự thảo được các bộ, ngành quan tâm đó là việc mặt hàng XNK, TN-TX xăng dầu có được chứa chung bồn hay không. Dự thảo thông tư quy định, thương nhân không được bơm xăng dầu kinh doanh TN-TX vào kho đang chứa xăng dầu cùng chủng loại nhưng khác loại hình nhập khẩu (NK).
Bộ Công thương đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc và sửa đổi, bởi quy định mới sẽ gây lãng phí, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN). Việc đầu tư kho chứa xăng dầu đòi hỏi nguồn đầu tư lớn, nếu chỉ để chứa nguồn TN-TX tại cảng TN và cả cửa khẩu TX sẽ gây lãng phí cho DN.
Trên thực tế, việc chứa chung bồn với loại hình xăng dầu được áp dụng lâu nay, tạo thuận lợi cho DN, tuy nhiên cơ quan quản lý lại gặp phải không ít khó khăn, khi đấu tranh với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại.
Nhằm tăng cường tính hiệu quả ngăn chặn gian lận thương mại, UBND TP. Hồ Chí Minh đề xuất, đối với trường hợp bồn, bể của kho chứa xăng dầu được thiết kế nhiều đường ống dẫn xăng dầu liên hoàn giữa các bồn, bể với nhau, sau khi bơm xong xăng dầu từ phương tiện vận chuyển vào bồn bể, công chức hải quan không phải niêm phong bồn, bể; giao chủ hàng chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc giữ nguyên trạng xăng dầu cho đến khi có kết luận của cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng xăng dầu.
Coi trọng mục tiêu chống gian lận
Trong dự thảo thông tư, Bộ Tài chính đề xuất, xăng dầu TN được lưu tại Việt Nam không quá 60 ngày và được gia hạn 1 lần không quá 30 ngày cho mỗi lô hàng. Đây là biện pháp ngăn chặn việc lưu chuyển lòng vòng lô hàng, dễ dẫn đến thẩm lậu xăng dầu tiêu thụ nội địa, như cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc.
Về vấn đề này, theo Bộ Công thương, hiện bộ này đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ để ký ban hành nghị định thay thế Nghị định 12/2006/NĐ-CP. Theo đó, quy định thời hạn hàng hóa TN-TX được lưu tại Việt Nam không quá 60 ngày, được gia hạn tối đa 2 lần không quá 30 ngày cho mỗi lô hàng (tổng thời gian lưu tại Việt Nam tối đa 120 ngày). Do đó, đề xuất Bộ Tài chính cân nhắc quy định thời hạn xăng dầu được lưu tại Việt Nam.
Với việc cho phép xăng dầu TX không hết hoặc không TX được chuyển tiêu thụ nội địa, theo Bộ Công thương trường hợp này không cần phải xin giấy phép của Bộ Công thương, Bộ Tài chính. Theo đó, khi chuyển từ hình thức TN-TX sang NK tiêu thụ nội địa, DN chỉ phải đăng ký với cơ quan hải quan. Lượng NK tiêu thụ nội địa sẽ được tính vào hạn mức tối thiểu NK do Bộ Công thương phân giao hàng năm.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, xăng dầu là mặt hàng đặc thù, thuế NK xăng dầu thường xuyên phải điều chỉnh theo diễn biến giá xăng dầu thế giới. Do vậy, với quy định này, DN dễ lợi dụng việc điều chỉnh, tăng, giảm thuế để chọn thời điểm chuyển xăng dầu TN-TX đưa vào tiêu thụ nội địa. Như vậy, Nhà nước cần cân nhắc quy định thời điểm tính thuế, để đảm bảo hạn chế khả năng gian lận thuế có thể xảy ra.
Liên quan đến quy định về cửa khẩu TX, Bộ Công thương cho rằng, quy định DN chỉ được TX qua cửa khẩu TN sẽ gây khó khăn cho DN khi thực hiện. Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại cho rằng cần nghiên cứu và có quy định cụ thể hơn đối với nội dung này, nhằm tránh lợi dụng kẽ hở của chính sách TN xăng dầu để tiêu thụ nội địa.
Mặt hàng xăng dầu rất khó quản lý do có nhiều chủng loại (xăng A92, A95, dầu DO)... Hơn nữa với các mặt hàng khác là TN lô nào phải TX lô đó, nhưng mặt hàng xăng dầu lại cho phép đổ chung vào bồn chứa xăng TN và xăng kinh doanh. 13 DN đầu mối NK không có khu chứa riêng xăng TN-TX, do vậy rất khó trong quản lý, không thể tách biệt đâu là xăng TN-TX và xăng nhập khẩu kinh doanh. Đây là sơ hở có thể dẫn đến gian lận thương mại. (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn) |