PV: Ông có thể cho biết, chính sách thuế có vai trò như thế nào đối với thị trường, doanh nghiệp, sự phát triển kinh tế - xã hội nước ta hiện nay?
Ông Phạm Đình Thi: Chính sách thuế là một trong những chính sách quan trọng nhất trong hệ thống chính sách kinh tế của một quốc gia, có tác động thúc đẩy hay kìm hãm tốc độ phát triển kinh tế. Mỗi sự thay đổi chính sách đều có tác động nhất định với đời sống xã hội. Việc sử dụng chính sách thuế để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thường thể hiện rõ quan điểm, thiện chí của Nhà nước đối với các chủ thể sản xuất - kinh doanh trong nền kinh tế, từ đó tạo tâm lý yên tâm cho các nhà đầu tư.
Chính sách thuế sử dụng các công cụ là thuế suất và các ưu đãi về thuế. Các công cụ này ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua tác động chi phí, giá thành sản phẩm, quy mô tích lũy lợi nhuận, khả năng đầu tư, sức mạnh tài chính của doanh nghiệp.
Đơn cử các chính sách liên quan đến thuế nhập khẩu. Thông qua chính sách thuế nhập khẩu, chủ yếu là thuế suất, Nhà nước thực hiện mục tiêu (có hay không) bảo hộ sản xuất trong nước. Nếu áp dụng chính sách tự do nhập khẩu thì khi có thuế suất giá hàng hóa nhập khẩu sẽ tăng lên. Giá tăng lên có tác dụng khuyến khích doanh nghiệp trong nước mở rộng sản xuất, đồng thời làm giảm lượng nhập khẩu từ bên ngoài.
Trong những năm vừa qua, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Các hoạt động kinh tế, đầu tư trực tiếp nước ngoài, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đều giảm sút. Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ về thuế như giãn, giảm thuế… đặc biệt là chính sách giãn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Chính sách này đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Kết quả đạt được, nhiều doanh nghiệp đã hồi sinh, tìm được lại chỗ đứng của mình trên thương trường, đóng góp nhiều vào nguồn thu ngân sách nhà nước.
PV: Vậy vai trò của báo chí trong công tác tuyên truyền về chính sách thuế được thể hiện như thế nào?
Ông Phạm Đình Thi: Theo tôi, tuyên truyền phổ biến, giám sát và phản biện xã hội là một trong những chức năng cơ bản của báo chí. Những năm qua, báo chí đã thực hiện khá tốt chức năng này. Trên thực tế, cùng với quá trình hoàn thiện, thể chế hóa chính sách thuế, công tác tuyên truyền, giám sát việc thực thi pháp luật đang ngày càng được quan tâm và tổ chức thực hiện thường xuyên.
Tầm quan trọng của hoạt động tuyên truyền, giám sát về lĩnh vực này được thể hiện ở các khía cạnh chủ yếu như: Thúc đẩy quá trình thực thi pháp luật, đưa chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống, đảm bảo tính tuân thủ pháp luật; nâng cao nhận thức, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các cấp trong việc tổ chức thực hiện pháp luật; phát hiện những bất cập cả trong cơ chế, chính sách và quá trình tổ chức thực thi pháp luật để đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Theo tôi, các cơ quan thông tấn báo chí cũng góp phần rất quan trọng trong việc tuyên truyền, giám sát, định hướng dư luận chính sách, pháp luật về chính sách thuế thông qua việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật.
Trong công tác thu thuế thì việc đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế cũng hết sức quan trọng, bởi hoạt động này từng bước nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người nộp thuế, góp phần đưa chính sách pháp luật thuế vào cuộc sống.
PV: Ông đánh giá như thế nào về vai trò định hướng dư luận của báo chí ngành Tài chính?
Ông Phạm Đình Thi: Trong thời gian qua, cùng với hệ thống tuyên truyền của các bộ, ban, ngành, đoàn thể, có thể nói, TBTCVN và các cơ quan báo chí trong ngành đã đóng vai trò là người hướng dẫn, là cầu nối tuyên truyền về vị trí, vai trò, ý nghĩa của chính sách thuế, cũng như tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu sâu sắc hơn về những quan điểm và mục tiêu trong các văn bản quy phạm pháp luật về chính sách thuế. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức, cổ vũ cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành và các địa phương trong việc triển khai, thực hiện chính sách thuế.
Đồng thời, cùng với các cơ quan báo chí trong và ngoài ngành Tài chính, TBTCVN cũng là kênh thông tin chỉ ra những mặt bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai chính sách thuế tại các địa phương trong cả nước; và có những đề xuất về giải pháp, chính sách phù hợp, cụ thể. Đặc biệt, những ý kiến đóng góp, phản biện của các cơ quan báo chí có vai trò không nhỏ trong việc xây dựng và hoàn thiện các luật thuế đã được Quốc hội khóa XIII thông qua năm 2014, cũng như công cuộc cải cách thủ tục hành chính thuế.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!