Dó là ý kiến nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khi trao đổi với phóng viên TBTCVN về những thành tựu to lớn mà ngành Tài chính đã đạt được qua 70 năm hình thành và phát triển.
PV: Xin bộ trưởng cho biết đánh giá chung của mình về sự phát triển của ngành Tài chính Việt Nam trong thời gian qua, dấu ấn của ngành Tài chính trong sự phát triển kinh tế Việt Nam thời kỳ đổi mới?
- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Đại hội lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986) là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển của đất nước, tạo đột phá căn bản trong tư duy lý luận bằng quyết định thực hiện đường lối đổi mới toàn bộ nền kinh tế. Với chủ trương kiên quyết thực hiện đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, thực hiện cơ chế thị trường và giá thị trường, Nghị quyết Trung ương 6 (khóa VI) đã giúp nền kinh tế - tài chính có những chuyển biến sâu sắc.
|
|
 |
Ngành Tài chính đang đi đầu trong hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian làm thủ tục thuế, hải quan ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia... |
 |
|
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến
|
|
|
Trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới, ngành Tài chính đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức trong giai đoạn xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng giúp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo thế và lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, đẩy lùi siêu lạm phát.
Ngành Tài chính đã tiến hành hai bước đột phá trong cải cách hệ thống chính sách thuế, tạo kết quả tích cực giúp thu ngân sách nhà nước tăng nhanh qua các năm, đáp ứng cơ bản yêu cầu chi thường xuyên ngày càng tăng, giảm tỷ lệ bội chi ngân sách, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả, tạo môi trường bình đẳng, thúc đẩy sự cạnh tranh và phát triển của kinh tế thị trường, góp phần mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế tài chính song phương với các nước trong khu vực và thế giới, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bên cạnh đó, những thành công của chính sách thu hút nguồn vốn ODA, FDI, chính sách vay và trả nợ nước ngoài… đã góp phần quan trọng trong việc tạo điều kiện tiền đề, mở đường và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước.
Cùng với đó, trong thời kỳ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, khó khăn về phát triển kinh tế, Bộ Tài chính đã giúp Chính phủ huy động được một khối lượng lớn các nguồn vốn đầu tư phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Đóng góp vào kết quả này là những cải cách thể chế quan trọng của ngành tài chính theo hướng tập trung tháo gỡ rào cản về cơ chế, chính sách tài chính để huy động, phân phối và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính; hình thành và phát triển đồng bộ các loại hình thị trường tài chính đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế; tập trung cải cách hành chính và hiện đại hóa, tiến tới xây dựng một nền tài chính hiện đại; tạo lập một môi trường đầu tư thống nhất, công bằng, minh bạch, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế - tài chính quốc tế.
Hiện ngành tài chính đang đi đầu trong hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian làm thủ tục thuế, hải quan ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Có thể nói ngành Tài chính có sự đóng góp vô cùng to lớn trong việc đưa nền kinh tế nước ta từ nghèo nàn và lạc hậu đã trở thành một nền kinh tế năng động trong khu vực, thành tựu ấy có sự đóng góp vô cùng quan trọng của ngành Tài chính.
Là ngành tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, ngành tài chính có sứ mệnh to lớn trong việc góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra với nhiều cơ hội và thách thức trong thời kỳ hội nhập.
PV: Xin Bộ trưởng cho biết đánh giá về mối quan hệ và sự hợp tác giữa hai Bộ Y tế và Bộ Tài chính trong sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước?
- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Con người là nhân tố hàng đầu, là nguồn tài nguyên quý báu nhất quyết định sự phát triển của đất nước. Trong đó, sức khỏe là tài sản quý báu của mỗi người, mỗi gia đình và mỗi quốc gia. Sức khỏe của nhân dân là một nhân tố quan trọng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, “dân cường thì quốc thịnh”.
Trong thời gian qua, ngành Y tế đã đạt được nhiều kết quả trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân,thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.
Để đạt được những thành tựu đó, ngoài sự nỗ lực của Bộ Y tế còn có sự phối hợp chặt chẽ, tích cực giữa các bộ, ngành và đặc biệt là Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội phân bổ ngân sách y tế theo Nghị quyết 18 của Quốc hội; Hàng năm, tỷ lệ chi ngân sách cho sự nghiệp y tế được tăng và bảo đảm tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách nhà nước, nhờ đó về cơ bản đã bảo đảm ngân sách cho các hoạt động của ngành Y tế.
Bên cạnh đó, nhờ sự giúp đỡ của Bộ Tài chính, Bộ Y tế đã có những bước đi đột phá trong đầu tư về cơ sở hạ tầng y tế, nhiều giải pháp giảm quá tải, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh đã và đang được triển khai có hiệu quả. Đã hoàn thiện xây dựng mới, nâng cấp 610/766 bệnh viện từ nguồn trái phiếu chính phủ, 44 dự án/hạng mục của cơ sở y tế tuyến trung ương; xây mới 5 bệnh viện trung ương và tuyến cuối, nhờ đó số giường bệnh trên vạn dân đã tăng từ 21,5 năm 2011 lên 24 năm 2015.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với Bộ Y tế trong công tác tăng cường y tế cơ sở hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp, 100% xã, phường, thị trấn đã có trạm y tế, trong đó chỉ có 1% số xã chưa có cơ sở nhà trạm, 96% thôn bản có nhân viên y tế hoạt động, 160 phòng khám bác sĩ gia đình được thành lập.
Bộ Tài chính cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong việc xây dựng, thực hiện một số cơ chế, chính sách về tài chính y tế, từng bước chuyển chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước trực tiếp cho cơ sở khám chữa bệnh sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế, gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; giao quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công lập; đổi mới phương thức chi trả dịch vụ y tế.
Cũng nhờ sự giúp đỡ của Bộ Tài chính, Bộ Y tế đã huy động và triển khai có hiệu quả các dự án viện trợ nước ngoài để đầu tư phát triển hệ thống y tế về đầu tư xây dựng cơ bản, cung cấp trang thiết bị y tế, đào tạo, phát triển nhân lực và hỗ trợ xây dựng, thực hiện các chính sách y tế.
Mặt khác, Bộ Tài chính hỗ trợ Bộ Y tế xây dựng và triển khai nhiều chính sách phát triển y tế nhằm huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho y tế bằng các hình thức như xã hội hóa, hợp tác công tư, phát triển y tế tư nhân.
Bộ Tài chính đã quan tâm dành ngân sách mua thẻ BHYT cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi, hỗ trợ người cận nghèo, người có thu nhập trung bình tham gia BHYT góp phần thực hiện mục tiêu tiến tới BHYT toàn dân.
Có thể nói rằng,ngành Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong sự nghiệp đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế Việt Nam theo hướng công bằng, hiệu quả, phát triển, chất lượng.
Với cương vị là người đứng đầu ngành Y tế, tôi đánh giá rất cao về sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Y tế và Bộ Tài chính trong những năm vừa qua và hy vọng trong những năm tới, ngành Tài chính tiếp tục đồng hành và ủng hộ ngành Y tế, để đã tạo điều kiện và giúp đỡ ngành Y tế hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
PV: Nhân dịp ngành Tài chính kỷ niệm 70 năm thành lập, Bộ trưởng có chia sẻ gì với ngành Tài chính?
- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Qua 70 năm hình thành và phát triển, ngành Tài chính đã có nhiều đóng góp to lớn và quan trọng cho đất nước. Thay mặt ngành Y tế, tôi trân trọng gửi lời chúc mừng tới toàn thể cán bộ, công chức ngành Tài chính và chúc toàn ngành sẽ đạt nhiều thành tựu rực rỡ hơn nữa, góp phần xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.