Phó Chủ tịch UBND Khánh Hòa Trần Sơn Hải: Khánh Hòa cần thêm cơ chế tài chính tạo nguồn thu ngân sách
Ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại hội nghị
Với các giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, các bộ, ngành, trong đó có Bộ Tài chính, năm 2014, Khánh Hòa đã tập trung các nguồn lực tháo gỡ khó khăn cho DN, bằng các giải pháp cụ thể như: đối thoại với các DN ở các ngành nghề khác nhau, trên cơ sở đó có hướng hỗ trợ, giúp DN phục hồi sản xuất; triển khai các chương trình liên kết giữa ngân hàng- DN, với tổng vốn hơn 2.300 tỷ đồng.
Với những nỗ lực nêu trên, tốc độ tăng trưởng GDP của Khánh Hòa đạt 8,55%, thu ngân sách đạt hơn 15.000 tỷ đồng, tăng hơn 21% so với dự toán, tăng hơn 50% so với cùng kỳ. Trong đó, đáng kể là việc tăng thu từ hoạt động XNK đạt gần 6.800 tỷ đồng, tăng 14% so với dự toán…
Về việc thực hiện nhiệm vụ năm 2015, UBND tỉnh Khánh Hòa mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Tài chính để có thể khai thác thu tốt hơn những nguồn thu trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, cùng với để xuất Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan có bố trí lực lượng hải quan đáp ứng đủ nhu cầu phát triển hiện tại của sân bay Cam Ranh, thì cũng đề nghị tiếp tục được hỗ trợ về cơ chế tài chính để khai thác tốt nguồn thu ngân sách từ cảng xăng dầu kho ngoại quan Vân Phong.
Năm qua cảng xăng dầu kho ngoại quan Vân Phong tiếp nhận lượng xăng dầu nhập khẩu lớn (thực hiện cơ chế thí điểm của Chính phủ có thời hạn đến hết 2015, hướng dẫn tại Thông tư 88/2012 của Bộ Tài chính) là nguồn thu lớn của đơn vị hải quan trong năm 2014. Hiện tại, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép tỉnh Khánh Hòa kéo dài thực hiện thí điểm thêm một năm nữa.
Tuy nhiên, thông tư này có hiệu lực đến 31/12/2014, đề nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn cho năm 2015. Nếu có cơ chế thuận lợi và đầu tư hiệu quả, cảng xăng dầu kho ngoại quan Vân Phong sẽ đem lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên: Mong muốn chính sách thuế, tài chính có sự ổn định trong vòng 3- 5 năm
Phó Chủ tịch UBDN tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên tại hội nghị
Năm 2014, vượt qua khó khăn, thách thức, Lâm Đồng đã triển khai các giải pháp kinh tế hiệu quả, đạt tốc độ tăng GDP 14%; đạt 17/20 chỉ tiêu đề ra.
Tuy nhiên, hoạt động của DN trên địa bàn chủ yếu là các hộ gia đình sản xuất, trồng trọt cà phê nên nguồn lực hạn chế, chị ảnh hưởng nhiều đến thị trường. Năm 2014 có đến 1.000 DN giải thể, trong khi đó thành lập mới được khoảng 900 DN. Vì vậy việc thực hiện dự toán thu gặp khó khăn. Mặc dù có nhiều khó khăn và có nhiều chính sách áp dụng tác động như miễn, giảm thuế, nhưng số thu năm 2014 vẫn đạt và vượt chỉ tiêu Chính phủ, Bộ Tài chính giao 15%.
Cũng như nhiều địa phương, trong 2 năm qua, Lâm Đồng đã thực hiện quyết liệt các biện pháp chống trốn thuế, gian lận thuế qua chuyển giá, báo lỗ trên thuế thu nhập DN. Qua đó đã ngăn chặn được tình trạng trốn thuế trên địa bàn.
Về chi ngân sách, Lâm Đồng đã thực hiện đầy đủ các quy định tài chính của Nhà nước; thực hiện tiết kiệm chi lương, chi thường xuyên. Trong 3 năm vừa qua, Lâm Đồng không có trường hợp nào mua ô tô mới, không có đoàn công tác đi nước ngoài bằng tiền ngân sách…, qua đó tập trung nguồn lực chi cho phát triển kinh tế-xã hội.
Tạo điều kiện cho địa phương phát triển, Lâm Đồng mong muốn chính sách thuế, tài chính có sự ổn định trong vòng 3- 5 năm, để các địa phương chủ động trong việc điều hành thu, chi ngân sách.
Trong nhiều trường hợp dự toán thu - chi của năm đã được phê duyệt cho cả năm, tuy nhiên, khi có chính sách miễn, giảm thuế cho DN, khiến cho địa phương gặp khó khăn, nhất là đối với tỉnh Lâm Đồng, hoạt động chủ yếu từ nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Sửu – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội: Hỗ trợ thành phố về cơ chế theo Luật Thủ đô
Ông Nguyễn Văn Sửu- Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội phát biểu tại hội nghị
Với tinh thần tích cực, chủ động, quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp trên tất cả các lĩnh vực, nỗ lực, phấn đấu của các cấp, các ngành, thành phố Hà Nội đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ như kinh tế Thủ đô năm 2014 duy trì mức tăng trưởng khá, GDP tăng 8,8%; đạt kế hoạch (8,5% -9,0%) và cao hơn năm 2013 (8,5%).
Thu NSNN trên địa bàn thành phố đạt 130.100 tỷ đồng, bằng 103,1% dự toán Trung ương giao. Bên cạnh đó, chi ngân sách địa phương năm 2014 ước đạt 113% dự toán.
Để phát huy những kết quả đã đạt được năm 2014, phấn đấu hoàn thành thắng lợi kế hoạch năm 2015, UBND thành phố Hà Nội đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục quan tâm để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ thu ngân sách, nhằm thực hiện hoàn thành dự toán Thủ tướng Chính phủ giao; đặc biệt là các khoản thu gắn với sự quản lý của trung ương: thu từ khu vực DNNN trung ương, thu phí, lệ phí, thu khác ngân sách trung ương… Cụ thể:
Đề nghị mở rộng đối tượng được giảm tiền thuê đất; xem xét có những cơ chế hỗ trợ hoặc xóa nợ đối với các trường hợp đặc biệt khó khăn; hỗ trợ thành phố đầu tư một số công trình, theo Luật Thủ đô. (Ngân sách Trung ương xem xét, hỗ trợ cho thành phố đầu tư một số công trình, dự án quan trọng về môi trường, giao thông, thủy lợi, có quy mô lớn do thành phố quản lý vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương và có cơ chế hỗ trợ).
Đối với công tác sắp xếp, đổi mới và tái cơ cấu doanh nghiệp: Đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho thành phố Hà Nội được sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, sắp xếp DNNN của thành phố để bổ sung vốn điều lệ cho Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Thành phố đã quyết định tại Quyết định số 6266/QĐ-UBND ngày 27/11/2014), trước mắt 1.000 tỷ đồng vốn điều lệ).
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Võ Duy Khương: Đề nghị cho phép Đà Nẵng bán nhà chung cư cũ lấy tiền đầu tư
Thành phố Đà Nẵng luôn xem công tác cải cách hành chính, thu ngân sách là nhiệm vụ trọng tâm. Đặc biệt, thành phố thành lập các tổ thu nợ thuế, hải quan; tập trung thu các khoản nợ đọng, nhất là nợ đọng trong lĩnh vực đất đai. Thu nợ đọng thuế đạt 500 tỷ đồng, truy thu qua thanh tra, kiểm tra 30 tỷ đồng. Kết quả công tác thu nợ đọng là một trong những kinh nghiệm làm quyết liệt, thực hiện đạt kết quả mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, đã tập trung cải cách thủ tục hành chính trong kê khai thuế và thu thuế, kể cả thuế nội địa và cải cách hiện đại hóa hải quan. Khai thuế qua mạng của thành phố đạt 95%, giảm thời gian về thủ tục thuế nhiều cho người nộp thuế. Nộp thuế điện tử là 100 doanh nghiệp.
Ông Võ Duy Khương- Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng
Năm 2015, kế hoạch chi sẽ tăng mạnh cho một số ngành như Giáo dục, Văn hóa và cấp chính quyền cơ sở. Đặc biệt, năm 2015 là năm có nhiều ngày lễ lớn, là "Năm Văn hóa- văn minh đô thị" nên ngành văn hóa ở cấp thành phố sẽ được bố trí nguồn chi 400 tỷ đồng, gần gấp đôi năm 2014 và chi tăng cho mỗi quận 200 triệu đồng.
Ngay từ tuần đầu của tháng đầu, quý đầu năm 2015, một số nhiệm vụ quan trọng cần tập trung thực hiện nhằm triển khai cụ thể hóa Nghị quyết số 05-NQ/TU của Thành ủy về phương hướng nhiệm vụ năm 2015 và Nghị quyết số 88/NQ/2014/HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố về nhiệm vụ năm 2015.
Đặc biệt, thành phố tập trung chỉ đạo, điều hành, huy động các nguồn lực nhằm phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao nhất Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX; phục vụ chu đáo, tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, thiết thực lâp thành tích chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước và thành phố, tiến tới Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Bên cạnh đó, thành phố cũng chỉ đạo có các giải pháp xử lý hình thức trốn nộp thuế GTGT, khắc phục tình trạng thất thu thuế của Nhà nước.
Tình trạng một số nhà chung cư của thành phố quản lý xuống cấp rất nghiêm trọng. Ngân sách thành phố, tiền thu cho thuê không đủ duy tu bảo dưỡng, không đủ để đầu tư.
Chúng tôi đề nghị, cho phép thành phố có cơ chế bán nhà chung cư cho người đang thuê và một số nhà ở xã hội để thu hồi vốn đầu tư lại những vùng nhà ở mới, tiếp tục tái tạo quỹ nhà, đáp ứng nhu cầu nhà ở của nhân dân…/.