Tình hình thực hiện hội nhập tài chính giai đoạn 2011 - 2014
Theo đánh giá của Vụ Hợp tác quốc tế (HTQT)- Bộ Tài chính, các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia trước đây chủ yếu là thông qua Hiệp định giữa ASEAN và đối tác ngoài ASEAN. Chính vì vậy, quá trình tham gia của Việt Nam trong đàm phán được hình thành dựa trên sự đồng thuận của ASEAN, nên mức độ cam kết của ASEAN có sự dung hòa với các nước có trình độ phát triển thấp hơn trong ASEAN.
Đến giai đoạn hiện nay, thực hiện theo tinh thần của Nghị Quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, về việc chủ động tích cực hội nhập, Việt Nam đã chủ động hơn khi tham gia các hiệp định thương mại song phương (FTA) với Chi lê, Nhật Bản.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang xúc tiến đàm phán ký kết nhiều hiệp định song phương và đa phương quan trọng khác, như Hiệp định Việt Nam – EU, Việt Nam – Liên Minh Hải quan gồm Nga, Bê-la-rút và Ca-dắc-xtan (VCUFTA), Việt Nam – Bốn nước Bắc Âu (EFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và đáng chú ý là Hiệp định Đối tác Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại Việt Nam- Hàn Quốc.
Cùng với mức độ tham gia sâu rộng vào các hiệp định thương mại thì mức cam kết về thuế cũng đòi hỏi có sự cam kết cao tương ứng. Ngay đầu tháng 12/2014, Việt Nam đã cơ bản kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại Việt Nam- Hàn Quốc và Hiệp định thương mại Việt Nam- Liên minh Hải quan.
"Đến thời điểm 2014, cam kết thuế mở cửa thị trường của Việt Nam đã bước vào giai đoạn hội nhập sâu, khi thực hiện song song việc thực hiện các cam kết của các hiệp định thương mại đã ký kết và đàm phán các hiệp định thương mại mới, đồng thời tham gia sâu rộng vào các diễn đàn hợp tác tài chính khu vực và thế giới"- Phó vụ trưởng Vụ HTQT Hà Duy Tùng khẳng định.
Giai đoạn này được đánh giá là giai đoạn trung gian trong cam kết của Việt Nam, sau khoảng thời gian 5 năm đầu tiến hành cải cách, xây dựng chính sách để phù hợp với cam kết. Các chính sách hội nhập nói chung và hội nhập về tài chính nói riêng đã có khoảng thời gian thử nghiệm và hệ thống chính sách cũng dần đi vào ổn định.
Cam kết trong các hiệp định thương mại thường chia ra các mốc thời gian 3, 5, 7, 10 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Đối với các cam kết về dịch vụ tài chính và thuế trong WTO thì thời điểm năm 2012 là mốc sau khi hiệp định có hiệu lực khoảng 5 năm và các cam kết đã gần đi vào ổn định, loại trừ một số ít các lĩnh vực.
Đối với các hiệp định thương mại tự do khác thì cam kết chủ yếu là thuế nhập khẩu vẫn tiếp tục cắt giảm và thời điểm năm 2014 được đánh giá là mốc cuối cùng, trước khi thực hiện mốc cắt giảm sâu hơn trong các FTA.
Ví dụ, mục tiêu của ASEAN là hình thành cộng đồng kinh tế vào năm 2015 nên thời điểm 2015 là mốc thực hiện các cam kết sâu hơn, rõ nét hơn hẳn so với giai đoạn trước đó. Trong năm 2014, tỷ lệ xóa bỏ thuế nhập khẩu về 0% trung bình của các FTA là 37% trong đó tỷ lệ thuế xóa bỏ cao nhất là của ASEAN là 72% và thấp nhất là của Ấn độ là 12,8%. Tuy nhiên, tỷ lệ xóa bỏ thuế giai đoạn 2015 của các FTA tăng đáng kể, đặc biệt là ASEAN khoảng 90% và các FTA khác theo lộ trình cam kết thuế quan.
Đối với mảng hợp tác về tài chính, những kết quả nổi bật giai đoạn 2011- 2014 thể hiện ở các lĩnh vực sau như Bảo lãnh trái phiếu với đợt phát hành trái phiếu với trị giá 100 triệu USD của 1 công ty Việt Nam – Massan Consumer; thúc đẩy lĩnh vực tài trợ cơ sở hạ tầng; tích cực triển khai hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ cho quá trình hoạch định và xây dựng văn bản chính sách.
Ngoài ra, Việt Nam tiếp tục triển khai hợp tác thường niên như: Tham gia tích cực vào Tiến trình Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN và ASEAN+3, APEC và ASEM; Xây dựng báo cáo giám sát kinh tế tài chính ASEAN; Đa phương hoá Sáng kiến Chiềng Mai (CMIM) và Phát triển thị trường trái phiếu châu Á (ABMI).
Định hướng 2015 và sau 2015
Đại diện lãnh đạo Vụ HTQT cho biết: "Hướng tới mục tiêu tổng quát bao gồm phát huy khả năng chủ động, tích cực trong hội nhập và hợp tác tài chính và đóng góp thiết thực trong các diễn đàn hợp tác tài chính đa phương; gắn hợp tác tài chính với công tác hoạch định chính sách trong nước, đem lại lợi ích thiết thực cho quốc gia. Đồng thời gắn kết hơn nữa chính sách tài chính với các hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp thông qua các hoạt động và các kênh để trao đổi thông tin hai chiều."
Sau năm 2015 ta vẫn tiếp tục thực hiện các cam kết theo các hiệp định đã ký kết, kết thúc các đàm phán mới và tiếp tục đàm phán các hiệp định mới.
Như vậy, năm 2015 là mốc thời gian quan trọng đánh dấu mức độ hội nhập sâu khi ASEAN hình thành cộng đồng kinh tế khu vực. Các FTA hoàn thành bước cắt giảm theo các danh mục mặt hàng thông thường; triển khai thực hiện một số hiệp định vừa ký kết nêu trên và gấp rút để đàm phán kết thúc các hiệp định quan trọng khác như: Hiệp định thương mại Việt Nam- EU và Hiệp định TPP.
Các hiệp định thế hệ mới, trong đó có TPP được đặt ra ngay từ khi bắt đầu đàm phán là một hiệp định có tiêu chuẩn cao nên các cam kết đòi hỏi sâu hơn nhiều so với các FTA trước đây. Hơn nữa, Việt Nam là nước đang phát triển và tham gia với tư cách là một thành viên độc lập với các nước ASEAN nên sức ép về mở cửa cũng sẽ tăng nhiều lần. Không chỉ riêng lĩnh vực tài chính mà còn trên nhiều các lĩnh vực đàm phán khác đều yêu cầu phải có những bước tiến và cam kết mạnh để có thể kết thúc đàm phán.
Về cơ bản các hiệp định đang đàm phán đều hướng tới mục tiêu kết thúc đàm phán vào năm 2015 và có thể sẽ thực hiện từ năm 2016/2017. Như vậy, mốc thời gian 2017/2018 sẽ là mốc quan trọng tiếp theo trong tiến trình hội nhập tài chính ở một mức độ sâu hơn nữa, khi các FTA thế hệ mới bắt đầu đi vào thực hiện và các FTA thế hệ cũ bắt đầu xóa bỏ lộ trình thực hiện các nhóm danh mục nhạy cảm.
Ngoài ra, cộng đồng kinh tế ASEAN đã hoàn toàn được hình thành khi các rào cản về thuế cũng như các rào cản về tài chính được xóa bỏ ở mức tối đa.
Giải pháp
Để tận dụng được cơ hội và giảm thiểu các rủi ro từ quá trình hội nhập, các cơ quan nhà nước cần tăng cường tuyên truyền cho các doanh nghiệp về các cam kết của Việt Nam, cũng như cam kết của các đối tác trong các FTA, để các doanh nghiệp tận dụng được các cơ hội và đối phó vượt qua thử thách.
Từ góc độ quản lý ngành, các cơ quan chuyên ngành cần đánh giá, phân loại các nhóm ngành hàng, lĩnh vực bị ảnh hưởng hoặc có lợi thế để có các chính sách phát triển ngành phù hợp. Ngoài ra, việc quy hoạch phát triển ngành công nghiệp và công nghiệp phụ trợ cũng nên tiến hành đồng bộ trên cơ sở tham vấn với các doanh nghiệp để đưa ra các chính sách phù hợp, rõ ràng, nhất quán và minh bạch.
Ngoài ra, cần nâng cấp hơn nữa các điều kiện nội tại của nền kinh tế như cơ sở hạ tầng, cải cách các thủ tục hành chính và các thể chế cơ chế chính sách để thu hút hơn nữa đầu tư cũng như hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất và kinh doanh.
Trong quá trình thực hiện các cam kết sẽ có những thay đổi về mặt chính sách pháp luật, trong đó liên quan đến sự phối hợp của nhiều cơ quan, ban ngành, do vậy cần có sự phối hợp đồng bộ trong việc thực hiện và quản lý. Ngoài ra, các cơ quan nhà nước khi thực hiện cam kết, nếu có vướng mắc từ phía doanh nghiệp có thể áp dụng các biện pháp tự vệ.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng các hình thức hợp tác, đầu tư trong quá trình triển khai tái cơ cấu ngành, tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia và các ngành sản xuất, phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, chính sách phát triển gắn kết mạng sản xuất với chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng quốc tế.
Các cơ quan chức năng phân rõ trách nhiệm trong quản lý ngành, quản lý hàng nhập khẩu và xúc tiến thúc đẩy quảng bá sản phẩm xuất khẩu. Các ngành cần chủ động tích cực tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, góp ý trực tiếp và cung cấp các thông tin cho các cơ quan nhà nước để hoạch định chính sách.