Rốt ráo từ tỉnh xuống huyện
Báo cáo từ UBND tỉnh An Giang cho biết, ngay sau khi có Chỉ thị số 27/CT- TTg (CT 27) ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường, đẩy mạnh công tác quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành sử dụng vốn nhà nước, Sở Tài chính An Giang đã có các công văn gửi tới từng huyện, thị xã cũng như tới từng chủ đầu tư, từng ban quản lý dự án hướng dẫn thực hiện Chỉ thị này.
Đồng thời, Sở Tài chính cũng tham mưu với UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 15/2014/CT- UBND về việc chấn chỉnh công tác quyết toán vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, Sở Tài chính đã thành lập đoàn kiểm tra các Phòng Tài chính- Kế hoạch, các ban quản lý dự án trên địa bàn tỉnh, qua đó, hướng dẫn các đơn vị giải quyết được những khó khăn vướng mắc trong công tác này để đẩy mạnh quyết toán trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Sở cũng thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở Phòng Tài chính- Kế hoạch cấp huyện thực hiện báo cáo hàng tháng.
Tính đến hết năm 2014, tỉnh An Giang đã phê duyệt được 238 dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn cấp tỉnh quản lý, với giá trị quyết toán 808.492 tỷ đồng và 272 dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn cấp huyện quản lý, với giá trị quyết toán gần 234 tỷ đồng.
Hiện toàn tỉnh còn 10 dự án thuộc nguồn vốn cấp tỉnh và 41 dự án thuộc nguồn vốn cấp huyện quản lý chậm nộp báo cáo quyết toán so với thời gian quy định trên 6 tháng với đề nghị quyết toán trên 200 tỷ đồng.
Cần nhiều sự đôn đốc, phối hợp
Theo nhận xét từ Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính, việc triển khai thực hiện CT27 đã được UBND tỉnh An Giang xác định là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Hiện tỉnh đã tăng quyền và đẩy mạnh phân cấp quản lý đầu tư xây dựng cho cấp huyện, thị xã nhưng chưa tăng cường biên chế.
Thực tế, biên chế của các phòng tài chính - kế hoạch tại các huyện, thị xã, thành phố không nhiều, trung bình 16 người/huyện, do đó cán bộ phụ trách theo dõi, quản lý và thực hiện công tác thẩm tra quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành thường là kiêm nhiệm.
Trong khi đó, năng lực cán bộ của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án còn hạn chế, chưa quan tâm nhiều đến công tác quyết toán (chậm lập, nộp báo cáo quyết toán khi dự án hoàn thành, chế độ thông tin báo cáo thực hiện chưa kịp thời và thiếu chính xác).
Thêm vào đó, các biện pháp chế tài có quy định nhưng chưa phù hợp do giao đơn vị khác thực hiện (không giao dự án mới cho chủ đầu tư có 3 dự án trở lên vi phạm quy định về thời gian lập báo cáo quyết toán chậm hơn 6 tháng, quyết định xử phạt không phải là cơ quan tài chính,…) dẫn đến khó khăn cho cơ quan tài chính trong việc đôn đốc lập báo cáo quyết toán.
Từ những bất cập này, Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính đã có kiến nghị, địa phương cần chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị có liên quan để đẩy nhanh công tác quyết toán. Đồng thời, chỉ đạo các chủ đầu tư, các đơn vị có liên quan rà soát, tổng hợp các dự án hoàn thành chưa phê duyệt quyết toán, xử lý những vướng mắc, khó khăn trong quá trình quyết toán và xử lý quyết toán dứt điểm các dự án từ năm 2005 trở về trước.
Ngoài ra, tỉnh cần chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với các đơn vị có liên quan thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, cán bộ thẩm tra phê duyệt quyết toán (đặc biệt là cán bộ thẩm tra quyết toán cấp huyện, xã)./.