Phạm vi kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán
Theo dự thảo, công tác kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán phải bao quát được tất cả các dịch vụ mà doanh nghiệp kiểm toán (DNKT) cung cấp, bao gồm: dịch vụ kiểm toán (gồm kiểm toán: báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán dự án hoàn thành, kiểm toán hoạt động, tuân thủ báo cáo tài chính vì mục đích thuế và công việc kiểm toán khác); dịch vụ soát xét báo cáo tài chính; dịch vụ kiểm toán nội bộ; dịch vụ kiểm tra thông tin tài chính và dịch vụ bảo đảm khác.
Phạm vi kiểm tra phải bao quát các hợp đồng dịch vụ đã hoàn thành trong thời gian tối thiểu là 2 năm gần nhất, tính đến thời điểm kiểm tra. Việc lựa chọn năm để kiểm tra do trưởng đoàn kiểm tra quyết định, để đảm bảo kiểm soát được chất lượng dịch vụ kiểm toán. Trường hợp kiểm tra lại sau 2 năm kiểm tra thì chỉ kiểm tra các dịch vụ kiểm toán đã phát hành báo cáo kiểm toán của 2 năm trước liền kề năm kiểm tra.
Phạm vi kiểm tra bao gồm: Kiểm tra việc xây dựng và tổ chức hệ thống kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán của DNKT được kiểm tra; Kiểm tra chất lượng dịch vụ đối với từng hợp đồng dịch vụ cụ thể; Kiểm tra việc đăng ký kinh doanh dịch vụ kiểm toán, đăng ký hành nghề kiểm toán; Kiểm tra việc góp vốn; thực hiện bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp hoặc trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp; Kiểm tra việc nộp phí kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán; Kiểm tra khác liên quan đến việc tuân thủ pháp luật về kiểm toán độc lập.
Không kiểm tra các vấn đề không liên quan đến chất lượng dịch vụ kiểm toán của DN như mức huy động vốn, kết quả kinh doanh của DN...
Bộ Tài chính là cơ quan quản lý và tổ chức thực hiện kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán trong các DNKT. Tổ chức nghề nghiệp có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức thực hiện việc kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán trong các DNKT. Kiểm toán viên hành nghề và DNKT chịu trách nhiệm tự kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán do mình cung cấp.
Sẽ kiểm tra đột xuất DN "có vấn đề"
Các DNKT được chấp thuận kiểm toán cho các đơn vị có lợi ích công chúng (gọi tắt là đơn vị công ích) và phát hành tối thiểu 60 báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính cho khách hàng là đơn vị công ích sẽ được kiểm tra trực tiếp định kỳ hàng năm, từ 30/6 năm trước đến 30/6 năm trước liền kề năm kiểm tra (sau đây gọi tắt là năm trước liền kề).
Kiểm tra chất lượng định kỳ ít nhất 3 năm một lần đối với các DNKT được chấp thuận kiểm toán cho các đơn vị công ích và phát hành ít hơn 60 báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính cho đơn vị công ích năm trước liền kề; hoặc DNKT phát hành tối thiểu 100 báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính năm trước liền kề cho khách hàng là các DN, tổ chức không thuộc đối tượng là đơn vị nhỏ theo quy định của Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam.
Kiểm tra chất lượng định kỳ ít nhất 4 năm một lần đối với các DN kiểm toán không thuộc 2 đối tượng nêu trên. Trường hợp kết quả kiểm tra chất lượng định kỳ của DN kiểm toán có ý kiến nhận xét thuộc loại 3 là chất lượng dịch vụ kiểm toán có hạn chế hoặc hạn chế nghiêm trọng, có nhiều sai phạm sẽ được kiểm tra lại ngay từ 1 đến 2 năm sau đó.
Các DN kiểm toán được kiểm tra định kỳ trong các trường hợp (tạm gọi là “có vấn đề”) sau đây: Có dấu hiệu sai phạm kết quả dịch vụ hoặc vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực nghề nghiệp, pháp luật và các quy định có liên quan trong quá trình hoạt động và cung cấp dịch vụ kiểm toán; Cung cấp hợp đồng dịch vụ kiểm toán có khả năng có rủi ro kiểm toán lớn thay thế cho hợp đồng dịch vụ kiểm toán do một doanh nghiệp kiểm toán khác cung cấp cho cùng một khách hàng mà không có lý do chính đáng; Có tranh chấp lớn giữa các thành viên góp vốn hoặc biến động lớn về kiểm toán viên hành nghề của DN kiểm toán dẫn đến có khả năng ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng dịch vụ của DN; Có thông tin phản ánh, tố giác về hành vi cạnh tranh không lành mạnh để thu hút khách hàng hoặc làm tổn hại đến lợi ích của các DN kiểm toán khác.
Ngoài kiểm tra trực tiếp định kỳ, các DNKT thuộc diện “có vấn đề” nêu trên có thể bị kiểm tra đột xuất. DN kiểm toán đã được kiểm tra đột xuất thì sẽ không tiếp tục được kiểm tra định kỳ ngay trong năm đó.
Phí kiểm tra và công khai kết quả
Để trang trải chi phí cho hoạt động kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán, Bộ Tài chính ủy quyền cho Tổ chức nghề nghiệp được thu một khoản thu từ các DNKT, tính trên đầu kiểm toán viên hành nghề kiểm toán hàng năm tại DN, để hình thành Quỹ kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán. Mức thu hàng năm do Bộ Tài chính quyết định, trên nguyên tắc thu đủ bù chi cho hoạt động này.
Kết quả kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán phải được công khai trong phạm vi DN được kiểm tra và được tổng hợp trong “Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra năm”.
Việc công khai báo cáo kết quả kiểm tra được thực hiện trước hết trong các DN được kiểm tra. Báo cáo kết quả kiểm tra sẽ được công bố rộng rãi ra công chúng nếu trong vòng 12 tháng, kể từ ngày phát hành báo cáo, DN được kiểm tra không khắc phục được các thiết sót và không thực hiện khuyến nghị của đoàn kiểm tra nêu trong báo cáo.