PV: Thưa ông, gần đây trên thị trường tài chính thế giới có hiện tượng lạ là lãi suất trái phiếu của một số quốc gia đang âm. Ông nhận định thế nào về hiện tượng này ?
Chuyên gia Phạm Nam Kim: Thị trường tài chính thế giới hiện đang dao động rất mạnh. Trên thị trường vốn, mức lãi suất tụt xuống mức chưa từng thấy. Nhiều quốc gia hiện phát hành trái phiếu với lãi suất âm, nghĩa là “chủ nợ phải bỏ tiền thuê người khác tiêu hộ mình”!
Một tình huống chưa từng có trên lịch sử tài chính thế giới mà các nhà kinh tế đang đau đầu lý giải, ngoài lý do các nhà đầu tư trên thế giới quá dư tiền và cơ hội đầu tư hiệu quả hầu như không có. Đồng tiền nhiều quốc gia mất giá mạnh nên nhiều khoản đầu tư lớn được rút về.
Thêm vào đó, nhiều ngân hàng trung ương duy trì chính sách lãi suất bằng 0% nên dòng tiền càng không biết đi đâu. Do vậy, họ trở về đầu tư trái phiếu, một kênh an toàn và ít rủi ro, cũng một phần vì luật tại nhiều quốc gia bắt buộc các quỹ hưu trí đầu tư một phần vào kênh trái phiếu.
Vì cầu lên quá cao mà lãi suất lại ở mức bằng không nên dẫn đến hiện tượng lãi suất âm. Lúc đầu, lãi suất âm chỉ có đối với những quốc gia mạnh như Đức, Pháp, nhưng rồi ngay những nước yếu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha cũng được hưởng mức lãi suất này.
PV: Hiện tượng này có ảnh hưởng gì tới tình hình kinh tế và tài chính của Việt Nam không, thưa ông?
Chuyên gia Phạm Nam Kim: Theo tôi, đây là cơ hội vàng để thu hút đầu tư thế giới và vay vốn trên thị trường thế giới với lãi suất rất thấp.
Như đã nói ở trên, thế giới hiện đang thừa tiền, bất đắc dĩ lắm họ mới chọn kênh trái phiếu lãi suất âm. Những nhà đầu tư hiện đang ngày đêm bóc tách kinh tế thế giới để kiếm nơi “chọn mặt, gửi vàng” và châu Á - Thái Bình Dương được họ đặc biệt chú ý vì đây là nơi duy nhất có mức tăng trưởng cao và có thể nói là đầu tầu cho cuộc phát triển toàn cầu.
Trong vùng, Trung Quốc đã mất dần sức hút vì các điều kiện kinh tế không còn như xưa. Một số quốc gia có độ rủi ro chính trị cao, hay trình độ phát triển thấp cũng bị nhà đầu tư bỏ qua.
|
|
 |
Trong các quốc gia còn lại, Việt Nam đặc biệt được chú ý vì chính trị ổn định, tốc độ phát triển cao và kinh tế đang phục hồi. |
 |
|
Chuyên gia Phạm Nam Kim
|
|
|
Trong các quốc gia còn lại, Việt Nam đặc biệt được chú ý vì chính trị ổn định, tốc độ phát triển cao và kinh tế đang phục hồi. Sự hội nhập của Việt Nam với những khối kinh tế trong vùng ASEAN, TPP cũng là điểm hứa hẹn cho sự phát triển trong tương lai.
Tuy nhiên, cũng phải đánh giá xem chúng ta thực sự cần vốn hay không? Nguyên tắc phát triển kinh tế là phải dựa vào tiết kiệm quốc gia và nếu tiết kiệm quốc gia không đủ thì phải kêu gọi vốn nước ngoài.
Trên thực tế, chúng ta đang rất cần tiền để khắc phục những khó khăn hiện tại, để tái cấu trúc, công nghệ hóa hiện đại hóa nền kinh tế.
Quá trình tái cơ cấu ngân hàng vừa qua cho thấy không thể dùng tiền “sổ sách” để xử lý nợ xấu, không thể vực dậy ngân hàng yếu kém mà không rót vốn.
Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cũng chỉ có ý nghĩa khi chúng ta kêu gọi được vốn đầu tư và thay đổi cách điều hành doanh nghiệp.
Theo kinh nghiệm của Anh quốc trong thập niên 80, Thủ tướng Thatcher đã vực dậy nền kinh tế bằng cách tư hữu hóa DNNN và đã thành công nhờ sự hỗ trợ của thị trường vốn đặc biệt từ nước ngoài.
Với nợ công, chúng ta vẫn cần vay thêm vốn để đảo nợ, để phát triển quốc gia. Hơn lúc nào hết, chúng ta đang có cơ hội phát hành trái phiếu trên thị trường thế giới với những điều kiện rất tốt.
PV: Như vậy, Việt Nam cần có chính sách cụ thể gì để tận dụng cơ hội này cũng như hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế?
Chuyên gia Phạm Nam Kim: Về nguyên tắc, muốn khách vào nhà thì thứ nhất chúng ta phải “mở cửa”, thứ hai là phải “mời chào” họ.
Chiến dịch “mở cửa” (tạm gọi như vậy) có mục đích tháo gỡ những khó khăn hiện tại trong lĩnh vực đầu tư từ nước ngoài, đặc biệt với hai lĩnh vực chứng khoán và mức sở hữu các công ty. Việc mở cửa đầu tư, đằng nào chúng ta cũng phải làm khi đã và đang gia nhập những khối tự do thương mại hay những hiệp ước song phương. Tiến hành trong thời điểm hiện tại ta sẽ tận dụng được cơ hội tốt của thị trường tài chính quốc tế.
Với chiến dịch “mời chào”, các nhà chiến lược đầu tư đã sửa soạn sẵn thị trường, nhưng ta không thể ngồi đợi khách hàng đến mà phải năng động đi thẳng đến các trung tâm tài chính thế giới mời chào cụ thể về đầu tư vào Việt Nam.
Hai chiến dịch trên sẽ cụ thể nhắm vào tái cấu trúc ngân hàng, xử lý nợ xấu và cổ phần hóa DNNN. Đây cũng là cơ hội để kêu gọi vốn nước ngoài vào thị trường địa ốc và hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển. Đại diện các doanh nghiệp, cơ quan trên sẽ đích thân đi đến các trung tâm tài chính thế giới gặp thẳng những nhà đầu tư, những cổ đông tương lai.
Về thị trường vốn, đây là lúc tốt nhất để phát hành trái phiếu chính phủ, dù không được lãi suất âm thì cũng là ở mức rất thấp… Với tiền vay được, ta có thể hoán đổi trước kỳ hạn (nếu hợp đồng, hay thị trường cho phép) những khoản vay cũ với lãi suất cao, giảm chi cho ngân sách. Với mức lãi hiện tại đòn bẩy tài chính sẽ rất ứng dụng cho chương trình tái cấu trúc kinh tế quốc gia.
PV: Xin cảm ơn ông!