Đóng góp lớn vào 3 khâu đột phá chiến lược
Cụ thể, các chương trình, dự án đã hỗ trợ xây dựng và hoàn thiện một số văn bản pháp luật quan trọng của ngành như: Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) sửa đổi, Luật thuế sửa đổi, Luật Phí, lệ phí và Luật Thuế bảo vệ môi trường, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh...
Thực hiện đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trong năm 2014, Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã hỗ trợ xây dựng các chính sách về xử lý nợ, hướng dẫn các tổng công ty và tập đoàn kinh tế nhà nước thoái vốn khỏi các lĩnh vực không thuộc ngành nghề kinh doanh chính, tăng cường năng lực về quản trị và giám sát doanh nghiệp cho Bộ Tài chính, DATC và SCIC. Các khoản vay và hỗ trợ kỹ thuật của ADB hỗ trợ thực hiện tái cấu trúc tài chính và tái cấu trúc doanh nghiệp theo kế hoạch đề ra.
Về phát triển nguồn nhân lực, các nhà tài trợ đã hỗ trợ nhiều hoạt động đào tạo, tăng cường năng lực cho Bộ Tài chính về các nội dung như: Phân tích và thống kê tài chính theo các chuẩn mực quốc tế, quản lý ngân quỹ, quản lý ngân sách, thống kê tài chính chính phủ, tài khoản kho bạc duy nhất, phân loại ngân sách và kế toán đồ thống nhất, báo cáo tài chính hợp nhất khu vực công, quy trình thanh tra quản lý sử dụng NSNN…
Công tác cải cách hành chính có thể được thấy rõ qua kết quả thực hiện của nhiều dự án. Với sự hỗ trợ của JICA, hệ thống thông quan hàng hóa tự động (VNACCS/VCIS) đã được đưa vào vận hành trên toàn quốc từ tháng 4/2014, giúp rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, hạn chế sai sót trong nhập dữ liệu của doanh nghiệp thông qua khai tự động, giảm phụ thuộc vào văn bản, giấy tờ do nhiều văn bản, biểu thuế xuất nhập khẩu đã được mã hóa.
Thông qua hoạt động hợp tác phát triển, trong năm 2014, Bộ Tài chính đã tiếp nhận, ký kết 8 chương trình, dự án mới sử dụng vốn ODA hỗ trợ cho các nội dung cải cách tài chính công, với tổng số vốn không hoàn lại gần 7,2 triệu USD.
Nguồn: Bộ Tài chính
Bên cạnh đó, các nhà tài trợ Úc, Hà Lan và Đan Mạch đã hỗ trợ xây dựng và triển khai phần mềm quản lý tài sản là công trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, góp phần công khai, minh bạch, tăng cường trách nhiệm giải trình và hiệu quả sử dụng tài sản công. Ngân hàng Thế giới hỗ trợ tư vấn thiết kế và xây dựng lộ trình triển khai hệ thống thông tin quản lý tài chính chính phủ (GFMIS).
Đặc biệt, trong năm 2014, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã bước đầu hỗ trợ Tổng cục Thuế hoạt động rà soát, hệ thống hóa danh mục thủ tục hành chính, đề xuất phương án đơn giản hóa thủ tục và xây dựng quy trình kiểm soát thủ tục hành chính; góp phần thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ, rút ngắn thời gian nộp thuế đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN - 6 còn 171 giờ/năm.
Phát huy hiệu quả nguồn vốn ODA
Ông Phạm Tuấn Anh- Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) khẳng định, tình hình vận động, quản lý và sử dụng vốn ODA của Bộ Tài chính trong năm qua đã đạt được những tiến bộ nhất định do sự điều hành sát sao của lãnh đạo Bộ; sự nỗ lực của các đơn vị và sự phối hợp chặt chẽ của các nhà tài trợ trong công tác chuẩn bị và thực hiện các chương trình, dự án.
Tỷ lệ giải ngân vốn ODA của tất cả các chương trình, dự án trong năm 2014 là 49% so với kế hoạch năm. Trong đó: Các dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại tỷ lệ giải ngân đạt 71%, xếp loại khá; các dự án sử dụng vốn ODA vay (cho vay lại) đạt 48%, xếp loại trung bình.
Tính theo dự án thì có 5 dự án giải ngân tốt trên 80% so với kế hoạch năm (Nền tài chính công - cấu phần 2 thuộc chương trình cải cách kinh tế vĩ mô; JICA hợp tác kỹ thuật thực hiện hải quan điện tử; Chương trình vay cải cách DNNN và hỗ trợ quản trị công ty…).
Công tác vận động và điều phối tài trợ nước ngoài đã đạt được nhiều tiến bộ so với các năm trước đây.Vai trò điều phối của Bộ Tài chính với các nhà tài trợ quốc tế trong lĩnh vực cải cách quản lý tài chính công đã được thể hiện tốt. Cơ chế hoạt động nhóm đối tác mới giữa Bộ Tài chính và các đối tác phát triển đã được thiết lập trên cơ sở hiệu quả và thiết thực, thu hút sự quan tâm và hỗ trợ của các đối tác tài trợ.
Nguồn vốn ODA thông qua các chương trình, dự án là nguồn lực quan trọng giúp cho Bộ Tài chính trang bị, đào tạo các cán bộ của ngành Tài chính các kỹ năng và kinh nghiệm quản lý tiên tiến của quốc tế; xây dựng và hoàn thiện môi trường thể chế, pháp lý trong lĩnh vực tài chính, thông qua việc hỗ trợ xây dựng các dự thảo luật và văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng và hoàn thiện các công cụ quản lý tài chính hiện đại, như hệ thống TABMIS, hệ thống VNACCS/VCIS,…