Đây là thông tin được Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính - Bộ Tài chính Võ Anh Trung đã chia sẻ với Phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam.
PV: Mục tiêu xây dựng Hệ thống thông tin quản lý tài chính Chính phủ (GFMIS) của ngành Tài chính theo hướng nào thưa ông?
Ông Võ Anh Trung: GFMIS được xây dựng với quan điểm là hệ thống thông tin “xương sống” của ngành Tài chính. Việc xây dựng GFMIS dự trên 3 mục tiêu cơ bản, bao gồm: Xây dựng đồng bộ hệ thống văn bản, thủ tục hành chính, đơn giản hóa và công khai quy trình, thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính; thứ đến, tiếp tục thực hiện đại hóa nền tài chính quốc gia với trọng tâm là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong toàn bộ quy trình quản lý tài chính công, từ công tác lập kế hoạch ngân sách đến thực hiện, kế hoạch, kế toán, báo cáo, kiểm toán và giám sát; mục tiêu tiếp theo là tích hợp, đồng bộ các hệ thống thông tin tài chính. Hình thành một tập hợp hệ thống ứng dụng quản lý tài chính công được kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin dữ liệu dùng chung cho toàn Chính phủ.

|
Ông Võ Anh Trung
|
PV: Thời gian qua, Bộ Tài chính nói riêng, ngành Tài chính nói chung đã đạt được những kết quả nhất định khi ứng dụng CNTT vào quản lý ngân sách. Vậy, việc xây dựng GFMIS có dựa trên nền tảng những ứng dụng đã triển khai không, thưa ông?
Ông Võ Anh Trung: Việc xây dựng GFMIS có 2 mô hình chính. Một là xây dựng hệ thống thay thế; hai là mô hình xây dựng hệ thống kế thừa.
Ở mô hình thứ nhất sẽ xây dựng nên một hệ thống thay thế toàn bộ các hệ thống đã có và phát triển theo từng bước. Mô hình này chỉ các nước đã rất phát triển mới có thể làm được.
Còn mô hình thứ 2 chính là GFMIS phải được đầu tư xây dựng mang tính kế thừa, tích hợp hệ thống đã có. Đây là mô hình mà hầu hết các hệ thống tài chính Chính phủ đang được các nhà tài trợ áp dụng, trong đó có Ngân hàng Thế giới. Chính phủ Việt Nam đang đề xuất lựa chọn mô hình thứ hai này, tức là kế thừa mô hình quản lý và phải bảo toàn được các khoản đầu tư về tài chính và kế thừa kết quả đã đạt được của các phần mềm ứng dụng cốt lõi hiện có chẳng hạn như: Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc, kết nối với hệ thống quản lý thuế tập trung, hệ thống thông quan tự động và cơ chế một cửa quốc gia (VNACCS/VCIS), hệ thống thông tin quản lý nợ (DMFAS)...
PV: Với những đặc thù của hệ thống ngân sách của Việt Nam, trong quá trình xây dựng GFMIS, dự án gặp phải những khó khăn, hạn chế nào, thưa ông?
Ông Võ Anh Trung: Theo tôi, các dự án vẫn chưa bao quát hết các lĩnh vực có yêu cầu hiện đại hóa của nền tài chính công Việt Nam, còn nhiều chức năng trong chu trình quản lý tài chính công chưa thực hiện ứng dụng CNTT, chẳng hạn như: Lập ngân sách, quản lý chi đầu tư công, quản lý nợ chính quyền địa phương, nợ trong nước,… hay trong lĩnh vực quản lý tài sản công cũng chỉ mới thực hiện ứng dụng CNTT ở quản lý tài sản ở đơn vị hành chính sự nghiệp, quản lý tài sản khi đã hình thành, chứ chưa theo dõi từ khâu đăng ký tài sản mua sắm,…
Ngoài ra, việc quản lý tài chính ở nước có rất nhiều đặc thù gắn với đặc thù về tổ chức và chính quyền của Việt Nam. Hiện ngân sách của Việt Nam là ngân sách lồng ghép xuất phát từ mô hình tổ chức Việt Nam, là không có chính quyền địa phương mang tính độc lập như ở các nước phát triển (có chính quyền bang, chính quyền liên bang với ngân sách độc lập và mục tiêu, nhiệm vụ riêng cho thực hiện). Do vậy rất khó khi triển khai GFMIS, vì phải đáp ứng được yêu cầu của 4 cấp ngân sách.
Đơn cử như trước đây, khi chúng ta áp dụng mô hình ngân sách phân tán thì các hệ thống ở bên dưới có thể đáp ứng được nhu cầu điều chỉnh của địa phương, nhưng hiện nay khi triển khai mô hình ngân sách tập trung thì các địa phương phải triển khai tuân thủ theo một quy trình nghiệp vụ chung,… do vậy các địa phương phải “hy sinh” một số yêu cầu đặc thù của mình để có một hệ thống thông tin thông suốt, chính xác.
Ngoài ra, các dự án hiện đại hóa đang được triển khai theo từng lĩnh vực nghiệp vụ, do vậy cần thiết phải xây dựng được một kiến trúc tổng thể toàn ngành Tài chính để làm sao có thể xây dựng, phát triển thành một hệ thống có thể tích hợp được, hoạt động lâu dài và hướng được đến các nội dung như ngân sách mở, phục vụ tốt hơn tới người dân, doanh nghiệp.
Một hạn chế nữa là, việc ứng dụng CNTT vẫn đang tập trung vào phục vụ các nghiệp vụ giao dịch hàng ngày, chưa có một cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính như: Khả năng cung cấp thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, phân tích; công khai thông tin hạn chế (báo cáo tài khóa, báo cáo đánh giá, kiểm toán,…).
PV: Vậy làm thế nào để triển khai hiệu quả GFMIS, thưa ông?
Ông Võ Anh Trung: Theo tôi, chúng ta cần có sự chuẩn bị tốt, bước đi phù hợp. Việc triển khai GFMIS đòi hỏi sự quyết tâm chính trị cao, đồng thời tranh thủ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo.
PV: Xin cảm ơn ông!