Nhiều kiến nghị “nóng” từ các địa phương
Liên quan đến chính sách, nhiều ý kiến cho rằng Nghị định 15/2013/NĐ-CP quy định tất cả các dự án đầu tư xây dựng phải được cơ quan chuyên ngành thẩm tra thiết kế. Nhưng thực tế việc thẩm tra của cơ quan có thẩm quyền đối với dự án đầu tư xây dựng còn quá lâu, thường kéo dài thời gian hơn nhiều so với thời gian quy định, dẫn đến không đảm bảo đủ hồ sơ để thanh toán vốn tại Kho bạc nhà nước (KBNN).
Về vấn đề này, ông Trương Đăng Phước - Giám đốc KBNN tỉnh Gia Lai, địa phương nằm trong nhóm 25 tỉnh thành có tỷ lệ giải ngân vốn NSNN và vốn TPCP thấp - cho biết: “Nghị định 15 yêu cầu các chủ đầu tư phải gửi hồ sơ thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công đến sở chuyên ngành để thẩm tra, thời gian phải chờ đợi thẩm tra này quá dài đã làm chậm trễ việc hoàn tất thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án”.
 |
Các đại biểu phát biểu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: MN.
|
Về vấn đề bảo lãnh hợp đồng, theo quy định của Nghị định 207/2013/NĐ-CP thì các dự án xây dựng cơ bản bắt buộc phải có bảo lãnh tạm ứng hợp đồng, số tiền bảo lãnh tạm ứng hợp đồng phải tương đương với khoản tiền tạm ứng, thời gian bảo lãnh tạm ứng được kéo dài cho đến khi bên giao thầu đã thu hồi hết số tiền tạm ứng.
Đại diện nhiều địa phương cho rằng, quy định như vậy là quá cứng nhắc, đề nghị Bộ Tài chính cho phép những dự án nhỏ không bắt buộc phải có bảo lãnh hợp đồng.
Liên quan đến nguồn vốn TPCP, do được phân bổ làm nhiều đợt, nhất là phân bổ vốn TPCP đối ứng cho các dự án ODA, nên việc bố trí các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới gặp rất nhiều khó khăn, làm ảnh hưởng đến giải ngân vốn.
Ông Trương Hải Phương - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Long đề nghị, nên cấp sớm và tập trung thành một đợt để tỉnh có thể đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho các dự án này.
Các vấn đề khác như: tiến độ giải phóng mặt bằng, năng lực của chủ đầu tư yếu kém, một số dự án do còn tồn đọng khối lượng hoàn thành từ những năm trước, nên đầu năm vẫn thực hiện thanh toán để hoàn ứng nên chưa thanh toán vốn giao trong năm… cũng là những nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân vốn chậm. Do đó cần phải tập trung tháo gỡ những vướng mắc này thì mới có thể đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn.
Phải "tháo đúng chỗ vướng"
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Phạm Đức Hồng - Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho biết, có 3 vấn đề cần chú ý, thứ nhất là đến 30/6/2014 nếu địa phương chưa phân bổ, hoặc phân bổ rồi mà chưa triển khai thì yêu cầu Sở Kế hoạch Đầu tư và Sở Tài chính rà soát lại, báo cáo Bộ Tài chính để có phương án kịp thời.
Vấn đề thứ hai là sẽ không kéo dài thời gian giải ngân mà thực hiện theo đúng quy định tại Chỉ thị 25. Thứ ba, đến thời điểm 31/10/2014, những dự án đã được tháo gỡ nhưng vẫn không giải ngân được, ví như các dự án di dân, thì đề nghị các địa phương báo cáo Bộ Tài chính để Bộ trình Chính phủ có phương án giải quyết.
Liên quan đến những vướng mắc về thẩm tra thiết kế của các cơ quan chuyên môn đối với dự án đầu tư xây dựng cơ bản, cụ thể là Nghị định 15 và Thông tư 10 về quản lý chất lượng công trình xây dựng, ông Hồng cho biết, mặc dù nhiều địa phương kêu khó, nhưng đến nay chưa có tỉnh nào có văn bản đề nghị tháo gỡ việc này.
"Như vậy thì Bộ Tài chính không thể biết để có phương án tháo gỡ kịp thời được. Tuy nhiên, sau hội nghị này, Vụ Đầu tư sẽ có văn bản tập hợp ý kiến từ các địa phương lên lãnh đạo Bộ để có phương án giải quyết", ông Hồng nhấn mạnh.
Cũng tại hội nghị, ông Hồng yêu cầu các địa phương phải chấn chỉnh lại hoạt động tư vấn giám sát. Qua đó, đề nghị các cơ quan chuyên môn rà soát, nếu thấy cần phải tăng cường nhân lực cho bộ phận giám sát các dự án XDCB thì đề nghị UBND tăng cường nhân lực cho bộ phận này để đẩy nhanh tiến độ thẩm định nhanh hồ sơ.
"Chúng ta phải tháo đúng chỗ vướng, chứ như hiện nay thì không thể đẩy nhanh được tiến độ giải ngân…”, ông Hồng nói.
Về năng lực tài chính của nhà thầu, ông Hồng cho rằng đây là vấn đề rất quan trọng, quyết định tiến độ giải ngân vốn. “Hiện nay nhiều doanh nghiệp không có năng lực về tài chính. Do đó khi đấu thầu, chỉ định thầu thì phải có sự nghiên cứu kỹ. Nếu cần thiết thì đề nghị thay nhà thầu”, ông Hồng đề nghị
Cuối cùng, lãnh đạo Vụ Đầu tư đề nghị các sở Tài chính, Kế hoạch Đầu tư nên tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức các buổi hội nghị đối thoại giữa chủ đầu tư và nhà thầu để tháo gỡ những vướng mắc.
“Nếu thấy cần thiết phải có mặt của Vụ Đầu tư, thì các địa phương cho ý kiến, chúng tôi sẽ tham dự. Những vấn đề gì thuộc thẩm quyền của chúng tôi, chúng tôi sẽ giải quyết ngay”, ông Hồng khẳng định.