Bộ Tài chính vừa có báo cáo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia kết quả thực hiện Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 30/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá.
Buôn lậu thuốc lá diễn biến phức tạp khắp các tuyến biên giới
Tại văn bản này, Bộ Tài chính cho biết, trong quý IV/2014, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có những diễn biến phức tạp, đặc biệt tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng thuốc lá diễn ra trên cả 3 tuyến biên giới với Trung Quốc, Lào và Campuchia.
Tuy nhiên, bước sang quý I/2015 là thời gian trước, trong và sau Tết nguyên đán Ất Mùi năm 2015, các lực lượng chức năng nói chung và lực lượng Hải quan nói riêng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực đường biên giới, do đó tình hình buôn lậu thuốc lá có xu hướng giảm so với quý IV/2014.
Tại địa bàn phía Bắc, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá diễn ra chủ yếu tại các tỉnh Cao Bằng, Quảng Ninh, Lào Cai, mặt hàng chủ yếu là thuốc lá 555, Gonghexinxin, Esse, Hero và nguyên liệu thuốc lá. Tại đây, trên tuyến đường bộ các đối tượng lợi dụng đêm tối, rạng sáng thuê người mang vác chuyển thuốc lá điếu qua biên giới, sau đó sử dụng xe máy vận chuyển hoặc cất giấu trên các xe tải, xe khách vận chuyển vào nội địa tiêu thụ.
Trên tuyến đường biển các đối tượng sử dụng xuồng cao tốc, bè, mảng vận chuyển thuốc lá lậu từ khu vực Vạn Mỹ, Đông Hưng, Trung Quốc vào khu vực bờ biển thuộc phường Tuần Châu (T.P Hạ Long), Thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh sau đó bốc lên xe vận chuyển đi các tỉnh tiêu thụ.
Tại địa bàn miền Trung, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá chủ yếu diễn ra tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị, mặt hàng chủ yếu là Zet, Dulhill, White horse, 555, thủ đoạn chủ yếu nhập thuốc lá vào khu kinh tế cửa khẩu, hợp thức việc bán hàng cho cư dân biên giới để chuyển vào nội địa.
Thuốc lá từ Lào nhập lậu vào Việt Nam còn được các đầu nậu thuê người gùi, cõng hàng hóa qua các trạm kiểm soát hoặc dùng thuyền máy vận chuyển hàng dọc theo bờ sông, lợi dụng trời tối, địa hình phức tạp đưa thuốc lá vào điểm tập kết và chia nhỏ, xé lẻ thuốc lá cất giấu hoặc gia cố trên các phương tiện xe khách, xe tải, các loại phương tiện khác.
Tuyến biên giới Tây Nam, tình hình buôn, lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá diễn ra tại địa bàn các tỉnh Tây Ninh, An Giang, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang.
Tại đây, các đối tượng đầu nậu thường sử dụng phương thức, thủ đoạn phổ biến là lợi dụng địa hình biên giới phức tạp, có nhiều kênh rạch, đường mòn, lối tắt, dùng lợi ích vật chất lôi kéo nhân dân tham gia vận chuyển thuốc lá lậu qua biên giới để cất giấu, tập kết, chuyển sâu vào nội địa.
Các đầu nậu thường thuê người theo dõi biến động của các lực lượng chức năng để kịp thời báo cho đồng bọn tẩu tán hàng hóa khi các lực lượng chức năng tổ chức bắt giữ. Thuốc lá lậu tuyến này chủ yếu là cung cấp cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng thuốc lá, và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 30/CT-TTg, Bộ Tài chính đã chỉ đạo ngành Hải quan chủ động nắm bắt tình hình và kịp thời xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá qua biên giới.
Theo đó, tính từ ngày 16/9/2014 đến ngày 15/3/2015, Tổng cục Hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện và bắt giữ 228 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá qua biên giới, thu giữ 9.243 kg nguyên liệu thuốc lá, 356.390 bao thuốc lá, trị giá ước tính khoảng 6.352 triệu đồng, bắt giữ 40 đối tượng buôn lậu.
Đề nghị có chế tài xử lý đối với các đối tượng tiếp tay buôn lậu
Tuy nhiên trên thực tế triển khai công tác, Bộ Tài chính nhận thấy vẫn có những khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, do đặc điểm địa hình biên giới phức tạp, đối tượng buôn lậu thường vận chuyển trái phép thuốc lá qua các khu vực đường mòn, lối mở, hai bên cánh gà cửa khẩu, lực lượng Hải quan mỏng nên công tác đấu tranh bắt giữ gặp nhiều khó khăn.
Đồng thời, đời sống dân cư biên giới còn khó khăn, trình độ hiểu biết pháp luật, không có việc làm ổn định, dễ bị các đối tượng lợi dụng thuê vận chuyển thuốc lá nhập lậu qua biên giới.
Trên tuyến đường vận chuyển thuốc lá nhập lậu có nhiều các đối tượng canh đường để báo tin cho các đối tượng buôn lậu biết, để tìm cách đối phó với lực lượng chức năng đi tuần tra, kiểm soát. Tuy nhiên, hiện nay chưa có chế tài xử lý đối với các đối tượng tiếp tay cho buôn lậu thuốc lá này.
Trong khi đó, các phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phục vụ công tác đấu tranh chống buôn lậu còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
Do đó, để nâng cao hiệu quả của công tác phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh đối với hoạt động buôn lậu, vận chuyển thuốc lá qua biên giới, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ và đề nghị chính quyền địa phương cần có chính sách phát triển kinh tế khu vực biên giới, tạo công ăn việc làm cho cư dân biên giới để họ không tiếp tay, vận chuyển thuốc lá lậu.
Đồng thời kiến nghị bổ sung phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phục vụ công tác đấu tranh chống buôn lậu cho các lực lượng chức năng. Cụ thể, đề nghị Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chủ trì rà soát, đánh giá, số lượng, chủng loại, đặc tính kỹ thuật, dự toán kinh phí, nguồn đảm bảo,... tại một số địa bàn trọng điểm để trước mắt đề nghị Chính phủ xin cơ chế mua sắm và trang cấp ngay các phương tiện phục vụ công tác chống buôn lậu tại các địa phương trọng điểm.
Đồng thời xây dựng cơ chế sử dụng nguồn thu từ xử lý vi phạm pháp luật về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để bổ sung, hỗ trợ kinh phí thỏa đáng cho các cơ quan chức năng, thay thế Thông tư 59/2008/TT-BTC ngày 4/7/2008.
Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đề nghị xem xét xử lý đối với hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá theo hướng tăng mức phạt xử lý vi phạm hành chính và giảm mức quy định về số lượng thuốc lá vận chuyển lậu phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Quy định chế tài xử lý đối với các đối tượng tiếp tay, canh coi trên các tuyến đường buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá qua biên giới.
Ngoài ra, cần tăng cường công tác trao đổi thông tin giữa các cơ quan thực thi pháp luật với Hiệp hội thuốc lá. Các lực lượng chức năng cần tăng cường hiệp đồng tác chiến để bắt giữ, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm./.