Bà Nguyễn Hồng Liên- Trưởng Phòng tài sản xác lập sở hữu nhà nước (TS XLSHNN), Cục Quản lý Công sản, Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã tuân thủ khá nghiêm túc các quy định pháp luật hiện hành về quản lý và xử lý TS XLSHNN.
Tuy nhiên, cơ chế xử lý đối với một số loại TS còn có sự khác nhau; thủ tục xác lập đối với một số loại TS chưa được chặt chẽ và các đầu mối quản lý còn phân tán...nên chưa thực sự mang lại kết quả như mong đợi. Dự thảo nghị định quy định chi tiết, cụ thể việc quản lý, xử lý TS XLSHNN đã được Bộ Tài chính hoàn tất nhằm khắc phục những tồn tại trên.
Về hình thức xử lý TS, trước đây thẩm quyền xử lý thuộc về nhà nước. Nhưng tại dự thảo, việc xử lý đã được phân cấp rất mạnh cho các ban ngành khác cùng được xử lý. Cụ thể, Bộ Tài chính chỉ xử lý các loại TS có giá trị trên 500 triệu đồng trở lên khi được chuyển giao, các loại TS có giá trị thấp sẽ giao cho các bộ, ngành khác hoặc phân cấp xuống UBND tỉnh để xử lý.
Về việc bảo quản TS, dự thảo cũng đã quy định “mở” hơn cho các địa phương. Cụ thể, căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương, UBND cấp tỉnh quyết định đầu tư xây dựng kho bãi để bảo quản TS XLSHNN và các TS nhà nước khác từ chính nguồn thu xử lý TS XLSHNN và ngân sách địa phương. Quy định này nhằm tránh sự phân tán của hàng hóa và giúp các địa phương chủ động trong việc xử lý cũng như tiết kiệm được chi phí phải đi thuê kho bãi.
Một điểm mới nữa là việc quy định bán đấu giá đối với tang vật, phương tiện bị tịch thu sung quỹ do vi phạm hành chính. Theo quy định hiện hành, các tang vật, phương tiện bị tịch thu (trừ hình thức tiêu hủy hoặc điều chuyển, chuyển giao cho cơ quan chuyên ngành) đều phải thực hiện bán đấu giá. Tuy nhiên, trên thực tế, có những vụ vi phạm, tang vật, phương tiện có giá trị nhỏ, nếu thực hiện bán đấu giá sẽ không hiệu quả, gây tốn kém thời gian, công sức và chi phí xử lý.
Tại lĩnh vực này, dự thảo đã đưa ra quy định, đối với những vụ vi phạm, tang vật bị tịch thu có giá trị nhỏ (dưới 100 triệu đồng/1 vụ việc), cơ quan được giao xử lý có thể tổng hợp TS của nhiều vụ việc để xử lý một lần....
Bà Liên cho biết, TS XLSHNN tuy không lớn so với nhiều loại TS nhà nước khác, nhưng lại có tính chất đặc biệt cả về nguồn gốc hình thành và cơ chế xử lý. Để xây dựng dự thảo nghị định sát với thực tế, Cục Quản lý Công sản đã trực tiếp khảo sát tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước để đưa ra cách giải quyết căn bản những khó khăn, bất cập còn tồn tại.