nguyên Tổng giám đốc KBNN, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách Quốc hội, về con người và văn hóa nghề kho bạc.
PV: Là một trong những người tham gia và là chứng nhân từ những ngày đầu tái lập hệ thống KBNN (1/4/1990), được chứng kiến sự trưởng thành của ngành, xin ông chia sẻ một vài cảm xúc, suy nghĩ về các cán bộ kho bạc của những ngày đầu ấy?
PGS-TS Đặng Văn Thanh: Tôi có may mắn là người tham gia vận hành hệ thống KBNN ngay từ những ngày đầu tái lập. Có thể thấy, lúc đó dù chưa có các quy định về văn hóa nghề, nhưng với mỗi cán bộ dường như đã ý thức được nghề nghiệp và trọng trách của mình đối với đất nước. Ngay sau khi có quyết định tái thành lập, công việc chuẩn bị cho sự ra đời của hệ thống KBNN được xúc tiến hết sức khẩn trương, với mục tiêu hình thành hệ thống KBNN từ trung ương đến địa phương và đảm bảo công tác quản lý tài chính - ngân sách diễn ra bình thường không bị gián đoạn.
|
|
 |
Nét đẹp văn hóa nghề kho bạc là tính trung thực, dám tránh xa và phản bác lẽ sống chạy theo tiền bạc, danh lợi, dối trá, bất chấp pháp luật và đạo đức
|
 |
|
PGS-TS Đặng Văn Thanh
|
|
|
Với lòng yêu ngành, yêu nghề và bằng tất cả sự nhiệt huyết, dám làm, dám chịu, toàn bộ cán bộ KBNN lúc đó đều quyết tâm, một lòng thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Chính vì thế, chỉ trong thời gian trên 2 tháng, công tác chuẩn bị đã hoàn thành và hệ thống KBNN thực hiện các hoạt động quản lý, giao dịch một cách suôn sẻ.
PV: Ông cũng đã có 5 năm gắn bó với những con người “giữ tay hòm chìa khóa”của đất nước và hiện nay, vẫn đang dõi theo từng bước phát triển của ngành. Vậy ông có nhận xét gì về những con người làm nghề kho bạc hôm nay?
PGS-TS Đặng Văn Thanh: Ông cha ta có câu: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, nghĩa là muốn được vinh hiển, sung sướng, được mọi người tôn trọng thì phải tinh thông nghề nghiệp. Nếu làm nghề mà chỉ coi nghề là tạm thời thì khó mà đạt tới đỉnh cao nghề nghiệp. Do vậy, phải hết lòng, hết sức với nghề. Đó chính là cái đạo làm nghề.
Với những người làm nghề kho bạc cũng vậy, ý thức về nghề nghiệp luôn được họ trân trọng, tự hào. Có thể thấy, hầu hết các cán bộ kho bạc hiện nay đều có trình độ chuyên môn cao, am hiểu nghiệp vụ. Đặc biệt, đại đa số cán bộ đều có lối sống giản dị, tác phong đạo đức tốt, kỹ năng ứng xử, giao tiếp thân thiện với các cá nhân, tổ chức đến giao dịch...
Hiểu biết sâu sắc và đam mê nghề nghiệp nên cán bộ công chức KBNN đều yêu ngành, yêu nghề. Trước yêu cầu đổi mới, công việc đối với các cán bộ dường như nặng nề hơn khi mỗi chương trình, dự án lớn được triển khai, nhưng tất cả đều đang chung tay, nỗ lực, cố gắng xây dựng KBNN ngày càng thêm vững mạnh.
PV: Trong dòng chảy hối hả của cuộc sống ngày hôm nay, liệu những phẩm chất này có bị mai một?
PGS-TS Đặng Văn Thanh: Kết quả hoạt động của KBNN 25 năm qua thể hiện rõ nét phẩm chất văn hóa, tinh thần của người làm kho bạc. Có tận mắt chứng kiến những ngày cuối tháng, cuối năm, những ngày cao điểm, họ rời khỏi nhà từ sáng sớm đến đêm khuya mới được trở về, không có ngày thứ Bảy, Chủ nhật, ngày lễ… mới thấy hết được sự tận tâm với công việc của họ.
Tuy nhiên cũng phải thẳng thắn thừa nhận, trong cuộc sống hôm nay, đâu đó vẫn còn có cán bộ không giữ được nét đẹp truyền thống này, đã làm ảnh hưởng đến đạo đức nghề nghiệp. Và cũng chẳng tránh khỏi tình trạng quá tải vì công việc nên đôi khi có cán bộ đã ứng xử không phù hợp với khách hàng đến giao dịch, với đồng nghiệp trong đơn vị,...Ngoài ra, vẫn còn một số ít cán bộ chưa thực sự tận tâm tận lực với nghề, không chịu khó nghiên cứu học tập nên hiệu quả công việc chưa cao.
 |
Cán bộ KBNN Tuyên Quang đang tận tình giải thích về các chính sách mới cho khách hàng giao dịch. Ảnh: Hạnh Thảo
|
PV: Vậy với kinh nghiệm của người đi trước, ông có thể cho biết, cần làm gì để mài giũa, làm sáng thêm văn hóa nghề, làm giàu thêm nét đẹp của con người kho bạc?
PGS-TS Đặng Văn Thanh: Nét đẹp văn hóa nghề kho bạc là tính trung thực, dám tránh xa và phản bác lẽ sống chạy theo tiền bạc, danh lợi, tệ dối trá, bất chấp pháp luật và đạo đức. Là người hàng ngày tiếp xúc với tiền bạc, với những người nộp tiền cho Nhà nước, người thụ hưởng quỹ công, văn hóa giao tiếp của kho bạc còn là sự tận tình, lịch sự, đậm sâu chất nhân văn, tránh cục cằn thô lỗ.
Dễ đấy và cũng khó lắm đấy! Dễ vì đây là truyền thống suốt 25 năm qua của hơn chục nghìn con người đã vì nghề, vì nghiệp; cả nghìn tấm gương trong sạch đã trả lại hàng chục nghìn món tiền thừa cho khách hàng. Nhưng cũng khó lắm vì nhiều nét đẹp văn hóa, nhiều đức tính tốt đẹp đã từng thấm sâu trong lối sống đang dần bị phai nhạt.
Vì thế, theo tôi, để việc thực hiện “Văn hóa nghề kho bạc” thật sự có chiều sâu, KBNN không thể chỉ dừng lại ở việc tạo điều kiện cho cán bộ học tập, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, giáo dục về các chuẩn mực và giá trị lao động, giáo dục về ý thức nghề nghiệp, kỹ năng ứng xử giao tiếp,... mà phải làm thế nào để có thể “giữ chân” những cán bộ có năng lực, yêu ngành, yêu nghề.
Với từng cán bộ công chức, mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng phải tự biết hoàn thiện mình trước bất kỳ công việc nào được giao, phải biết đặt mình trong một tập thể. Đồng thời, cùng với việc luôn luôn thực hiện các tiêu thức văn minh, văn hóa nghề và các quy chuẩn về đạo đức, lối sống đã được KBNN quy định còn phải không ngừng trau dồi nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp. Có như thế, văn minh, văn hóa nghề sẽ ngày càng được phát huy, tô thắm thêm nét đẹp của nghề kho bạc.o
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Năm 2006, Tổng giám đốc KBNN đã ban hành "Tiêu thức văn minh, văn hóa nghề kho bạc", nhằm thực hiện tốt hơn yêu cầu cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công chức khi thực hiện nhiệm vụ, giải quyết tốt các mối quan hệ ứng xử, giao tiếp, qua đó xây dựng hình ảnh tốt đẹp của hệ thống KBNN. |