Thôn tin tại buổi họp báo quý III/2014 của Bộ GTVT tổ chức chiều 7/10, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, tổng mức đầu tư của dự án duyệt bằng tiền VNĐ trong khi vay ngoại tệ bằng các đồng tiền khác nhau như: ký hiệp định vay vốn ODA Nhật Bản là dùng đồng yên, ký hiệp định ADB thì dùng đồng SDR (đồng tiền trung bình của các loại đồng tiền)..., do đó, khi tỷ giá thay đổi thì sẽ có trượt giá.
Bổ sung thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường chia sẻ, các dự án đường sắt đều dùng vốn ODA, từ khi lập dự án nghiên cứu tiền khả thi (FS) đến thực hiện dự án mất 4 - 6 năm. Có dự án phê duyệt từ năm 2005, thậm chí từ năm 2003 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện. Đơn cử như Hà Nội có dự án sau 11 năm đến giờ chưa thực hiện mà mới chỉ nằm trên giấy, nếu bây giờ thực hiện thì tổng mức đầu tư sẽ tăng gấp đôi.
Còn tại Dự án đang được quan tâm là Cát Linh - Hà Đông thì phê duyệt từ năm 2005, khi đó, đoàn tàu Trung Quốc mới là thế hệ thứ nhất, nhưng giờ, tàu đưa vào dự án là thế hệ thứ năm, công nghệ thay đổi dẫn đến giá chắc chắn là khác.
“Chỉ có bắt tay vào làm thì mới biết việc tăng đó không phải do sai phạm trong tổ chức dự án mà đây là vấn đề rất khách quan”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chia sẻ./.
Về nghi án nhận hối lộ 80 triệu yên (khoảng 16,5 tỷ đồng) từ Công ty tư vấn giám sát giao thông vận tải Nhật Bản (JTC), báo chí Nhật Bản đưa tin rằng, Nhật Bản bắt đầu phiên tòa xét xử lãnh đạo JTC. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, Bộ GTVT chưa nhận được thông tin chính thức nào về nội dung này. Thông thường, thông tin tiếp nhận qua kênh ngoại giao nhưng hiện vẫn chưa có thông tin chính thức từ Đại sứ quán hay Bộ Ngoại giao về vụ việc này. Còn việc xử lý các cá nhân đang tạm giữ là trách nhiệm của cơ quan Công an.
|