Bộ trưởng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ cơ chế thoái vốn nhà nước đến năm 2015, trên cơ sở tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trong quá trình thực hiện thoái vốn theo tinh thần Quyết định số 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đến năm 2015 và xin ý kiến tham gia của tất cả các Bộ, ngành, địa phương, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.
Trên cơ sở ý kiến tham gia của các thành viên Chính phủ, Bộ Tài chính hiện đã tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị quyết.
Không bù trừ “các lợi ích thu được từ đầu tư vốn”
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, dự thảo Nghị quyết của Chính phủ cho phép doanh nghiệp được thoái vốn dưới mệnh giá và dưới giá trị sổ sách sau khi đã bù trừ dự phòng tổn thất đầu tư. Về cơ bản nội dung này phù hợp với quy định tại Nghị định số 71/2013/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó có bổ sung quy định doanh nghiệp được phép thoái vốn dưới mệnh giá.
Theo Bộ trưởng, cũng có một số ý kiến đề nghị bổ sung khi thực hiện thoái vốn dưới mệnh giá và dưới giá trị sổ sách, ngoài việc bù trừ dự phòng tổn thất đầu tư, doanh nghiệp còn được bù trừ cả “các lợi ích thu được từ đầu tư vốn”. Bộ Tài chính thấy rằng đối với “các lợi ích thu được từ đầu tư vốn” chủ yếu là các khoản lợi nhuận được chia từ vốn góp (cổ tức). Theo đó các doanh nghiệp được nhận cổ tức đã hạch toán vào kết quả kinh doanh để phân phối lợi nhuận (trừ trường hợp chia cổ tức bằng cổ phiếu theo quy định tại Nghị định số 71/2013/NĐ-CP).
Về nguyên tắc, doanh nghiệp có trách nhiệm bảo toàn vốn đầu tư, trường hợp thoái vốn dưới giá trị sổ sách (kể cả dưới mệnh giá) thì cũng cần bảo toàn vốn đầu tư ở mức cao nhất, hạn chế số lỗ phát sinh khi thoái vốn dưới giá trị sổ sách.
"Vì vậy, khi thoái vốn dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách, nếu trừ cả “các lợi ích thu được từ đầu tư vốn” thì có thể dẫn tới tăng thêm số lỗ phát sinh, như vậy cũng chưa đảm bảo hạn chế tổn thất vốn đầu tư ở mức cao nhất. Mặt khác, đối với các trường hợp có thời gian đầu tư dài tính đến thời điểm thoái vốn thì việc xác định các lợi ích thu được cũng phát sinh bất cập do phải rà soát, đối chiếu, như vậy sẽ làm kéo dài thời gian thoái vốn", Bộ trưởng nói.
Cũng theo người đứng đầu ngành Tài chính, dự thảo Nghị quyết của Chính phủ cho phép DNNN được chào bán ra công chúng số cổ phần đã đầu tư tại các công ty đại chúng có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ trên cơ sở phương án thoái vốn đã được chủ sở hữu xem xét, quyết định.
Giải pháp bổ sung này nhằm tháo gỡ vướng mắc quy định tại Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 của Chính phủ, vì thời gian qua Bộ Tài chính nhận được nhiều ý kiến phản ánh của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước là không thực hiện được việc thoái vốn theo lộ trình được duyệt vì một số doanh nghiệp có vốn góp là công ty đại chúng có kết quả kinh doanh thua lỗ. Thực hiện giải pháp này cũng sẽ hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thoái vốn của các doanh nghiệp.
Cổ phần Nhà nước tại ngân hàng thương mại không thấp hơn 65%
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, để tạo nguồn lực triển khai các dự án trọng điểm cũng như hỗ trợ tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đến năm 2015 trong điều kiện Ngân sách nhà nước còn khó khăn, phương án thoái vốn nhà nước sẽ theo hai nguyên tắc:
Thứ nhất là, duy trì tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ ở mức không thấp hơn 65% vốn điều lệ đối với các Ngân hàng Thương mại cổ phần và Tập đoàn Bảo Việt;
Thứ hai là, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, DNNN khác (trừ các doanh nghiệp trực tiếp phục vụ an ninh, quốc phòng) căn cứ vào tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước và vai trò đối với phát triển kinh tế ngành để xác định tỷ lệ cần duy trì nắm giữ vốn nhà nước nhưng tối đa không quá 65% vốn điều lệ.
"Bộ Tài chính thấy rằng thực hiện nguyên tắc thoái vốn trên cũng là thực hiện cơ cấu lại nguồn lực của Nhà nước, thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán, tài chính, đồng thời với tỷ lệ nắm giữ 65% vốn điều lệ thì cổ đông nhà nước vẫn có quyền quyết định đối với các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp", Bộ trưởng nói.
Về trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện, Bộ trưởng cho biết Bộ Tài chính sẽ trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định để thể chế hóa Nghị quyết về đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước đến năm 2015.
Đối với các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, DNNN không thực hiện được tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì Ban lãnh đạo doanh nghiệp được xác định là không hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, Bộ trưởng các Bộ quản lý ngành, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chậm hoàn thành kế hoạch đã được phê duyệt theo quy định.
Giải pháp tiếp theo được người đứng đầu ngành Tài chính cho biết là tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế để thúc đẩy thị trường chứng khoán, thị trường tài chính phát triển, qua đó góp phần đẩy mạnh quá trình sắp xếp, cổ phần hóa DNNN.
Với các giải pháp đẩy mạnh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp sau khi được thể chế hóa tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn thực hiện Nghị quyết, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước cần tích cực chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
"Bộ Tài chính tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành, địa phương, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước thì đến hết năm 2015, chúng ta sẽ thực hiện thành công nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 929/QĐ-TTg", Bộ trưởng khẳng định./.
Thực tế quá trình cổ phần hóa DNNN thời gian qua cho thấy, việc xử lý tồn tại tài chính của doanh nghiệp là bước mất khá nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa, tuy nhiên việc này đã từng bước được đẩy nhanh và triệt để hơn thông qua các cơ chế xử lý tài chính liên tục được hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung.
Kể từ thời điểm Việt Nam thực hiện thí điểm cổ phần hóa năm 1992 đến nay, trên cơ sở phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và nắm bắt thường xuyên những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình cổ phần hóa của các doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 07 Nghị định hướng dẫn về cổ phần hóa DNNN, ban hành theo thẩm quyền 12 Thông tư hướng dẫn Nghị định và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Gần đây nhất, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 189/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011, theo đó khắc phục một số vướng mắc phát sinh trong quá trình xử lý tài chính, cổ phần hóa theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP thời gian qua, ví dụ như: vấn đề xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp; đối chiếu công nợ (phải thu, phải trả); kiểm toán nhà nước đối với doanh nghiệp cổ phần hóa; lựa chọn tổ chức tư vấn định giá..v.v…
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng thường xuyên phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có văn bản trả lời, hướng dẫn hoặc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý những tồn tại tài chính cũng như các kiến nghị của doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa, qua đó giải quyết cơ bản những vướng mắc phát sinh, đảm bảo tính kịp thời và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa.../.
|