Thấm thoắt đã hơn 30 năm trôi qua, giờ đây, đã trở thành người đứng đầu đơn vị DTNN KV Hà Bắc, song anh vẫn mang tác phong của người lính năm xưa.
Người lính, dù ở đâu vẫn giữ tinh thần kỷ luật
Từng trải qua nhiều cương vị: Cục phó rồi Cục trưởng Cục DTNN khu vực Hà Sơn Bình..., trước rất nhiều khó khăn (về cơ sở vật chất khi kho tàng cũ, phân tán, nhỏ lẻ, đội ngũ cán bộ công chức thiếu so với yêu cầu nhiệm vụ...), chỉ có kỷ luật người lính mới giúp anh vượt qua, hoàn thành nhiệm vụ.
|
|
 |
Là người trực tiếp quản lý, tôi rất hiểu những nhọc nhằn, vất vả của anh em – nhất là những người làm công tác bảo quản. Tôi muốn chia sẻ nỗi vất vả ấy. Thấy anh em “vướng” phần nào, tôi cố gắng nghiên cứu, cùng anh em, tìm cách “gỡ” phần đó...”. |
 |
|
Ông Diêm Công Hoàn
|
|
|
Anh mang theo tác phong quân đội và trở thành một thủ trưởng rất nghiêm khắc, làm việc với tinh thần tập trung cao độ; dưới quyền anh không ai được phép lơ là, thiếu trách nhiệm trước nhiệm vụ…
Mặc dù vậy, anh chị em trong đơn vị vẫn luôn kính trọng, nể phục và yêu mến, khi nói về người lãnh đạo của mình. Sự chuyển biến về lề lối, tác phong làm việc… đã làm cho cục DTNN khu vực này “thay da đổi thịt”.
Nhưng, sự nghiêm khắc của anh không biến thành cứng nhắc, độc đoán mà tất cả đều trên tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch. Các tiêu chí đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức hàng tháng được chỉ đạo xây dựng rõ ràng, gắn với các nhiệm vụ cụ thể, tạo động lực phấn đấu và bình xét khen thưởng thi đua hàng năm được minh bạch.
Các nội dung, quy chế quản lý mới, đều được lấy ý kiến tập thể. Việc bình bầu được đưa ra trong các cuộc họp để lấy ý kiến dân chủ, tạo đồng thuận... “Phương châm quản lý của tôi là dân chủ - công khai – minh bạch” – Cục trưởng Diêm Công Hoàn chia sẻ.
Dưới sự chỉ đạo của anh, các đề án, quy chế được xây dựng triển khai, như: “Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng tài sản công” và quy chế “Nâng cao hiệu quả thời gian làm việc của cán bộ công chức”.
Đặc biệt, năm 2013, anh có sáng kiến: “Các biện pháp triển khai phong trào xây dựng ngăn kho điển hình tiêu biểu”. Sáng kiến nội dung phong phú: Xây dựng các tiêu chí đánh giá, chấm điểm; đẩy mạnh việc triển khai phong trào thi đua; đẩy mạnh công tác nhân rộng điển hình tiên tiến, công tác kiểm tra chéo...
3 năm làm Cục trưởng ở Cục DTNN KV Hà Sơn Bình, đơn vị luôn được đánh giá là xuất sắc. Từ 2004, về đảm nhiệm vị trí Cục trưởng Cục Dự trữ nhà nước khu vực Hà Bắc cho đến nay, năm nào đơn vị cũng giành danh hiệu thi đua cao quý như Huân chương Lao động hạng ba (2006) và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Sáng tạo vì đồng đội
Mặc dù luôn bận rộn, nhưng Cục trưởng Diêm Công Hoàn vẫn dành thời gian nghiên cứu các đề tài khoa học. Anh tâm sự: “Là người trực tiếp quản lý, tôi rất hiểu những nhọc nhằn, vất vả của anh em – nhất là những người làm công tác bảo quản. Tôi muốn chia sẻ nỗi vất vả ấy. Thấy anh em “vướng” phần nào, tôi cố gắng nghiên cứu, cùng anh em, tìm cách “gỡ” phần đó...”. Với tâm huyết của mình, gần như năm nào anh cũng có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, áp dụng đem lại hiệu quả.
Đề tài mà anh tâm đắc nhất là “Bảo quản thóc đóng bao trong môi trường yếm khí”. Anh kể: “Anh em làm ở bộ phận này, do đặc thù khói bụi bẩn, rất hay bị bệnh nghề nghiệp như viêm phổi, ung thư phổi... Mỗi khi hay tin ai đó phải nhập viện vì bệnh phổi, hay ung thư phổi, ra đi khi mái tóc còn xanh, lòng tôi đau nhói!”.
Trong đầu anh luôn trăn trở: Làm thế nào bảo quản lương thực (đặc biệt là thóc) mà không bị hít phải khói, bụi; đặc biệt là những dị vật, nấm mốc, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật…? Làm thế nào tránh được nỗi đau, đành rằng là “sinh nghề, tử nghiệp”…? “Đến khi, trong ngành Dự trữ áp dụng đề tài bảo quản gạo đóng trong môi trường yếm khí, tôi đã nhận ngay ra mình cần phải làm gì”- anh Diêm Công Hoàn nhớ lại.
Thế là suốt 3 năm, từ 2006 đến 2008, anh quay quắt hết với việc báo cáo, rồi thử nghiệm và cuối cùng thì được nghiệm thu đề tài và được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng sáng kiến lao động sáng tạo. Anh bảo, niềm hạnh phúc lớn là sau đó đề tài được đưa vào áp dụng với công tác bảo quản lương thực trong toàn ngành Dự trữ.
Sau thành công ấy, năm 2008 – 2010, anh còn tiếp tục nghiên cứu đề tài: "Khảo sát độ suy giảm chất lượng của vỏ nhà bạt và phao áo cứu sinh trong quá trình bảo quản" (2008 - 2010). Đề tài đã được triển khai thành công, được đánh giá có nhiều triển vọng, mang lại hiệu quả kinh tế - kỹ thuật và tiếp tục được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng sáng kiến lao động sáng tạo.
Anh tâm sự: “Điều may mắn nhất của mình là gặp được người bạn đời đã kề vai sát cánh trong suốt chặng đường đời. Cô ấy luôn động viên khuyến khích và tạo điều kiện để mình hoàn thành công tác, để có được như ngày hôm nay phần lớn là nhờ vào công sức của cô ấy”. Điều bình dị lại chính là chỗ dựa, tạo nên sức mạnh trong con người đầy chất lính và sáng tạo ấy./.