Tại hội thảo về một số vấn đề trong dự thảo Luật phí và lệ phí do Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển tổ chức ngày 10.9, nhiều chuyên gia và những người quan tâm đã đóng góp các ý kiến cho dự thảo.
Cần loại bỏ thêm nhiều loại phí, lệ phí trùng lặp
Theo các chuyên gia, so với Pháp lệnh Phí và lệ phí, dự thảo Luật bổ sung nhiều nội dung mới như: thu hẹp phạm vi, đối tượng thu phí, đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công; quy định thẩm quyền xác định Danh mục phí và lệ phí, xác định nguyên tắc mức thu phí, lệ phí cho Quốc hội; chuyển nhiều loại phí sang cơ chế giá dịch vụ theo nguyên tắc thị trường…
Đánh giá về nội dung này, PGS.TS Lê Xuân Trường (Học viện Tài chính) cho rằng, quy định như trong dự thảo về cơ bản là phù hợp nhưng cần loại bỏ thêm một số khoản thu chưa phù hợp hoặc trùng lặp để giảm gánh nặng tài chính cho người dân và doanh nghiệp. Cụ thể là loại bỏ khoản lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất vì đã có lệ phí trước bạ; bỏ lệ phí phân bổ kho số viễn thông, tài nguyên Internet vì đã quy định ở một số khoản phí liên quan khác…
Riêng đối với học phí, PGS.TS Lê Xuân Trường đề xuất giữ lại học phí bậc phổ thông trong Danh mục phí để đảm bảo quyền được học của trẻ em, thúc đẩy phổ cập giáo dục.
Minh bạch trong quản lý, sử dụng nguồn thu phí
Một vấn đề được quan tâm là tính minh bạch trong việc xác định chi phí, quản lý nguồn thu. Dự thảo quy định nguyên tắc tổ chức thu phí được để lại một phần theo quy định pháp luật để trang trải chí phí và khấu trừ vào phần khoán chi của đơn vị sự nghiệp.
Theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường, nguyên tắc tổ chức như vậy là hợp lý. Tuy nhiên, vấn đề hạch toán thu ngân sách là hạch toán theo số nào chưa được làm rõ (số phí thu về hay số phí thu về sau khi đã trừ chi phí thu để lại cho tổ chức thu phí?). Vì vậy, cần bổ sung quy định để làm rõ trách nhiệm báo cáo chính xác số thu phí để tính theo số phí được thu về bao gồm cả phần chi phí để lại để tổ chức thu cho tổ chức thu phí. Phần để lại này phải được hạch toán là chi ngân sách nhà nước để phản ánh đầy đủ và chính xác thu, chi ngân sách trong lĩnh vực phí, lệ phí.
Đồng thời, để nâng cao tính minh bạch trong thu và sử dụng lệ phí, dự thảo cần quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý phí và lệ phí, bổ sung quy định về cơ chế quản lý và sử dụng phí, lệ phí đảm bảo minh bạch và hiệu quả.
Sẽ quy định toàn bộ các loại phí, lệ phí trong luật
Tại hội thảo, nhiều ý kiến đề nghị dự thảo Luật phải có các quy định chặt chẽ để hạn chế tình trạng lạm thu phí. Đây cũng là yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra với cơ quan soạn thảo, theo đó dự thảo luật cần quy định chi tiết từng khoản phí, lệ phí thay vì danh mục phí, lệ phí. Đây là một thách thức với cơ quan soạn thảo vì hiện có hàng nghìn khoản thu phí đang được thực hiện ở các bộ, ngành, địa phương. Hiện Bộ Tài chính đã yêu cầu các bộ, địa phương thống kê. Sau quá trình này, sẽ có nhiều khoản thu sai quy định, không hợp lý, hợp lệ sẽ được rà soát, loại bỏ.
Phân tích về ưu, nhược điểm của việc cố định chi tiết các khoản thu trong luật, PGS.TS Vũ Sỹ Cường cho biết ưu điểm lớn của việc này các bộ, ngành địa phương không thể đặt ra các khoản thu mới, tránh tình trạng lạm thu. Nếu chỉ quy định danh mục mà không quy định chi tiết, thì về phía người dân sẽ khó tìm hiểu xem khoản thu này có hợp lý, hợp lệ hay không, chiếu theo quy định nào, có được Hội đồng nhân dân thông qua hay chưa.
Tuy nhiên, mặt bất lợi của việc liệt kê chi tiết là khi có các khoản thu không phù hợp hoặc phát sinh các khoản thu mới cần thiết thì cũng không thể bỏ đi hoặc bổ sung ngay mà phải chờ Quốc hội phê duyệt.
Về câu chuyện lạm thu, các chuyên gia cũng lưu ý, hiện nay nhiều khoản thu người dân đang phải đóng không phải là phí hay lệ phí mà là nhiều loại quỹ khác nhau tùy địa phương như quỹ an ninh, quỹ vệ sinh môi trường, quỹ khuyến học, hỗ trợ người nghèo… “Vấn đề này sắp tới Luật Ngân sách Nhà nước sẽ phải điều chỉnh, ở nội dung các quỹ ngoài ngân sách. Đây cũng là câu chuyện cực kỳ phức tạp hiện nay”, PGS.TS Vũ Sỹ Cường cho biết.
Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng lạm thu, nhiều ý kiến cho rằng người dân cần nâng cao nhận thức về quyền của mình khi được yêu cầu nộp các khoản thu như yêu cầu chứng từ, tìm hiểu về quy định với các khoản thu... Đây cũng là nội dung được đề xuất bổ sung vào dự thảo. Theo đó, cần làm rõ hơn về quyền và trách nhiệm của người nộp phí, lệ phí như trách nhiệm kê khai để quản lý thuế, quyền lựa chọn phương thức kê khai, nộp phí, lệ phí, các quyền khác theo quy định của pháp luật….