5 Dự án đường cao tốc gồm: Cầu Giẽ - Ninh Bình; Nội Bài – Lào Cai; TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây; Bến Lức – Long Thành; Đà Nẵng – Quảng Ngãi.
Theo đó toàn bộ số vốn ODA tại các dự án trên đang thực hiện theo hình thức cho vay lại được chuyển sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp vào dự án. Số vốn đối ứng cho các dự án có sử dụng vốn ODA được cân đối, bố trí đầu tư từ nguồn NSNN.
Riêng số vốn 2.500 tỷ đồng đã được NSNN ứng cho Dự án xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (2.000 tỷ đồng) và Dự án đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai (500 tỷ đồng) được chuyển thành vốn NSNN đầu tư trực tiếp cho Dự án.
Còn số vốn 4.399,7 tỷ đồng trái phiếu công trình được Chính phủ bảo lãnh đã phát hành cho Dự án Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (2.400 tỷ đồng) và Dự án đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai (1.999,7 tỷ đồng) và các khoản lãi phát sinh sẽ được Nhà nước tiếp nhận và chuyển thành vốn NSNN đầu tư trực tiếp cho dự án.
Đối với 2 Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai và Đà Nẵng – Quảng Ngãi trong trường hợp nguồn thu phí và các khoản thu khác của 2 dự án trên không đủ trả nợ vốn vay đến hạn thì Bộ GTVT phải làm rõ nguyên nhân và phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ một phần vốn thiếu hụt do các nguyên nhân khách quan.
Cũng theo Quyết định này, ngoài phần vốn được Nhà nước đầu tư trực tiếp, VEC chịu trách nhiệm huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai 5 dự án trên theo đúng các quyết định đầu tư, đồng thời phải quản lý chặt chẽ các nguồn thu theo quy định để đảm bảo hoàn trả đầy đủ các khoản vốn do VEC đã huy động kể cả vốn vay lại từ Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ KH-ĐT, Bộ GTVT, NHNN Việt Nam và các cơ quan liên quan thực hiện các thủ tục chuyển đổi cơ chế tài chính đối với 5 dự án trên. Trong trường hợp việc điều chỉnh này liên quan đến sửa đổi Hiệp định vay ký với nhà tài trợ nước ngoài thì trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Bộ Tài chính cũng phải bố trí nguồn vốn để thanh toán theo quy định đối với các khoản nợ gốc và lãi đến hạn trái phiếu có bảo lãnh của Chính phủ, nợ gốc và lãi đến hạn vốn vay ODA.
Bộ GTVT có trách nhiệm quản lý phần vốn NSNN đầu tư trực tiếp tại 5 dự án trên theo quy định hiện hành; giám sát việc thu phí và sử dụng nguồn thu của VEC.
Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ GTVT bố trí kế hoạch vốn đầu tư phát triển từ nguồn NSNN để đầu tư cho các dự án (phần vốn NSNN theo cơ cấu nguồn vốn của các dự án sau khi được điều chỉnh) và cân đối hoàn trả 2.500 tỷ đồng vốn NSNN ứng cho Dự án xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và Nội Bài – Lào Cai./.