Tai buổi tiếp, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chúc mừng quan hệ hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng phát triển sâu rộng. Nhật Bản là đối tác hàng đầu đối với Việt Nam, là nhà tài trợ vốn vay ODA lớn nhất với tổng số vốn cam kết từ năm 1993 đến nay lên đến hơn 21 tỷ USD. Nhật Bản cũng là nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam, tính đến hết tháng 7/2014.
Thông báo về tình hình kinh tế Việt Nam trong giai đoạn này, Bộ trưởng cho biết, tính đến hết tháng 10/2014, kinh tế vĩ mô ổn định, phục hồi trên nhiều khía cạnh như: sản xuất công nghiệp tăng 6,9%; tiêu dùng trong nước được cải thiện, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 6,4%, hai chỉ số này đều cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu 10 tháng tăng trưởng khả quan với mức tăng 13,4%, thặng dư thương mại đạt 1,9 tỷ USD.
"Đặc biệt đầu tháng 11/2014, Tổ chức xếp hạng Fitch đã công bố nâng xếp hạng nợ tiền đồng và ngoại tệ dài hạn của Việt Nam từ B+ lên BB- và đánh giá triển vọng kinh tế của Việt Nam là ổn định. Ngay sau công bố xếp hạng của Fitch, Bộ Tài chính đã phát hành thành công 1 tỷ Đô la Mỹ trái phiếu ra thị trường quốc tế", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.
Vì vậy, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, Bộ Tài chính Việt Nam rất trân trọng và đánh giá cao hỗ trợ của Nhật Bản và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đối với Việt Nam nói chung và đặc biệt đối với Bộ Tài chính nói riêng trong những năm qua.
Hiện nay, nợ công đang là vấn đề được chú ý và quan tâm. Bộ Tài chính, với tư cách là cơ quan quản lý về tài chính, với sự hỗ trợ phối hợp của JICA đã thực hiện tốt chức năng được giao. Cụ thể, JICA đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong tất cả các khâu để quản lý tốt quy mô, hiệu quả dự án; ủng hộ Bộ Tài chính trong kiến nghị tăng cường cơ chế cho vay lại để tăng tính tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm; phối hợp tháo gỡ các vướng mắc còn tồn tại từ khâu xây dựng, thẩm định dự án đầu tư, ký kết hợp đồng vay cho đến đấu thầu, ký kết, sửa đổi điều khoản thanh toán hợp đồng...
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị JICA ủng hộ và báo cáo Chính phủ Nhật Bản về việc xem xét tăng hạn mức vay hỗ trợ ngân sách trực tiếp cho Việt Nam, trong đó có nội dung đề xuất của Bộ Tài chính Việt Nam về khoản vay hỗ trợ ngân sách trực tiếp năm tài khóa 2015 nhằm mục tiêu tái cơ cấu nợ chính phủ.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề nghị xóa bỏ phí thu xếp vốn các khoản vay ODA Nhật Bản. Trước mắt nếu chưa xóa bỏ được hoàn toàn thì Bộ Tài chính đề nghị JICA xóa bỏ khoản phí này đối với các khoản vay bằng hỗ trợ ngân sách theo chương trình như các khoản vay cho Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC), Hỗ trợ quản lý kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh (EMCC).
Đồng thời, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng đề nghị Nhật Bản xem xét tiếp tục hỗ trợ với 3 Dự án của ngành Tài chính, đó là: Xây dựng Dự án Hệ thống thông quan hàng hóa tự động (VNACCS/VCIS) toàn diện và có tính tổng thể hơn (giai đoạn 2) cho Việt Nam nhằm đảm bảo hiệu quả quản lý cho Hải quan một cách đầy đủ và bao quát hơn đối với mọi loại hình đối tượng tham gia;
Dự án Tăng cường năng lực quản lý tài chính doanh nghiệp triển khai tái cấu trúc DNNN, tiếp tục đề xuất Nhật Bản hỗ trợ thực hiện Dự án hiệu quả và đảm bảo đúng tiến độ;
Dự án Cải cách hành chính thuế giai đoạn 4, đề nghị JICA xem xét phối hợp với Tổng cục Thuế đẩy nhanh hoàn tất các thủ tục tiếp nhận và triển khai dự án.
Bộ Tài chính cũng đề xuất Nhật Bản cân nhắc tham gia Chương trình hỗ trợ Bộ Tài chính thúc đẩy các cải cách quản lý tài chính công quan trọng bằng các khoản ODA không hoàn lại do Ngân hàng thế giới (WB) và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) đang được xây dựng.
Ông Hideaki Domichi đã ghi nhận kết quả hợp tác giữa JICA và Bộ Tài chính, đồng thời khẳng định các cán bộ của JICA sẽ tiếp tục nhiệt tâm, tận tụy đối với sự nghiệp tăng cường năng lực quản lý của Bộ Tài chính và công cuộc phát triển bền vững của Việt Nam.
Đề cập xem xét tăng hạn mức vay hỗ trợ ngân sách trực tiếp cho Việt Nam, ông Hideaki Domichi khẳng định JICA sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính Việt Nam, và cử các đoàn công tác sang làm việc cụ thể hơn về vấn đề này.