Thực tế hiện nay các khoản bổ sung có mục tiêu (vốn đầu tư) hằng năm tăng nhanh và có xu hướng lớn hơn số chi đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương.
Có dự án NSTW bổ sung cho NSĐP thực hiện ở mức rất thấp dẫn tới mất tính chủ động cho NSĐP. Địa phương thì trông chờ ỷ lại ngân sách cấp trên; đồng thời, NSTW không có nguồn để tập trung đầu tư các công trình, dự án lớn thuộc nhiệm vụ của NSTW.
Để khắc phục tình trạng hiện nay và đảm bảo tính chủ động của NSĐP, Bộ Tài chính cho biết, dự án Luật NSNN (sửa đổi) đã quy định cụ thể những nhiệm vụ được ngân sách cấp trên bổ sung có mục tiêu:
Thực hiện các chính sách, chế độ mới do cấp trên ban hành chưa được bố trí trong dự toán của thời kỳ ổn định ngân sách;
Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác của cấp trên, phần giao cho cấp dưới thực hiện;
Hỗ trợ chi khắc phục thiên tai, thảm họa, dịch bệnh trên diện rộng vượt quá khả năng cân đối của ngân sách cấp dưới;
Hỗ trợ thực hiện một số chương trình, dự án lớn, đặc biệt quan trọng có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của cấp dưới, đã được ngân sách cấp dưới bố trí dự toán chi ngân sách nhưng còn thiếu nguồn.
Mức hỗ trợ hàng năm của NSTW cho NSĐP tối đa không vượt quá 30% tổng chi đầu tư xây dựng cơ bản của NSTW.
Bên cạnh đó, để khuyến khích chính quyền cấp huyện, xã trong việc chủ động, tích cực thu NSNN trên địa bàn, dự thảo Luật NSNN cũng quy định: UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quy định việc thưởng thu so dự toán từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách các cấp ở địa phương.
Thực tế, Luật NSNN hiện hành chưa có quy định về việc thưởng vượt thu so dự toán từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách các cấp ở địa phương, mà mới chỉ quy định NSTW thưởng NSĐP trong trường hợp số tăng thu NSTW so với dự toán từ các khoản thu phân chia giữa NSTW với NSĐP./.