Đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với phóng viên TBTCVN bên lề kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.
* Ông đánh giá thế nào về quá trình cải cách thủ tục hành chính của ngành Tài chính thời gian qua?
- Triển khai Nghị quyết số 19/NQ-CP, từ năm 2014, ngành Tài chính đã rất quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội (BHXH). Nhìn lại hơn 1 năm, có thể thấy kết quả ngành Tài chính đạt được rất tốt. Mục tiêu đến hết năm 2015 phải giảm thời gian thực hiện các thủ tục thuế, BHXH và thời gian xuất nhập khẩu hàng hóa bằng mức trung bình của các nước ASEAN 6, tôi tin là ngành Tài chính sẽ đạt được mục tiêu cải cách theo lộ trình đã đề ra.
Đặc biệt, quá trình CCTTHC của ngành Tài chính cơ bản đã giải quyết được những vướng mắc từ trước đến giờ, việc giảm ở đâu, giảm thế nào, giảm mặt hàng nào ngành Tài chính đã làm rất cụ thể. Bên cạnh đó, ngành Tài chính cũng đã rất chú ý đến đào tạo nhân lực chuyên môn chuyên sâu, từ những chuyển biến về mặt nhận thức, về quy trình làm việc, trách nhiệm của cán bộ…, tạo rất nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), được dư luận, cử tri và các DN đánh giá rất cao.
* Ông có nói cử tri và DN đánh giá rất cao quá trình cải cách hành chính của ngành Tài chính, cụ thể là như thế nào?
- Đúng vậy, cử tri đặc biệt là cử tri hoạt động trong các DN, trong đó có cả DN nhỏ và vừa, đánh giá rất cao quá trình CCTTHC của ngành Tài chính, từ ý thức phục vụ, giảm thời gian thực hiện, giảm chi phí hành chính cho cả người dân, DN; người nộp thuế cũng rất hài lòng về việc cải cách, nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan thuế.
Đặc biệt, DN nhỏ và vừa cho rằng, những CCTTHC của ngành Tài chính đã giúp DN giảm chi phí hành chính, tạo khả năng phát triển tốt hơn cho DN trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Chi phí giảm, lợi nhuận tăng, nhờ đó, lương của người lao động ở các DN nhỏ và vừa cũng được cải thiện. Đặc biệt, việc CCTTHC đã mang lại cho DN nhiều cơ hội kinh doanh với kết quả cao hơn.
Bên cạnh đó, việc CCTTHC của ngành Tài chính thời gian qua đã tạo lòng tin cho người dân, cho DN và đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài bởi họ thấy môi trường đầu tư của Việt Nam thuận lợi, thủ tục không nhũng nhiễu, phiền hà... Đây là những tác động rất trực tiếp, rất cụ thể đến hoạt động của DN, tạo lòng tin cho DN. DN làm ăn tốt hơn, thu hút đầu tư tốt hơn thì đồng nghĩa với việc DN nộp ngân sách nhiều hơn, nhanh hơn, các hoạt động an sinh xã hội, trách nhiệm xã hội được thực hiện tốt hơn...
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực trong CCTTHC, DN vẫn còn phân vân về ý thức phục vụ của một số cán bộ trong ngành ở các địa phương chưa đồng đều, chưa bền vững. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, các bộ phận với nhau chưa chặt chẽ khiến kết quả đạt được chưa như mong muốn, điều này có thể ảnh hưởng đến mục tiêu ASEAN 6 của Ngành.
* Để giải quyết dứt điểm những tồn tại này, cần giải pháp gì thời gian tới, thưa ông?
- Tôi được biết, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố và các tổ chức như Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Tài chính quốc tế… triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp, biện pháp để cắt giảm thủ tục hành chính, thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa cho DN và người dân thời gian tới.
Tuy nhiên, DN vẫn mong muốn có sự phối hợp chặt chẽ hơn, triển khai một cách đồng bộ hơn ở tất cả các địa phương, bởi vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ nhũng nhiễu, thiếu trách nhiệm, chưa tạo thuận lơi cho DN, người dân...
Đã đến lúc chúng ta cần phải có chế tài xử lý nghiêm, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ không đáp ứng được yêu cầu công việc, xử lý công khai cán bộ có thái độ nhũng nhiễu, hạch sách, ảnh hưởng và cản trở quá trình CCTTHC của Ngành, của cơ quan đơn vị và phải khích lệ, tôn vinh những cán bộ tốt, đơn vị làm tốt công tác CCTTHC, như vậy hiệu quả mang lại sẽ cao hơn./.
Xin cảm ơn ông!