Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế - Bộ Tài chính Đặng Công Khôi khẳng định như vậy tại buổi Tọa đàm về kỹ năng, nghiệp vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và nâng cao chất lượng cung cấp thông tin pháp luật tài chính trên các báo, tạp chí ngành Tài chính, diễn ra sáng ngày 19/11.
Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được đánh giá là một trong những khâu quan trọng trong quy trình xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, qua đó sẽ cung cấp kịp thời thông tin pháp lý cho doanh nghiệp, phổ biến, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp, đồng thời giải đáp vướng mắc pháp luật cho doanh nghiệp.
Xuất phát từ thực tiễn này, tại Bộ Tài chính công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được Lãnh đạo Bộ và các Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ xác định là nhiệm vụ thường xuyên và quyết liệt triển khai thực hiện, qua đó giúp doanh nghiệp kịp thời nắm bắt những thông tin pháp luật mới cũng như giải đáp những khó khăn, vướng mắc liên quan đến pháp luật tài chính, nâng cao nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật cho doanh nghiệp theo đúng mục tiêu và yêu cầu đặt ra.
Đặc biệt, để công tác phổ biến pháp luật đạt hiệu quả cao, Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản chỉ thị yêu cầu các báo, tạp chí ngành Tài chính phối kết hợp.
Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua công tác phổ biến pháp luật đã có sự vào cuộc tích cực của các báo, tạp chí trong ngành tài chính. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, hiện các báo, tạp chí ngành tài chính đã thực hiện mở chuyên trang, chuyên mục về thông tin pháp luật tài chính như: Thời báo Tài chính Việt Nam, Tạp chí Thuế Nhà nước…đã mở những chuyên trang về “Chính sách mới, Chính sách nghiệp vụ”; Báo Hải quan đã mở chuyên mục tuyên truyền phổ biến pháp luật tài chính, đặc biệt là tuyên truyền pháp luật về hải quan; để giới thiệu, trao đổi, phân tích những vấn đề liên quan tới chính sách, pháp luật mới của ngành. Từ đó đã đóng góp hiệu quả trong việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật tài chính, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Thạc sĩ, Nhà báo Đậu Huy Sáu, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Báo Điện tử, Thời báo Tài chính Việt Nam cũng cho rằng: Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đem lại lợi ích rất lớn bởi nó là nền tảng để định hướng, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật giúp doanh nghiệp hoạt động và phát triển dựa trên một nển tảng pháp lý ổn định.
Nhận thấy lợi ích đó, với vai trò của mình trong những năm qua, việc tuyên truyền, phổ biến những chính sách pháp luật cho các doanh nghiệp luôn được Thời báo Tài chính Việt Nam chú trọng. Cụ thể trên Thời báo Tài chính Việt Nam điện tử (thoibaotaichinhvietnam.vn), mỗi ngày xuất bản ít nhất 3 tin giới thiệu về chính sách mới trên 2 chuyên mục “Nhịp sống tài chính” và “Thuế với cuộc sống”.
Đặc biệt, trên báo in mỗi ngày có từ 1 đến 2 bài viết giới thiệu về dự án luật mới, hoặc sửa đổi, bổ sung hoặc bàn luận về các cơ chế chính sách tài chính. Ước lượng trung bình mỗi tháng có khoảng 60 bài viết liên quan đến giới thiệu, góp ý kiến về các cơ chế chính sách pháp luật tài chính.
“Tuyên truyền pháp luật không khó song làm thế nào để doanh nghiệp hiểu và nắm rõ thì rất khó. Do đó những chính sách pháp luật không chỉ được Thời báo Tài chính Việt Nam giới thiệu thuần túy dưới dạng các văn bản mà được viết dưới dạng phỏng vấn các lãnh đạo, chuyên gia. Đặc biệt còn có sự phân tích, đánh giá từ các chuyên gia và của chính người trong cuộc để từ đó giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về chính sách” – Thạc sĩ Đậu Huy Sáu nói.
Đánh giá về vai trò của báo chí đối với công tác phổ biến giáo dục pháp luật, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Đặng Công Khôi khẳng định: Thông tin pháp luật tài chính trên các chuyên trang, chuyên mục của các báo, tạo chí đã có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phổ biến, tuyên truyền chính sách pháp luật cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để việc cung cấp đầy đủ, kịp thời, toàn diện thông tin pháp lý có liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì các báo, tạp chí trong ngành cần tập trung hơn nữa vào giới thiệu, khuyến cáo doanh nghiệp thực thi pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt các báo, tạo chí phải nâng cao tính chuyên nghiệp để chủ động đăng tải thông tin pháp luật tài chính, tạo kênh thông tin quan trọng, là cầu nối giúp doanh nghiệp nắm bắt nhanh các chính sách, pháp luật./.