Giữa những vùng bão tan hoang hay rẻo cao heo hút, người ta vẫn thấy bóng dáng các anh, các chị lặng lẽ miệt mài và “lặng thầm tỏa hương”.
“Lòng quyết tâm còn cao hơn núi!”
Khó khăn, gian khổ, thậm chí nguy nan, nhưng với “lòng quyết tâm còn cao hơn núi”, cán bộ ngành DTQG chẳng chịu lùi bước. Truyền thống của ngành DTQG và quá trình tu dưỡng, rèn luyên đã hun đúc và xuất hiện nhiều tấm gương điển hình vượt khó, những “bông hoa đẹp” của ngành DTQG.
Một trong những tấm gương đó là Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) khu vực Đông Bắc Trần Văn Thao. Vào những năm đất nước đổi mới, nhất là những năm 1990, anh Thao đã cùng đơn vị “chèo lái con thuyền” vượt qua “sóng gió”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, kể cả những nhiệm vụ mới nhằm tăng cường lực lượng DTQG để đơn vị luôn giữ được thế chủ động, tích cực. Từ Trạm I, không văn phòng, thiếu nhân sự, các cán bộ của Dự trữ Đông Bắc đã cùng nhau xây dựng Cục DTNN khu vực Đông Bắc là đơn vị duy nhất trong ngành DTQG trở thành Anh hùng thời kỳ đổi mới.
Còn với anh Vũ Văn Tại, Trưởng phòng Kỹ thuật bảo quản, Cục DTNN Khu vực Thái Bình luôn trăn trở suy tư để nảy sinh sáng kiến, cải tiến kỹ thuật bảo quản. Anh luôn bám sát các vùng kho, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng trực tiếp kiểm tra ở từng điểm kho. Anh nổi tiếng với câu nói: “Không thể lơ là trước tài sản quốc gia!”.
Ở thủ kho Lê Văn Hòa, Chi cục DTNN Hòa Vang lại là lòng quyết tâm, tự học qua tài liệu, sách hướng dẫn, làm chủ công nghệ mới, để bảo quản các mặt hàng như: Xe máy, xuồng cứu nạn... Vì thế, qua nhiều năm bảo quản khối lượng xe, xuồng lớn, trong điều kiện khắc nghiệt của thời tiết miền Trung và nhiều yếu tố ảnh hưởng khác, nhưng hàng hóa, vật tư trong điểm kho anh trực tiếp quản lý, bảo quản vẫn luôn được giữ gìn an toàn và bảo đảm số lượng chất lượng.
Riêng anh Hoàng Trọng Chín, bảo vệ kiêm thủ kho Chi cục DTNN Sơn La, quê ở Diễn Châu, Nghệ An nhưng lại nguyện gắn bó cả cuộc đời với nghề DTQG ở vùng đất xa xôi Sơn La. Anh coi Sơn La là quê hương, gọi đơn vị của mình là tổ ấm thứ hai để rồi hăng say cống hiến sức trẻ của mình cho miền quê ấy.
Đặc biệt, ở ngành DTQG, tinh thần quyết tâm “cao hơn núi” ấy còn nổi trội ở những nữ cán bộ công chức. Thật đáng khâm phục biết bao trước câu chuyện chị Lê Thị Huệ, Phó trưởng kho Đò Lèn, Chi cục DTNN Hà Trung. Dẫu chồng mất sớm, con còn nhỏ, nhưng chị chẳng quản ngại trước mọi công việc và là một thủ kho bảo quản lương thực luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Ở Chi cục DTNN Ninh Thanh có chị Trần Thị Tâm, một thủ kho luôn đắm đuối với công việc suốt hơn hai mươi năm qua. Chẳng thế mà, khi đơn vị luân chuyển nhiệm vụ thủ kho, dẫu tuổi đã khá cao chị vẫn sẵn sàng lên đường đến kho Đông La- điểm kho cách nhà đến 30km. Phải ở tập thể, xa gia đình cả tuần, gác mối lo gia đình, con cái, chị vẫn tích cực lao động và gắn bó với ngành.
Còn chị Hà Minh Hiền, thủ kho Chi cục DTNN Vĩnh Tường thường xuyên tham gia những đợt đưa hàng DTQG đến tận bản làng xa xôi, vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, giáp hạt... Với chị, những ngày giáp tết xa nhà, cũng như đội gió, đội mưa hay bị mắc kẹt khi đưa hàng đến tận tay người dân bị gặp lũ... là chuyện “thường tình”!...
Nguyện cống hiến hết mình
Trong phong trào thi đua yêu nước của ngành DTQG, tuy không nói ra, nhưng niềm say mê, hăng say cống hiến hết mình ở những con người ấy lại phát tiết ra bằng những cải tiến, sáng kiến...
Là người đưa ra nhiều sáng kiến tiết kiệm cho ngân sách nhà nước mỗi năm hàng tỷ đồng, Cục trưởng Trần Văn Thao, cùng anh em, là một trong những người đầu tiên nghiên cứu đề tài “Bảo quản thóc trong môi trường yếm khí”. Đề tài được áp dụng đã giải phóng hoàn toàn sức lao động cho thủ kho, đảm bảo môi trường trong sạch và giảm tỷ lệ hao hụt theo định mức từ 2,3% xuống còn 0,7%. Ngoài ra, anh cũng chính là người phát động phong trào xây dựng vùng kho “An toàn, xanh, sạch đẹp”, để từ đây phong trào được nhân rộng trong toàn ngành DTQG.
Ở lĩnh vực kỹ thuật bảo quản, trong rất nhiều sáng kiến của mình, anh Vũ Văn Tại được đánh giá cao nhất là sáng kiến “Cải tiến hệ thống dẫn hút khí và tăng cường vật liệu kê lót”. Sáng kiến này được Cục DTNN khu vực Thái Bình áp dụng từ năm 2008 đến nay, đã giúp cho quá trình bảo quản thóc luôn an toàn về chất lượng.
Thủ kho Lê Văn Hòa có hàng loạt sáng kiến về bảo quản hàng vật tư, trong đó, đáng chú ý là sáng kiến thi công chế tạo một xe nâng hạ thùng nước phục vụ nổ máy xuồng. “Việc hoàn thiện và đưa vào sử dụng xe nâng hạ thùng nước bảo quản xuồng, làm cho công tác bảo quản máy xuồng trở nên dễ dàng và nhẹ nhàng hơn”- anh Hòa nói đầy tâm huyết.
Còn với anh Hoàng Trọng Chín, khi đứng trước khắc nghiệt của thời tiết vùng Tây Bắc khiến việc bảo quản lương thực gặp nhiều khó khăn, đã trăn trở rất nhiều và nghĩ ra được sáng kiến: phủ ấm xung quanh và bề mặt lô hàng bằng bạt dứa, chăn chiên, góp phần đảm bảo tốt hơn nữa công tác bảo quản lương thực.
Với các nữ cán bộ ngành dự trữ thì sao? Dẫu là “thân gái” nhưng các chị chưa bao giờ ngừng thi đua cống hiến. Chị Lê Thị Huệ luôn gỡ những câu hỏi từ thực tế đặt ra bằng các sáng kiến của mình. Sáng kiến “Phương pháp xếp lô thóc nhằm tăng tích lượng và chống đổ đối với kho cuốn” của chị được áp dụng, không tốn nhiều kinh phí mà thuận lợi và mang lại hiệu quả cao.
Còn chị Hà Minh Hiền thì tâm đắc nhất với sáng kiến “Kê lót, treo giữ màng PVC bảo quản thóc trong môi trường áp suất thấp”. Qua nhiều năm áp dụng, sáng kiến đã mang lại những hiệu quả như: lớp màng PVC phẳng, dễ dán; độ kín đảm bảo, chi phí công kê lót giảm,...
Thủ kho Trần Thị Tâm có sáng kiến “Sử dụng các tấm thảm gai trải nền thay thế các tấm ba- lét bằng gỗ trong công tác bảo quản gạo”. Sáng kiến này được áp dụng đã khắc phục những nhược điểm của việc kê lót ba- let gỗ và đem lại nhiều lợi ích thiết thực.
Sáng tạo hết mình, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn là những phẩm chất luôn có ở mỗi cán bộ công chức ngành DTQG. Hòa trong dòng chảy của thời gian, khi đã nhận nhiệm vụ, dù ở bất kỳ cương vị nào, hoàn cảnh nào các anh, các chị luôn là những bông hoa đẹp “lặng thầm tỏa hương” cho đời./.