PV: Việc sửa đổi các nội dung quy định của Bộ Luật Dân sự 2005 sẽ tác động đến các lĩnh vực quản lý nào của Bộ Tài chính, thưa ông?
Ông Đặng Công Khôi: Bộ Tài chính quản lý đa ngành, đa lĩnh vực nên phạm vi, đối tượng quản lý rộng, vì vậy có quan hệ mật thiết với đời sống dân sự - kinh tế. Việc sửa đổi các nội dung quy định tại Bộ Luật Dân sự sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến các lĩnh vực quản lý của ngành Tài chính.
Có thể nêu một số quy định cụ thể: Về hợp đồng sẽ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; quy định về tài sản, thừa kế tài sản; ký quỹ liên quan đến lĩnh vực chứng khoán. Quy định về các hình thức sở hữu và việc đảm bảo thống nhất với đặc thù xác lập, chấm dứt quyền sở hữu đối với quyền sử dụng đất và các tài sản khác thuộc sở hữu nhà nước liên quan đến lĩnh vực quản lý công sản. Quy định về đại diện, pháp nhân và quyền hưởng dụng đối với cổ phần và vốn góp vào công ty liên quan đến lĩnh vực tài chính doanh nghiệp, chứng khoán, bảo hiểm….
|
|
|
Ông Đặng Công Khôi
|
|
|
PV: Bộ Luật Dân sự 2005 quy định đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền của pháp nhân là cá nhân. Tuy nhiên, dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) có những thay đổi về người đại diện. Xét trong thực tiễn các quy định pháp luật chuyên ngành của ngành Tài chính thì sửa đổi trên có ảnh hưởng như thế nào?
Ông Đặng Công Khôi: Luật Dân sự 2005 quy định, pháp nhân chỉ có đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền. Tuy nhiên, Dự thảo Luật Dân sự sửa đổi cho phép pháp nhân có nhiều đại diện.
Qua rà soát sơ bộ, các văn bản quy định thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính như Luật Chứng khoán, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập… cho thấy, cơ bản có thể đáp ứng quy định về đại diện theo pháp luật.
Tuy nhiên đối với đại diện theo ủy quyền, ví dụ Luật Kiểm toán độc lập năm 2011 quy định người được ủy quyền chỉ có thể là cá nhân, trong khi dự thảo luật quy định có thể là cá nhân hoặc pháp nhân. Như vậy, sau khi dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) được thông qua, phải tiếp tục rà soát toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để có những đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, về hợp đồng vay tài sản và lãi suất, không nên quy định theo lãi suất cơ bản tại dự thảo luật. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Đặng Công Khôi: Dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) quy định, lãi suất vay do các bên thỏa thuận hoặc do luật định. Trường hợp các bên có thỏa thuận thì lãi suất thỏa thuận không được vượt quá 200% của lãi suất cơ bản (do Ngân hàng Nhà nước công bố) đối với loại vay tương ứng, trừ trường hợp luật có quy định khác. Trường hợp lãi suất thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định ở khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Quy định này kế thừa quy định tại Điều 476 Bộ Luật Dân sự năm 2005 nhưng có sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn. Theo đó, việc quy định mức lãi suất trần dựa trên lãi suất cơ bản đối với loại cho vay tương ứng, như vậy có sự thay đổi căn bản là phải “đối với từng loại cho vay tương ứng”. Việc quy định như vậy là để tạo sự thống nhất về xác định lãi suất trong hợp đồng vay phù hợp với từng loại vay tài sản tương ứng; đồng thời để ngăn ngừa việc cho vay nặng lãi.
Như vậy, tôi có thể nhất trí với dự thảo. Tuy nhiên, lãi suất cơ bản đối với loại cho vay tương ứng phải cần có hướng dẫn phù hợp với từng thời kỳ, để đảm bảo đáp ứng kịp thời với tình hình phát triển năng động của nền kinh tế.
PV: Công tác triển khai lấy ý kiến cán bộ, công chức ngành Tài chính đối với dự án Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) được triển khai như thế nào, thưa ông?
Ông Đặng Công Khôi: Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), kèm theo Quyết định số 327/QĐ-BTC ngày 24/02/2015.
Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện: Đăng tải dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính để tiếp nhận ý kiến tham gia của các cán bộ, công chức trong toàn ngành; tổ chức hội nghị phổ biến nội dung mới dự thảo, kết hợp với việc lấy ý kiến cán bộ, công chức trong bộ; tổ chức tọa đàm, hội thảo để lấy ý kiến cán bộ, công chức, viên chức, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý vào các quy định tại dự thảo có liên quan đến lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính…
Hiện tại, Bộ Tài chính đang tổng hợp ý kiến các đơn vị để gửi báo cáo kết quả về Bộ Tư pháp trước ngày 15/4/2015.
PV: Xin cảm ơn ông!