Đó là thông tin được bà Nguyễn Tuyết Anh, Phó Viện trưởng Viện kinh tế, Học viện Tài chính cho biết trong cuộc trao đổi mới đây với phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam về một số điểm tiến bộ của dự thảo Luật NSNN sửa đổi so với với Luật NSNN năm 2002.
* Xin bà cho biết dự thảo luật NSNN sửa đổi có những điểm nào mới so với Luật NSNN năm 2002 ?
- Thứ nhất, dự thảo luật NSNN sửa đổi 2015 nhấn mạnh tính công khai, minh bạch của NSNN và vai trò của giám sát NSNN. So với Luật NSNN năm 2002, Dự thảo lần này có riêng Điều 15 để quy định về nội dung, hình thức, thời hạn công khai quá trình lập dự toán, dự thảo ngân sách, dự toán, chấp hành, quyết toán, kết quả kiểm toán NSNN.
Thứ hai, dự thảo đã nới rộng mức dư nợ tối đa vốn vay cho các địa phương có nguồn thu lớn, đặc biệt là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Thứ ba, dự thảo qui định cụ thể hơn về nguồn thu NSNN từ đầu tư ra nước ngoài, thu từ cổ tức, thu lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ, thu còn lại sau cổ phần hoá DNNN. Quy định này có thể sẽ là tăng thu NSNN từ các DNNN, đồng thời quản lý chặt chẽ các nguồn lực của nhà nước ở các doanh nghiệp.
Thứ tư, dự thảo cũng quy định cụ thể nhiệm vụ chi cho đầu tư xây dựng hệ thống giao thông đường bộ, thuỷ lợi phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội có tính chất liên vùng, khu vực thuộc nhiệm vụ chi của NSTW.
Thứ năm, dự thảo quy định rõ ràng và cụ thể hơn về quản lý quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, đặc biệt là NSNN không cấp hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Nhà nước chỉ cấp hỗ trợ vốn điều lệ cho các quỹ tài chính ngoài ngân sách.
* Như bà vừa cho biết, một trong những điểm mới của dự thảo luật NSNN sửa đổi so với Luật NSNN năm 2002 là đề cao tính công khai, minh bạch của NSNN và vai trò của cộng đồng trong việc giám sát NSNN. Xin bà cho biết rõ hơn về điểm mới này?
- Dự thảo Luật NSNN đã luật hóa các vấn đề liên quan đến công khai, minh bạch ngân sách. Dự thảo lần này có 26 từ “công khai” được đề cập trong nội dung Dự thảo Luật; công khai, minh bạch được xem là một trong nguyên tắc quản lý ngân sách (điều 8), và đặc biệt, việc công khai được nhấn mạnh tại điều 15 “Công khai ngân sách nhà nước và giám sát ngân sách nhà nước của cộng đồng”.
Điều 15 thể hiện khá đầy đủ các yêu cầu về nội dung công khai, phạm vi công khai, hình thức công khai và trách nhiệm phải thực hiện công khai. Điều đó chứng tỏ được tầm quan trọng của nguyên tắc này trong các toàn bộ các khâu của quy trình ngân sách, bao gồm cả lập dự toán và chấp hành dự toán, cũng như trong kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành ngân sách của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Công khai, minh bạch NSNN là điều kiện cần để nâng cao hiệu quả của NSNN và tăng cường khả năng giám sát của cộng đồng và giảm lãng phí, kém hiệu quả do sự tuỳ tiện, thiếu trách nhiệm của các đơn vị sử dụng ngân sách gây ra.
Tuy nhiên, các quy định về công khai, minh bạch và giám sát NSNN cần thiết phải được cụ thể hơn nữa, tránh tùy tiện và thực thi không đồng nhất giữa các địa phương, các đơn vị lập và sử dụng ngân sách, và như vậy sẽ làm giảm hiệu lực của cơ quan giám sát..
* Xin bà chia sẻ thêm về việc mở rộng mức dư nợ tối đa vốn vay cho các địa phương có nguồn thu lớn, đặc biệt là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh?
- Theo Luật NSNN 2002, mức dư nợ từ nguồn vốn huy động không vượt quá 30% vốn đầu tư XDCB trong nước hàng năm của ngân sách tỉnh, qui định này áp dụng cho tất cả các địa phương.
Dự thảo Luật NSNN sửa đổi lần này qui định, các địa phương lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có thể vay đến 150% vốn đầu tư XDCB hàng năm. Còn đối với các địa phương có điều tiết về NSTW, mức trần vay nợ là 100% (tăng 3-5 lần).
Sự mở rộng về mức dư nợ tối đa này, sẽ làm tăng tính chủ động của địa phương trong đầu tư phát triển, khuyến khích các địa phương tăng thu, vì thế, nếu biết tận dụng cơ hội, nhiều địa phương có thể có những bước tiến vượt bậc trong đầu tư và phát triển kinh tế.
Tuy vậy, việc mở rộng dư nợ tối đa cũng có thể dẫn đến gia tăng nhu cầu vay nợ, áp lực đối với việc nới trần nợ công cũng tăng theo, đồng thời làm gia tăng sự khoảng cách giàu nghèo giữa các tỉnh..
* Thưa bà, những điểm mới này có đáp ứng được yêu cầu mà bối cảnh kinh tế - tài chính hiện nay đặt ra?
- Dự thảo Luật NSNN sửa đổi đã có nhiều điểm tiến bộ so với với Luật NSNN năm 2002. Dự thảo Luật NSNN sửa đổi, đã hướng đến giải quyết những hạn chế, bất cập của Luật NSNN 2002. Đặc biệt, các điểm dự kiến sửa đổi, bổ sung này đều hướng đến mục tiêu làm rõ hơn mối quan hệ giữa ngân sách các cấp và đẩy mạnh phân cấp cho địa phương để chủ động thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng phân cấp ngân sách gắn với nhiệm vụ chi ngân sách.
Tuy nhiên, để có một bước ngoặt mới nhằm đảm bảo tính hiệu quả của sử dụng NSNN, cần thiết phải đổi mới hơn nữa trong các hoạt động về lập, chấp hành, quyết toán và giám sát NSNN. Đồng thời, phải triệt tiêu tính xin – cho trong phân bổ NSNN.
* Xin trân trọng cảm ơn bà!