Mỗi đơn vị một khó khăn riêng
Tính đến hết tháng 9/2014, số vốn giải ngân qua Kho bạc nhà nước (KBNN) đạt gần 64% so với kế hoạch vốn năm 2014. Như vậy, trong những tháng cuối năm, số vốn cần giải ngân là rất lớn. Tại cuộc tọa đàm, đại diện đến từ các bộ ngành, địa phương, các chủ đầu tư đều đánh giá cao sự phối hợp nhịp nhàng giữa đơn vị với KBNN để giải ngân các nguồn vốn.
Tuy nhiên, với trên 184.348 tỷ đồng (bao gồm cả số vốn tạm ứng) được giải ngân qua KBNN trong 9 tháng qua, đạt 63,9% so với kế hoạch vốn năm 2014, thì việc thanh toán vốn đầu tư đang thực sự gặp nhiều vấn đề.
Ngoài 7 nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ thanh toán chưa cao như: vướng ở các cơ chế, chính sách; chủ đầu tư và nhà thầu tập trung thanh toán kế hoạch vốn năm 2013 kéo dài; công tác giải phóng mặt bằng chậm; bổ sung vốn trái phiếu chính phủ chậm; ảnh hưởng khách quan do thời tiết;… thì mỗi đơn vị lại nêu ra những vướng mắc, khó khăn riêng.
Đại diện đến từ Ban quản lý dự án (BQLDA) thoát nước thuộc Sở xây dựng Hà Nội cho biết, đơn vị được UBND thành phố Hà Nội giao quản lý các dự án từ cả 2 nguồn vốn trong nước và ODA. Đối với nguồn vốn ODA, 1 số gói thầu của dự án do nhà thầu nước ngoài tham gia thực hiện.
Trong quá trình giải ngân, do phải thực hiện hài hòa các thủ tục giải ngân cũng như các mẫu biểu thanh toán theo quy định của cả 2 phía Việt Nam và nhà tài trợ đã làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của dự án. Việc giải thích, yêu cầu các nhà thầu nước ngoài thực hiện các thủ tục này cũng gây ra nhiều khó khăn cho công tác giải ngân. Chẳng hạn như cập nhật vào Bảng xác định giá trị khối lượng công việc hoàn thành, bảng xác định giá trị khối lượng phát sinh.
Đại diện đến từ BQLDA đường Hồ Chí Minh, thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) lại đưa ra vướng mắc đối với công tác thông báo kế hoạch vốn. Theo đó, trong thời gian trước đây, sau khi có thông báo chi tiết kế hoạch vốn hoặc điều chỉnh kế hoạch vốn của Bộ GTVT, KBNN thông báo kế hoạch vốn bằng văn bản tới các KBNN liên quan là đủ điều kiện để làm thủ tục giải ngân. Nhưng nay lại không như vậy, để đủ điều kiện giải ngân, khi có thông báo chi tiết kế hoạch vốn hoặc điều chỉnh kế hoạch vốn, Bộ GTVT nhập Tabmis (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc), Bộ Tài chính phê duyệt và KBNN trung ương thông báo kế hoạch vốn bằng văn bản tới các KBNN liên quan. Vì vậy, từ khi thông báo kế hoạch vốn đến khi thanh toán được cho nhà thầu phải mất thời gian từ 1- 2 tuần, kéo theo công tác giải ngân cũng chậm theo….
Ngoài ra, các ý kiến cũng tập trung vào các vướng mắc ở việc bảo lãnh tạm ứng hợp đồng và thu hồi tạm ứng hoặc đối với nghiệp vụ kiểm soát cam kết chi.
Đại diện Ban QLDA Đường Hồ Chí Minh cho rằng, tạm thời chưa nên sử dụng cam kết chi vì mất nhiều thời gian hơn. Cụ thể, tiến độ chi tiết dự án thường không như dự kiến ban đầu do phụ thuộc vào nhiều yếu tố (mặt bằng, thời tiết, năng lực các nhà thầu không đồng đều...). Với những lý do này, cam kết chi cũng thường xuyên phải điều chỉnh cho phù hợp với tiến độ thi công thưc tế, để kịp thời thanh toán cho các nhà thầu (trên nguyên tắc ưu tiên những nhà thầu thi công đáp ứng tiến độ).
Theo quy định của KBNN, việc điều chỉnh cam kết chi chỉ được thực hiện khi có kế hoạch tăng hoặc giảm, sau đó phải đối chiếu với KBNN. Tuy nhiên, trong một dự án có nhiều nhà thầu thì việc đối chiếu mất rất nhiều thời gian dẫn đến công tác giải ngân chậm.
Không thể để "vốn chờ công trình"
Ông Phạm Đức Hồng, Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cho biết, với các vướng mắc trong việc thanh toán vốn đầu tư cần phải tìm ra nguyên nhân tại đâu để xử lý cho đúng. Tuy nhiên, theo ông, qua thực tế kiểm tra tại nhiều bộ, ngành, địa phương, vướng mắc lớn nhất nằm ở năng lực yếu kém của chủ đầu tư và nhà thầu. "Vì vậy, các chủ đầu tư cần mạnh dạn thay nhà thầu nếu nhà thầu đó không đủ năng lực, bởi vì không thể để vốn chờ công trình", ông Hồng kiến nghị.
Bên cạnh đó, ông Hồng cũng đề nghị KBNN cần có chế tài thật mạnh để xử phạt việc thu hồi tạm ứng, tránh để nợ đọng tạm ứng kéo dài ảnh hưởng đến nguồn vốn NSNN. Đồng thời, “cần có văn bản gửi Bộ Xây dựng để giải quyết, chứ không thể chỉ dừng ở việc kêu mồm”, ông nói.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn XDCB trong những tháng còn lại, KBNN cũng đề xuất một số giải pháp. Theo đó, KBNN đề nghị Vụ Đầu tư xem xét, nghiên cứu đối với những dự án, công trình được bố trí kế hoạch vốn để hoàn thành trong năm 2014, sang năm 2015 không bố trí kế hoạch vốn nữa thì cho phép tạm ứng chi phí kiểm toán (nếu có), chi phí thẩm tra, phê duyệt quyết toán hoàn thành theo dự toán chi phí được duyệt trong phạm vi tỷ lệ quy định; Cho phép các công trình XDCB do người dân tự làm không phải thực hiện bảo lãnh tạm ứng….
Đối với các bộ, ngành, địa phương cần tổ chức rà soát, điều chỉnh giảm vốn từ những dự án triển khai chậm, dự án không có khả năng thực hiện hoặc thực hiện không hết kế hoạch vốn năm 2014 để bổ sung kế hoạch cho các dự án có khối lượng lớn hơn, đã hoàn thành chờ vốn thanh toán…
Đối với các chủ đầu tư cần thực hiện kịp thời, đầy đủ các quy định về quản lý vốn đầu tư từ nguồn vốn NSNN và vốn TPCP tại các quy định hiện hành. Đồng thời, đôn đốc, giám sát nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công công trình; Tổ chức nghiệm thu ngay khi dự án, công trình có khối lượng hoàn thành.
Ông Nguyễn Việt Hồng, Phó Tổng Giám đốc KBNN cũng cho biết, về phía KBNN các cấp sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, chủ đầu tư, các sở, ban, ngành… để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc.
KBNN kiên quyết từi chối các khoản chi không đúng chế độ, không có trong định mức, tiêu chuẩn.
Đặc biệt, KBNN tỉnh, thành phố phải thực hiện nghiêm túc các quy định về công khai quy trình, hồ sơ và thời gian kiểm soát thanh toán; hướng dẫn tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư khi đến giao dịch tại KBNN.
KBNN sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác kiểm soát thanh toán theo nguyên tắc “Thanh toán trước, kiểm soát sau” và kiên quyết xử lý các cán bộ vi phạm quy định của hệ thống KBNN, có hành vi gây sách nhiễu, hách dịch đối với đơn vị.