Hiện vẫn còn tới 24% tổng số dự án sử dụng vốn Nhà nước chậm quyết toán so với thời gian quy định là một tỷ lệ “không vui’ khi Chỉ thị 27/CT- TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành đã ngót nghét 8 tháng, cùng với đó là hàng loạt các thông tư, văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Do đó, một loạt biện pháp mạnh để đẩy nhanh hơn công tác này đã được Bộ Tài chính đưa ra xem như là “liều thuốc mạnh” chữa "căn bệnh" chậm quyết toán hiện nay.
Phải vào cuộc từ trên xuống dưới
Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường hơn nữa công tác tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ làm công tác thẩm tra quyết toán, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án từ cấp tỉnh đến cấp xã; đặc biệt là ở cấp quận/huyện và cấp xã/phường/thị trấn. Thành lập ban quản lý dự án chuyên trách thuộc các sở, ngành, huyện nhằm thực hiện chuyên môn hóa công tác quản lý dự án đầu tư.
Các bộ, ngành, địa phương thành lập Ban chỉ đạo quyết toán dự án hoàn thành để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc lập hồ sơ quyết toán. Chỉ đạo chủ đầu tư, ban quản lý dự án rà soát, phân loại hồ sơ dự án chậm quyết toán; đánh giá xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm cá nhân, đơn vị liên quan đối với các dự án bị thất lạc, hoặc không có đủ hồ sơ quyết toán để có biện pháp giải quyết cụ thể đối với từng trường hợp.
Yêu cầu nhà thầu phối hợp với chủ đầu tư lập hồ sơ quyết toán A - B, trường hợp nhà thầu không phối hợp thì gửi công văn yêu cầu thời hạn cụ thể, quá hạn nhà thầu không thực hiện thì báo cáo biện pháp xử lý với cấp có thẩm quyền; đồng thời, cho phép quyết toán theo báo cáo của chủ đầu tư.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu các đơn vị ưu tiên bố trí kế hoạch vốn để thanh toán hết cho các dự án đã được phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành. Bố trí kế hoạch vốn để thanh toán chi phí kiểm toán, chi phí thẩm tra và phê duyệt quyết toán.
Công khai, thông báo tới chủ sở hữu dự án chậm quyết toán
Theo yêu cầu của Bộ Tài chính, UBND các cấp chỉ đạo công tác thanh tra tập trung vào các dự án đầu tư chậm lập báo cáo quyết toán, chậm phê duyệt quyết toán theo quy định; chỉ đạo việc kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư, tổ chức tư vấn đầu tư và xây dựng, các nhà thầu trong việc chấp hành quy định về nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán khối lượng hoàn thành, lập hồ sơ quyết toán hợp đồng và quyết toán dự án hoàn thành theo đúng quy định hiện hành của nhà nước. Cùng với đó, phải thực hiện nghiêm chế tài xử lý vi phạm theo quy định.
Trong các biện pháp được Bộ Tài chính đưa ra, Bộ cũng yêu cầu cơ quan thẩm tra quyết toán, cán bộ trực tiếp thẩm tra quyết toán phải chịu trách nhiệm tuân thủ trình tự, nội dung các bước thẩm tra theo quy định của Bộ Tài chính.
Nhà thầu kiểm toán độc lập, kiểm toán viên chịu trách nhiệm về nội dung và tính đúng đắn của số liệu trong Báo cáo kết quả kiểm toán dự án hoàn thành trên cơ sở hồ sơ quyết toán do chủ đầu tư cung cấp.
Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan Trung ương của các đoàn thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tập trung chỉ đạo giải quyết những vấn đề tồn đọng, vướng mắc trong công tác quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành thuộc phạm vi quản lý. Trường hợp cần thiết, thành lập Hội đồng giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành.
Theo Vụ Đầu tư, với đích đến là sang năm 2015 sẽ chấm dứt được tình trạng nợ đọng quyết toán, vì thế, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục sử dụng các biện pháp mạnh.
Trong đó, sẽ công bố công khai tiến độ triển khai quyết toán dự án hoàn thành của các bộ, ngành, địa phương, đồng thời nêu rõ số dự án quá thời hạn quyết toán gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan Trung ương của các đoàn thể và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương./.