Ngày 2/10, UBTVQH đã cho ý kiến về dự thảo Luật NSNN (sửa đổi). Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày dự thảo Luật với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng nhằm quản lý NSNN thống nhất, chặt chẽ, hiệu quả, cân đối tích cực trong phạm vi an toàn, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.
Sửa đổi cách tính bội chi phù hợp thông lệ quốc tế
Về phạm vi, dự thảo đã bổ sung quy định với các khoản thu phí, lệ phí sẽ phải nộp 100% vào NSNN trừ các khoản phí ở các đơn vị sự nghiệp công lập hoặc DNNN thu, thì các đơn vị này được phép trích lại một phần hoặc toàn bộ. Đối với khoản thu từ hoạt động xổ số kiến thiết (XSKT), dự thảo Luật quy định đưa khoản thu từ hoạt động XSKT vào cân đối ngân sách để đầu tư cho các công trình phúc lợi xã hội.
Về bội chi NSNN, để tránh phản ánh hai lần với khoản chi trả nợ gốc và vay bù đắp chênh lệch thu chi khiến mức bội chi cao hơn thông lệ quốc tế, dự thảo quy định chi NSTW chỉ bao gồm chi trả nợ lãi, còn chi trả nợ gốc được bù trừ từ các khoản vay mới và thể hiện chênh lệch vào phần bù đắp bội chi.
Về mức huy động vốn của ngân sách cấp tỉnh, để tạo điều kiện cho các địa phương chủ động hơn trong việc huy động nguồn vốn, dự thảo luật quy định nâng mức dư nợ huy động của địa phương. Cụ thể: Hà Nội, TP.HCM, mức dư nợ nguồn vốn huy động không vượt quá 150% vốn đầu tư XDCB trong nước hàng năm của ngân sách cấp tỉnh; với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có tỷ lệ phần trăm với các khoản thu về NSTW, mức dư nợ không quá 100%; với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhận số bổ sung cân đối từ NSTW, mức dư nợ không quá 50%.
Tăng cường giám sát, công khai ngân sách
Trong thời kỳ ổn định ngân sách, dự thảo quy định nếu phát sinh nguồn thu mới làm NSĐP tăng thu lớn thì số tăng thu phải nộp về ngân sách cấp trên và sẽ bổ sung có mục tiêu một phần cho ngân sách cấp dưới có phát sinh nguồn thu này. Dự thảo cũng bổ sung một số quy định về cân đối từ NSTW cho NSĐP trong kỳ ổn định ngân sách, cơ chế hỗ trợ hụt cho NSĐP để hoàn thiện cơ sở pháp lý.
Để hạn chế những bất cập của quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự thảo quy định: NSNN không cấp hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, trường hợp NSNN cấp thì phải phù hợp với khả năng của NSNN và quỹ đó có đủ các điều kiện theo luật.
Về công khai và giám sát NSNN, dự thảo bổ sung quy định các cấp ngân sách và các đơn vị sử dụng ngân sách có trách nhiệm công khai tình hình thực hiện dự toán ngân sách; khi công khai phải kèm theo báo cáo thuyết minh; công khai kết quả thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước; công khai các thủ tục NSNN; giám sát thực hiện NSNN của cộng đồng.
Tuân thủ Hiến pháp 2013, dự thảo Luật quy định Quốc hội quyết định chính sách cơ bản về tài chính, gồm: Quốc hội quyết định chính sách động viên thu vào ngân sách, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, người có công với cách mạng ; mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ chính phủ; định hướng kế hoạch tài chính - NSNN trung hạn; tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu phân chia giữa NSTW và ngân sách từng địa phương.
Làm rõ thẩm quyền quyết định ngân sách
Tại báo cáo thẩm tra, các ý kiến của Ủy ban Tài chính Ngân sách (UBTCNS) thống nhất với nhiều quy định sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật, như quy định về phạm vi thu, chi, bội chi ngân sách, nguồn thu NSTW và NSĐP, mức huy động vốn của địa phương…
UBTCNS cũng đề nghị làm rõ NSNN là thống nhất, có phân cấp quản lý và bảo đảm vai trò chủ đạo của NSTW, thể hiện rõ nhiệm vụ chi của NSTW gắn với nhiệm vụ chi Quốc gia. Phân cấp rõ chức năng, nhiệm vụ gắn liền với phân cấp ngân sách giữa Trung ương và địa phương, theo đó, xác định rõ phạm vi nhiệm vụ của Quốc hội và HĐND trong việc quyết định dự toán NSNN.
Tại phiên họp, các thành viên UBTVQH đã tán thành nhiều sửa đổi cơ bản của dự thảo Luật, đồng thời đóng góp các ý kiến để hoàn thiện dự thảo luật. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đánh giá dự án Luật được chuẩn bị chu đáo, bám sát Hiến pháp, tổng kết việc thi hành Luật NSNN để sửa đổi, bổ sung. Chủ nhiệm Phan Trung Lý đề nghị Luật sửa đổi phải khắc phục được những tồn tại hiện nay trong lập, quản lý và sử dụng NSNN, làm cho NSNN được quản lý tập trung, công khai, minh bạch, hiệu quả.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng dự án luật lần này đã góp phần phân bổ nguồn lực trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá tờ trình của Chính phủ đã nêu rõ bất cập của Luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu phải cụ thể hoá quy định của Hiến pháp.