PV: Thưa ông, xung quanh đề xuất hình thành và phát triển QKN từ mô hình QKN Hà Nội, ông có ý kiến gì?
- TS. Phan Huy Thông: Trong hoạt động khuyến nông, cùng với việc xây dựng các mô hình trình diễn để giúp nông dân tiếp cận và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật (TBKT) ở quy mô nhỏ thì việc tiếp tục tổ chức nhân rộng và phát triển các mô hình tiên tiến trên quy mô lớn có ý nghĩa quyết định.
Tuy nhiên, việc nhân rộng và phát triển các TBKT gặp nhiều khó khăn do đòi hỏi chi phí đầu tư cao. Trong khi đó, nguồn vốn tự có của hầu hết các hộ nông dân còn rất thiếu, vốn ngân hàng thường có lãi suất cao và khả năng tiếp cận còn hạn chế.
 |
Để nhân rộng mô hình QKN cần vốn "mồi" từ phía Nhà nước. Ảnh: T.L
|
Do vậy, nhu cầu khách quan là cùng với việc tuyên truyền quảng bá các mô hình TBKT đã trình diễn thành công, cần thiết phải có nguồn vốn vay ưu đãi để cho vay, hỗ trợ nhân rộng và phát triển các mô hình này vào sản xuất.
Trước thực tế đó, từ năm 2002, TP. Hà Nội đã đi đầu trong cả nước khi quyết định thành lập QKN với mục đích giúp các hộ nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã vay vốn với mức chi phí thấp để mở rộng và phát triển các mô hình khuyến nông tiến tiến.
Trong 10 năm qua, với trên 2.000 lượt hộ nông dân, chủ trang trại được vay vốn với mức phí thấp, QKN Hà Nội đã được khẳng định là một kênh tài chính rất thiết thực, sáng tạo và hiệu quả trong cách đầu tư cho công tác khuyến nông ở những vùng sản xuất hàng hóa.
 |
Trong Nghị định 02 của Chính phủ có quy định về việc thành lập QKN và giao cho Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hướng dẫn việc xây dựng và quản lý QKN, song đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn về vấn đề này. Vì vậy, chúng tôi đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Bộ Tài chính phối hợp với Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội sớm đánh giá, tổng kết toàn diện QKN của Hà Nội. Từ đó xây dựng thông tư hướng dẫn thành lập QKN trên phạm vi toàn quốc. |
 |
TS. Phạm Huy Thông
|
|
PV: Theo ông, làm thế nào để xây dựng QKN và nhân rộng ra các tỉnh thành phố?
- TS. Phan Huy Thông: Để thành lập QKN, trước tiên, cần có sự đầu tư từ ngân sách nhà nước làm nguồn "khởi động" hay "vốn mồi" nhằm kêu gọi sự ủng hộ, đóng góp của các nhà tài trợ, các doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ...
Mục tiêu là tạo được nguồn vốn khuyến nông ổn định, chủ động nhằm tiếp sức, giúp đỡ các hộ nông dân, chủ trang trại… có thêm nguồn lực để đầu tư, phát triển các mô hình khuyến nông tiên tiến đã được khẳng định.
Hộ nông dân vay vốn từ QKN quay vòng không những được tiếp cận nguồn vay với mức phí thấp, mà quan trọng hơn là được cán bộ khuyến nông trực tiếp hướng dẫn, chuyển giao TBKT và kỹ năng quản lý nông trại để sử dụng đồng vốn vay với hiệu quả tốt nhất.
Đồng thời với cách đầu tư thông qua QKN quay vòng, người vay vốn không chỉ đơn thuần quan tâm đến cơ chế ưu đãi mà phải cân nhắc tính toán kỹ lưỡng trước khi quyết định vay vốn để đảm bảo khả năng trả nợ, đồng thời kinh phí khuyến nông quay vòng được bảo toàn để tái đầu tư cho các hộ khác, đối tượng TBKT khác.
Trong khi chưa có thông tư hướng dẫn việc thành lập QKN, chúng tôi đề nghị các địa phương, trước hết là các tỉnh, thành phố có nguồn thu ngân sách lớn nên tham khảo kinh nghiệm của Hà Nội để làm thí điểm QKN của địa phương mình và từng bước triển khai mở rộng. Theo cách, có thể dành một phần ngân sách nhà nước đầu tư cho công tác khuyến nông để thành lập QKN và bổ sung dần hàng năm như Hà Nội đã làm.
PV: Thưa ông, đối với những tỉnh khó khăn, ngân sách hạn hẹp thì có thể xây dựng QKN?
- TS. Phan Huy Thông: Theo tôi, những tỉnh có nguồn ngân sách thấp phần lớn là những tỉnh nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế; ở những tỉnh này, công tác khuyến nông càng có vị trí quan trọng.
Để chủ động nguồn kinh phí dầu tư cho khuyến nông cũng rất cần thành lập và phát triển QKN. Cách tốt nhất là địa phương trích ra khoảng 20 - 30% tổng kinh phí khuyến nông hàng năm để thành lập QKN cho các hộ sản xuất hàng hóa, chủ trang trại vay để đầu tư mở rộng các mô hình ứng dụng TBKT đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao và đầu tư lớn, còn 70 - 80 % đưa vào các hoạt động hỗ trợ không hoàn lại cho các hoạt động khuyến nông khác theo chính sách hiện hành.
Ngoài ra, cần có cơ chế huy động, kêu gọi các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân khác hỗ trợ, đóng góp để phát triển QKN.
PV: Xin cảm ơn ông!