Giao tự chủ một phần tài sản theo cơ chế giao vốn cho DN
Theo đó, Bộ Tài chính đồng ý với đề nghị của Bộ Giao thông Vân tải (GTVT) giao tự chủ tài sản theo cơ chế giao vốn cho DN để thực hiện hoạt động liên kết đào tạo phi công của Dự án thành lập Trung tâm Đào tạo phi công do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) và cho phép HVKHVN tự chủ liên kết với tổ chức quốc tế thực hiện hợp tác đào tạo phi công.
Bộ Tài chính cho biết, phần tài sản đề nghị giao tự chủ cho HVHKVN là tài sản được đầu tư bởi Dự án đào tạo phi công cơ bản do Trường Hàng không Việt Nam (nay là HVHKVN) làm chủ đầu tư từ năm 1994. Nguồn vốn thực hiện là vốn vay ODA do Cộng hòa Pháp tài trợ; tổng mức tài trợ năm 1995 là 30.000.000 FRF Pháp. Đến ngày 31/10/2006, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1749/TTg-QHQT về việc chuyển đổi hình thức từ vốn ODA do Học viện HKVN vay sang vốn do Nhà nước cấp.
Phần tài sản được hình thành từ Dự án Đào tạo phi công, Bộ GTVT đề nghị giao cho Học viện HKVN, gồm: nhà điều hành bay, nhà học lý thuyết, nhà nội trú, nhà tập thể lực, nhà làm việc hành chính với tổng diện tích sàn xây dựng 4.806 m2 được đầu tư trên diện tích đất được 60.145 m2. Nguyên giá nhà, công trình là 18,8 tỷ đồng, giá trị còn lại 15,9 tỷ đồng; máy bay huấn luyện và các thiết bị có tổng nguyên giá là 31,5 tỷ đồng, giá trị còn lại 12,6 tỷ đồng. Tổng cộng nguyên giá 50,3 tỷ đồng, giá trị còn lại 28,5 tỷ đồng; trong đó vốn vay ODA là 31,5 tỷ đồng, NSNN cấp là 18,8 tỷ đồng.
Theo báo cáo kiến nghị tại Đề án, đến nay việc quyết toán đầu tư xây dựng cơ bản và đóng dự án này chưa thực hiện; mặc dù các hạng mục công trình và tài sản đầu tư xong được đưa vào sử dụng từ năm 2007. Thực tế đã sử dụng để đào tạo 1 khóa học cho 23 phi công từ tháng 11/2012.
Phần tài sản đề nghị giao này có đặc thù là đầu tư để sử dụng vào mục đích để đào tạo phi công. Trong khi HVHKVN chưa có nhiều kinh nghiệm ở lĩnh vực này, cần thiết phải liên kết với các tổ chức nước ngoài có kinh nghiệm. Vì vậy, theo Bộ Tài chính, việc cho phép thí điểm thực hiện giao một phần tài sản cho HVHKVN theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp là hợp lý. Nếu được thực hiện, một mặt sẽ tránh được lãng phí TSNN đã đầu tư, đưa tài sản vào sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, mặt khác giúp cho HVHKVN có cơ hội thực hiện và phát triển hoạt động đào tạo phi công là lĩnh vực có tính chuyên môn hóa cao.
Áp dụng thực hiện đồng thời 2 cơ chế tài chính
Bộ Tài chính cho biết, pháp luật hiện hành chưa có quy định việc giao một phần tài sản theo cơ chế giao vốn cho DN để đơn vị sự nghiệp được tự chủ sử dụng phần tài sản được giao thực hiện hoạt động liên kết; chỉ có quy định giao toàn bộ tài sản cho đơn vị sự nghiệp tự chủ theo cơ chế giao vốn cho DN.
HVHKVN là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần kinh phí hoạt động thường xuyên (khoảng 70%); HVHKVN đã có Đề án đề nghị được giao tài sản. HVHKVN chỉ đề xuất giao một phần tài sản để tự chủ liên kết hoạt động. Như vậy, tại Học viện sẽ áp dụng thực hiện đồng thời 2 cơ chế tài chính: phần tự chủ áp dụng như DN; phần còn lại là đơn vị sự nghiệp công lập.
Tuy nhiên, với việc giao cho đơn vị sự nghiệp công lập chỉ tự chủ một phần tài sản, còn phần lớn các tài sản khác không giao; đồng thời với mô hình một đơn vị áp dụng 2 cơ chế quản lý (phần tài sản giao thực hiện theo cơ chế tài chính áp dụng cho doanh nghiệp; phần tài sản chưa giao thì áp dụng cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp) là vấn đề mới cần nghiên cứu, hoàn thiện chính sách.
Vì vậy, về nguyên tắc, Bộ Tài chính thống nhất với đề nghị của Bộ GTVT: thực hiện thí điểm cơ chế 2 cơ chế tài chính trong một đơn vị công lập. Sau thời gian thực hiện thí điểm, sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm để hoàn thiện cơ chế này.
Theo Bộ Tài chính, vì đây là là vấn đề mới, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể. Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo HVHKVN cần nêu rõ phương án quản trị, hoạch toán kế toán đối với hoạt động của đề án để thống nhất quản lý; đồng thời đổi tên đề án thành “Đề án thí điểm giao tài sản theo cơ chế giao vốn cho DN để HVHKVN tự chủ, liên kết thực hiện hoạt động đào tạo phi công” và khẩn trương thực hiện quyết toán đầu tư xây dựng cơ bản, đóng gói Dự án đào tạo phi công theo quy định của pháp luật làm cơ sở để xác định giá trị tài sản nhà nước, trước khi triển khai thí điểm.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng cho rằng, hoạt động liên kết nêu tại Đề án là hoạt động kinh tế giữa các bên; song Đề án chưa lượng hóa nghĩa vụ và quyền lợi của các bên trong việc chịu trách nhiệm, cũng như quyền được hưởng thành quả từ hoạt động liên kết. Đề nghị bổ sung cụ thể hơn nội dung này vào Đề án để cấp có thẩm quyền có cơ sở xem xét, quyết định trước khi thực hiện.
Theo quy định của pháp luật, tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập dùng vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ phải nộp tiền thuê đất, trích khấu hao tài sản cố định và Đơn vị sự nghiệp phải thực hiện các nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Đây là nội dung có liên quan đến chi phí và hiệu quả kinh tế của Hợp đồng liên kết. Vì thế, cần được bổ sung làm rõ với cấp có thẩm quyền và các đối tác trước khi thực hiện./.