Tỷ lệ giải ngân thấp
Báo cáo tại Hội thảo về cơ chế quản lý tài chính đầu tư và giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân năm 2015 được tổ chức mới đây, Phó Tổng giám đốc KBNN Nguyễn Việt Hồng cho biết, để thực hiện các Nghị quyết và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trong điều hành tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Tài chính, KBNN đã phối hợp với các cơ quan, các chủ đầu tư để thực hiện giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) thuộc kế hoạch năm 2015 đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định hiện hành.
Đồng thời, KBNN đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Tài chính (Vụ Đầu tư, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) hướng dẫn hệ thống KBNN kiểm soát chi vốn ODA, thanh toán vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) thuộc kế hoạch năm 2012, 2013, 2014 kéo dài sang năm 2015.
Qua 5 tháng thực hiện công tác kiểm soát chi NSNN của KBNN cho thấy, các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư và hệ thống KBNN đã nỗ lực chủ động, tăng cường sự phối hợp với các đơn vị liên quan, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư đối với các dự án, chương trình, đảm bảo thực hiện chặt chẽ, theo đúng quy định hiện hành.
Tuy nhiên, tính đến ngày 31/5/2015, vốn đầu tư thuộc kế hoạch năm 2015 giải ngân qua hệ thống KBNN mới đạt trên 90 nghìn tỷ đồng đạt 33,2% kế hoạch vốn năm 2015. Trong đó, vốn NSNN giải ngân là gần 68,8 nghìn tỷ đồng, đạt 35,3% kế hoạch; TPCP giải ngân đạt 21,4 nghìn tỷ đồng, đạt 27,8% kế hoạch.
Hà Nội một địa phương luôn được đánh giá cao trong công tác giải ngân nhưng trong 5 tháng qua, cũng mới giải ngân được 1.413 tỷ đồng, bằng 18,4% kế hoạch vốn ngân sách trung ương; vốn ngân sách thành phố giải ngân được 1.848 tỷ đồng, bằng 37,5% kế hoạch. Đối với nguồn vốn TPCP, các dự án do trung ương quản lý giải ngân được trên 350 tỷ đồng, bằng 16,6% kế hoạch; dự án do địa phương quản lý giải ngân được trên 85 tỷ đồng, bằng 22,6% kế hoạch.
Tỉnh Phú Thọ, trong 5 tháng, tổng số vốn đầu tư XDCB thuộc nguồn NSNN và TPCP kế hoạch năm 2015 trên địa bàn có tỷ lệ giải ngân dưới 50% kế hoạch. Trong đó, một số nguồn vốn từ ngân sách trung ương năm 2015 có tỷ lệ giải ngân thấp dưới 30% kế hoạch năm như: Chương trình mục tiêu quốc gia 29%; vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương đạt 25% và vốn TPCP đạt 13%.
Theo báo cáo từ KBNN, trong tháng 5, một số đơn vị đã có số vốn giải ngân tăng khá cao so với các tháng trước. Một số trường hợp tỷ lệ giải ngân là 0% từ những tháng trước nhưng sang tháng 5 đã có sự cải thiện là: Ngân hàng Chính sách Xã hội (từ 0% lên 23,9%); Ủy ban Dân tộc (từ 0% lên 13%); Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (từ 0% lên 15,6%); Thanh tra Chính phủ (từ 8% lên 31, 5%);…
Các tỉnh sử dụng ngân sách địa phương cũng có chuyển biến như: Cà Mau (từ 41% lên 53%); Hải Dương (từ 52% lên 67%); Bình Phước (từ 23% lên 34%);…
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân
Phó Tổng giám đốc KBNN Nguyễn Việt Hồng cho biết, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân từ nay đến cuối năm, ngoài việc bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Tài chính, với chức năng là cơ quan kiểm soát, KBNN cũng đề ra một loạt giải pháp.
Cụ thể, KBNN đang tổ chức các đoàn kiểm tra công tác kiểm soát chi tại một số KBNN địa phương, theo kế hoạch thanh tra năm 2015; qua đó chấn chỉnh những tồn tại, tháo gỡ các vướng mắc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư XDCB tại cơ sở; Đồng thời, tổ chức rà soát quy trình kiểm soát chi NSNN và đề xuất phương án cải cách thủ tục hành chính. Đây chính là biện pháp để hệ thống KBNN hoàn thiện quy trình luân chuyển chứng từ thanh toán vốn đầu tư XDCB; phấn đấu rút ngắn thời gian kiểm soát chi đầu tư trong nội bộ hệ thống KBNN trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các đơn vị kho bạc thực hiện thanh toán ngay khi có hồ sơ nghiệm thu khối lượng công trình gửi đến, bảo đảm không có trường hợp nào không có vốn để thanh toán.
Phó Tổng giám đốc Nguyễn Việt Hồng cũng cho biết, hiện KBNN đã nghiên cứu, sửa đổi quy trình giao dịch “một cửa” trong kiểm soát chi thường xuyên NSNN và quy trình kiểm soát thanh toán vốn đầu tư ngoài nước cho phù hợp với các quy định mới và phù hợp với định hướng cải cách tài chính. Ngoài ra, KBNN cũng đang trình Bộ Tài chính phê duyệt chủ trương triển khai thí điểm việc kiểm soát, thanh toán vốn một số dự án ODA của Ngân hàng Thế giới qua KBNN, với mục tiêu quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả vốn NSNN và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sử dụng NSNN.
Tuy nhiên, theo ông Hồng, hiện nay nhiều văn bản luật, nghị định, chế độ đã được ban hành và có hiệu lực từ năm 2015, trong khi một số văn bản hướng dẫn chưa đồng bộ, dẫn đến vướng mắc trong thực hiện kiểm soát chi và giải ngân các nguồn vốn, nhất là những vướng mắc trong giai đoạn chuyển tiếp. Do đó, KBNN đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm hơn nữa trong việc chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong việc nghiên cứu, thực hiện các chính sách, các quy định mới được ban hành.
Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương, các chủ đầu tư phối hợp tốt với KBNN trong quá trình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư từ NSNN, vốn TPCP, vốn chương trình mục tiêu; và phối hợp cùng nhau giải quyết các vướng mắc phát sinh đảm bảo đáp ứng yêu cầu của công tác đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện đúng quy định của pháp luật. Đồng thời cần chỉ đạo các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương khẩn trương xử lý dứt điểm những dự án còn có vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, để sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công xây dựng.
Các địa phương cũng cần có biện pháp tháo gỡ khó khăn và chỉ đạo chủ đầu tư thúc đẩy nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nghiệm thu khối lượng, hoàn thiện hồ sơ thanh toán gửi KBNN làm cơ sở kiểm soát; phối hợp với KBNN địa phương để đối chiếu rà soát các khoản dư tạm ứng vốn đầu tư cong tồn đọng, có biện pháp thanh toán để thu hồi số vốn đã tạm ứng./.