Từ 1/4, điều chỉnh 3.234 dòng thuế nhập khẩu từ Nhật về 0%
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 24/2015/TT-BTC và Thông tư 25/2015/TT-BTC ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) giai đoạn 2015-2019.
Theo 2 thông tư này, từ thời điểm 1/4/2015, sẽ có 2.874 dòng thuế thực hiện theo AJCEP có thuế suất 0% (tương đương với 30% tổng biểu thuế) và 413 dòng thuế suất không cam kết cắt giảm, thuế suất áp dụng sẽ theo mức thuế MFN tại thời điểm hiện hành.
Đối với biểu VJEPA, 3.234 số dòng thuế có thuế suất 0% (tương đương với 33,8% tổng biểu thuế) và 354 dòng thuế suất không cam kết cắt giảm, thuế suất áp dụng sẽ theo mức thuế nhập khẩu ưu đãi theo WTO tại thời điểm hiện hành.
Doanh nghiệp tự bảo đảm kinh phí an ninh hàng không dân dụng
Cụ thể, nhiệm vụ bảo đảm an ninh hàng không dân dụng thuộc trách nhiệm của các doanh nghiệp hàng không, doanh nghiệp tự bảo đảm kinh phí thực hiện. Nội dung này được quy định tại Thông tư liên tịch 21/2015/TTLT-BTC-BGTVT do Liên Bộ Tài chính – Giao thông vận tải ban hành, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2015.
NSNN cấp kinh phí theo hai nguồn: Ngân sách Trung ương bảo đảm kinh phí từ nguồn chi sự nghiệp kinh tế cho công tác bảo đảm an ninh hàng không dân dụng của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia (bao gồm Ban chỉ huy Khẩn nguy hàng không quốc gia, Trung tâm Khẩn nguy của Ban chỉ huy quốc gia), Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an;
Ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí từ nguồn chi sự nghiệp kinh tế cho công tác bảo đảm an ninh hàng không dân dụng của Ban chỉ huy Khẩn nguy hàng không tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ban chỉ huy Khẩn nguy hàng không huyện đảo nơi có cảng hàng không, sân bay (bao gồm Trung tâm Khẩn nguy của Ban chỉ huy tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện đảo).
Ngoài ra, việc bảo đảm kinh phí an ninh hàng không dân dụng còn được sử dụng từ nguồn khác theo quy định của pháp luật (nếu có).
Ngân sách thu 65% tổng phí điều hành bay
Đây là quy định tại Thông tư liên tịch 03/2015/TTLT-BGTVT-BTC do Liên Bộ Tài chính – Giao thông vận tải ban hành, có hiệu lực thi hành từ ngày 12/4/2015 và áp dụng từ năm tài chính 2015.
Theo đó, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam được giữ lại 35% nguồn thu từ phí điều hành bay qua vùng trời và vùng thông báo bay và hạch toán vào doanh thu của đơn vị. Số thu phí điều hành bay qua vùng trời và vùng thông báo bay còn lại (65%), Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam có trách nhiệm nộp vào NSNN. Chế độ thu được thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính.
Trường hợp Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam sử dụng hết các nguồn vốn tự có mà còn thiếu để thực hiện nhiệm vụ công ích bảo đảm hoạt động bay theo đúng các chuẩn mực quốc tế, Tổng công ty xây dựng phương án cụ thể, báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính phối hợp xem xét, có văn bản điều chỉnh tỷ lệ để lại nguồn thu phí cho phù hợp.
Ban hành 3 tiêu chuẩn thẩm định giá mới
3 tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam mới được ban hành kèm theo Thông tư 28/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, có số hiệu và tên gọi như sau:
Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 05 - Quy trình thẩm định giá; tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 06 - Báo cáo kết quả thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá và hồ sơ thẩm định giá; tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 07 - Phân loại tài sản trong thẩm định giá.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/4/2015.
Bình ổn giá một số mặt hàng nông nghiệp
Từ ngày 20/4/2015, sẽ thực hiện bình ổn giá đối với một số loại mặt hàng nông nghiệp theo quy định tại Thông tư liên tịch 10/2015/TTLT-BNNPTNT-BTC.
Cụ thể, nhóm phân bón gồm: Phân đạm urê có hàm lượng Nitơ từ 46% trở lên; phân NPK có tổng hàm lượng các chất dinh dưỡng Nitơ tổng số, lân hữu hiệu, kali hữu hiệu từ 18% trở lên.
Thuốc bảo vệ thực vật: thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh, thuốc trừ cỏ có chứa các hoạt chất như Fenobucarb, Isoprothiolane, Glyphosate…với hàm lượng theo quy định.
Vac-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm: vac-xin lở mồm long móng, tai xanh, cúm gia cầm...
Ngoài ra còn có muối thô, muối tinh, muối iốt; thóc, gạo tẻ.
Mức thu qua trạm thu phí không dừng đầu tiên tại Việt Nam
Theo quy định tại Thông tư số 29/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, mức thu phí sử dụng đường bộ trạm thu phí tại Km 604+700, Quốc lộ 1, tỉnh Quảng Bình kể từ ngày được Bộ Giao thông vận tải cho phép thu đến hết ngày 31/12/2015 như sau:
Xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng 30.000 đồng/vé/lượt ; Xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn 40.000 đồng/vé/lượt; Xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn 50.000 đồng/vé/lượt; Xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn và xe chở hàng bằng container 20 feet 80.000 đồng/vé/lượt ; Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 feet 160.000 đồng/vé/lượt.
Kể từ ngày 1/1/2016 trở đi, mức thu tương ứng đối với các loại xe như trên sẽ tăng tương ứng như sau: 45.000 đồng/vé/lượt; 60.000 đồng/vé/lượt; 75.000 đồng/vé/lượt; 140.000 đồng/vé/lượt và 200.000 đồng/vé/lượt.
Thông tư này có hiệu lực từ 21/4/2015.
Quy định mới về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo
Liên Bộ Tài chính - Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư liên tịch 04/2015/TTLT-BGDĐT-BTC hướng dẫn quy định về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo.
Theo đó, để tính chi phí bồi hoàn đối với người chưa chấp hành đủ thời gian làm việc theo quy định thì thời gian làm việc chỉ được tính tròn tháng nếu số ngày làm việc trong tháng từ 15 ngày trở lên.
Hội đồng xét chi phí bồi hoàn được thành lập trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày người học tự ý bỏ việc hoặc có đơn xin thôi việc mà chưa chấp hành đủ thời gian làm việc.
Mặt khác, người học có trách nhiệm gửi bản sao chứng từ nộp tiền vào ngân sách nhà nước đến cơ quan có thẩm quyền quyết định việc bồi hoàn để theo dõi, báo cáo.
Thông tư liên tịch 04 có hiệu lực thi hành từ ngày 24/4/2015.
Tạm ứng 70% mức hỗ trợ cho DN đầu tư vào nông nghiệp
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 30/2015/TT-BTC hướng dẫn chi tiết việc lập dự toán, thanh toán và quyết toán các khoản hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị định 210/2013/NĐ-CP. Trong đó, nêu rõ 05 nguyên tắc thanh toán kinh phí ngân sách nhà nước (NSNN) hỗ trợ.
Đơn cử như, NSNN thực hiện hỗ trợ sau đầu tư, khi hạng mục đầu tư, gói thầu của dự án hoàn thành được tạm ứng, thanh toán 70% mức hỗ trợ theo hạng mục, gói thầu; sau khi dự án hoàn thành đầu tư và được nghiệm thu thì được thanh toán 30% mức vốn còn lại.
Trường hợp dự án chỉ có 01 hạng mục đầu tư được hỗ trợ, NSNN sẽ thanh toán một lần khi dự án hoàn thành đầu tư.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 27/4/2015 và thay thế Thông tư 84/2011/TT-BTC.